1. Người nghèo làm việc vì tiền. Người giàu làm việc vì cơ hội. Nhưng người muốn sử dụng cả người nghèo lẫn người giàu thì phải tuyên bố không vì tiền và không cơ hội.

2. Người thầy tâm linh thực sự là người chỉ kích thích bản năng tâm linh, chứ không kích thích tâm lý phán xét đúng sai nơi học trò mình. Đó là pháp “vô tận đăng”chứ không phải cái học nhồi nhét kiến thức về tôn giáo.

3. Càng quanh quẩn lâu trong đám gai thì càng bị cào rách da thịt. Càng quanh quẩn lâu trong dư luận và thị phi, tâm hồn bạn càng bị cào rách. Đừng để tâm hồn bạn rỉ máu, hãy can đảm và dứt khoát vượt qua vấn đề càng nhanh càng tốt.

4. Ô nhiễm nước làm cá chết, ô nhiễm môi trường tâm linh sẽ làm mọi tâm hồn chết ngạt. Gãy đổ niềm tin vào cuộc sống, gãy đổ niềm tin vào người khác và gãy đổ niềm tin vào thượng đế. . .là 3 chất cực độc làm ô nhiễm môi trường tâm linh. Hề hề. . . để sống sót trong môi tường tâm linh ô nhiễm, bạn phải học pháp giả vờ.

5. Tôi cho người đang đói nửa cái bánh, còn nửa cái tôi ăn. Đấy là tình bạn.
Tôi cho người đang đói cái bánh duy nhất của tôi. Đấy là tình yêu.
Tôi giấu cái bánh đi, giả vờ cùng đói để được yêu thương, rồi kích động người đói đi cướp bánh của người khác. Đấy là chính trị. 
Tôi không có bánh. Nhưng hứa hẹn người đói sẽ được ăn no ở kiếp sau, nhờ thế mà nó bót đau khổ vì đang đói. Đấy là tôn giáo.

6. Bực tức và phản ứng khi người khác xúc phạm mình là thiếu trí tuệ. Rộng lượng, khoan dung và tha thứ cho người xúc phạm mình là khôn ngoan nhất. Vì người xúc phạm mình sẽ biến thành xúc phạm tất cả mọi người quanh mình.

7. Đừng để cấp dưới hay đồng nghiệp làm việc cho mình dù mình là người lãnh đạo. Hãy để họ làm việc vì mục tiêu chung. Cũng vậy, dù là ý kiến riêng của bạn, nhưng hãy biến nó thành ý kiến của tập thể trước khi áp dụng.

8. Vì thượng đế ẩn tàng trong sự sự vật vật. Cho nên nếu không đồng cảm với mọi người và không tôn trọng môi trường sống, thì bạn là phi tôn giáo. Cho dù hàng ngày bạn vẫn cầu nguyện và quì lạy thượng đế.

9. Nếu anh không thể giải thích thì có nghĩa anh không hiểu hoặc hiểu không đủ. Nhưng nếu anh giải thích thì có nghĩa là anh chưa “thực hiểu”. Vậy lời nói và hành động của bạn phải là giải thích mà không có tướng giải thích. Cái đó gọi là thiền ngữ hay thiền cơ.

10. Bạn càng tu lên cao, bạn càng đơn giản và cuối cùng là trần trụi và không có nhu cầu biểu thị. Bình tĩnh, đơn giản, tự do và hồn nhiên là tướng trạng của người tâm linh.
>>>

(Ánh ST/ Đến trường)