1. Bạn trở nên hiệu quả hơn nếu bạn ngày càng logic hơn. Nhưng bạn sẽ sống thật hơn, sống nhiều hơn, sống có chất lượng và hạnh phúc hơn nếu bạn trần trụi trong tự nhiên và ngẫu hứng trong phi logic. Tự do giữa logic và phi logic là nghệ thuật vượt ra ngoài tâm trí của thiền.

2. “Con người thật” chỉ biết lắng nghe chứ không biết nghe. Lắng nghe là nghe mà không có tâm trí, không có sự can thiệp của ý nghĩ. Lắng nghe là nghe trong trạng thái trống rỗng và hoàn toàn yên tĩnh của tâm hồn. Khi lắng nghe thì bạn không hiện hữu và do vậy “con người thật” của bạn mới có đấy. Này Cỏ May, đó là “cái nghe”. Nếu các giác quan khác ông cũng thực hành tương tự thì lục căn không còn là lục tặc nữa, mà biến thành phương tiện diệu dụng của hành giả.

3. Vấn đề của người tập KCDS là làm thế nào hiện hữu trong im lặng sâu lắng đến mức như là không hiện hữu. Khi bạn không hiện hữu, thế thì thượng đế trong bạn mới phục sinh được. Khi bạn im lặng sâu lắng đến mức biên giới giữa hiện hữu và không hiện hữu bị xóa đi. Điều huyền diệu và bạn sẽ là một. Không một ai có thể phân biệt được. Nó là hào quang và hương thơm của điều bình thường với cái tướng trạng phàm phu thông dụng. Nếu cái biểu thị bên ngoài còn một lời nói lộ vẻ phi thường, còn một hành động lộ vẻ phi thường thì sự hợp nhất còn chưa hoàn hảo, nên lúc hoạt dụng giống như ăn cơm sống uống trà nguội vậy. . . .Hề hề. . .cũng được đấy nhưng coi chừng đau bụng.

4. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ nầy, cả trời đất nầy, như là đang say điệu múa. Như là đang chơi một bản đại hòa tấu vĩ đại với diệu âm và vô ngôn thông. Nếu bạn sai nhịp với cái toàn thể nầy, bạn sẽ ốm yếu bệnh hoạn và không hạnh phúc. Con tim bạn phải cùng chung nhịp đập với con tim của trời đất. Khe khẽ, thì thầm, tế vi, triền miên và bất tận.
Khi bạn thành thật, tự nhiên, trần trụi và đầy ngẫu hứng. Thế thì âm thanh nào ngăn được im lặng? lời nào giới hạn được cảm xúc ? và hành động nào còn bị cầm tù trong tâm trí chứ?

5. Đầu tiên bạn phải quân bình tâm lý, nhưng sau đó phải trở thành cực kỳ nhạy cảm. Nhạy cảm là kết quả của quá trình tịnh tâm. Tâm linh có nghĩa là cực kỳ nhạy cảm và KCDS là phương pháp tịnh tâm phục hồi lại sự nhạy cảm vốn có của người tập. Do nhạy cảm nên hành động của người tập KCDS là phản xạ chứ không phải phản ứng. Bởi vậy nó có tính ngẫu nhiên và thích ứng tình huống chứ không mang tính thành thục của kinh nghiệm. Nếu nó không luôn mới, không luôn biến hóa sinh động, không luôn tràn đầy cảm xúc và ngẫu hứng. . . thì đó không phải là KCDS. Mọi cố gắng nhằm làm cho nó thành thục kiểu như một kinh nghiệm nghĩa là đang vô tình giết chết KCDS.

>>>>