Xuân Mai và những kỷ niệm vui buồn cùng năm tháng/ 10/ 3/ 2012

KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH

KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH
Diễn đàn thảo luận, nghiên cứu về Khí công và Dưỡng sinh

Xuân Mai và những kỷ niệm vui buồn cùng năm tháng/ 10/ 3/ 2012

  • Comments 3

1/ Kỹ niệm xưa:

Ba Gàn / Do Ba Gàn tự đắp 7 năm trước, khi khu Xuân Mai bắt đầu hình thành

( Ngày ấy Ba Gàn thường nhặt các miếng đá bìa do thợ cắt bỏ ra để vẽ hoặc đắp các phù điêu. Hắn làm một cách nhàn hạ, để chơi có khi để tặng các vị huynh có duyên tìm đến nơi nầy.

Ba Gàn còn trẻ nhưng người hắn đắp trông già hơn rất nhiều. Hỏi tại sao vậy. Hắn nói: " đây mới là mình, còn cái xác bên ngoài là của cha sinh mẹ đẻ . . . hề hề. . .."

7 năm đã trôi qua, bức phù điêu năm ấy bây giờ rong rêu bám đầy. Ba Gàn cũng già hơn xưa. Hôm hắn đến đây đứng nhìn bức phù điêu năm xưa. Tôi bèn bảo: 

- Cái phù điêu của ông trông rong rêu quá. Ông có cần sơn lại không?

Ba Gàn cười. Hắn bảo:

- Hôm nào rảnh tôi đắp lại tôi. Tôi bây giờ khác rồi. . . .hề hề. . . .

Tôi nghe vậy biết vậy, chứ chẳng biết thế nào cả! Lẽ dĩ nhiên là khác với cái tướng cha sinh mẹ đẻ. Nhưng khác thế nào thì phải chờ khi nào hắn nổi hứng đắp cái phù điêu khác thì khắc biết thật tướng của hắn bây giờ ra sao.)

 

Tưởng Vậy / Phù điêu Ba Gàn tự đắp chính mình

( Thế rồi một hôm Ba Gàn đắp thật. Hắn lại nhặt một miếng đá bìa mà thợ bỏ lăn lóc ngoài sân. Lấy bổi, xi măng và sơn trộn với nhau rồi ngồi hí hoáy vừa đắp vừa uống trà dưới gốc đa Nhà Tổ Xuân Mai. Tôi lân la đến gần và hỏi:

- Ai đây?

- Tui chứ còn ai vào đây

- Sao thấy già và khác quá vậy?

- Ừ, tui bây giờ có tên là Tưởng Vậy. Lẽ dĩ nhiên khác với Ba Gàn và cái xác cha sinh mẹ đẻ của mình.

- Tại sao lại đa nhân cách như vậy?

- Bởi vì không phải không có Cái Tôi, mà cái Tôi nào cũng có thể biểu thị. Không chấp vào tướng Cái Tôi cố định nào?

- Cái gì biết tất cả cái tôi này?

- Tánh biết

- Tại sao thế?

- Vì tất cả Cái Tôi này đều do Tánh khởi Dụng mà thành. )

 

 

Tui đấy !

( Một hôm có một người tu đã lâu năm, cơ thể trông rất ốm yếu, nhưng tánh ưa biện thuyết. Người ấy đến gặp Ba Gàn để kể về người thầy của mình. Người ấy khen thầy mình là một tu sĩ có tiếng, thuộc một dòng truyền thừa cũng rất nổi tiếng. và ngài ấy tu hành rất đúng chánh giáo nên do vậy mà mình cũng đang tu theo từ đó đến nay đã nhiều năm rồi. Người khách tặng Ba Gàn một đống sách của thầy mình viết ra và khuyên Ba Gàn nên tu theo pháp môn nổi tiếng của ngài sư phụ.

Ba Gàn cảm ơn. Hắn đang xây cái bồn hoa, bèn lấy hồ xi măng đang ướt đổ trên mặt đất, rồi lấy bàn chân in lên mặt xi măng ướt thành một vết bàn chân thật rõ ràng. Xong, hắn nhặt một cái vỏ ốc sên đặt lên vết bàn chân. Trông rất giống con ốc sên đang cố gắng bò theo vết bàn chân ấy.

Người khách thấy lạ bèn hỏi:

- Cái gì thế?

Ba Gàn chỉ vào con ốc sên và bảo:

- Tui đấy

- Thế còn vết bàn chân này là của ai?

- Của thầy ông chứ ai?

Người khách yên lặng hồi lâu rồi nói:

- Con ốc sên bò như thế dù có theo đúng vết bàn chân của người đi trước. Nhưng biết bao giờ mới tới được chỗ mà người đi trước đã đến.

- Hề hề. . . .tôi cũng vậy. Nếu bò theo vết bàn chân của sư phụ ông thì biết bao giờ tôi mới đến chỗ mà thầy ông muốn tôi tới chứ ! )

 

 

Như Lai:

(Ba Gàn nhặt được một cái tượng Phật nhỏ xíu bằng gốm bị bễ do thợ xây vô ý làm rơi vật dụng vào.

Tiếc cái tượng, hắn đang lấy keo con voi gắn các mảnh vỡ lại với nhau để được một cái tượng trông cũng khá lành lặn.

Một người đến và hỏi Ba Gàn:

- Phật ở đâu xin chỉ cho tôi?

Ba Gàn chỉ vào cái tượng ấy:

- Đấy

Xong Ba Gàn đứng dậy cung kính đảnh lễ cái tượng lành. Người khách thấy vậy làm theo.

Ba Gàn ngồi xuống. Đột nhiên hắn lấy tay gỡ các miếng vỡ ra để thành cái tượng gảy đầu. Đặt cái tượng Phật đã bễ bên canh cái tháp cũng bị bễ. Hắn bảo:

- Phật đấy

Xong Ba Gàn đứng dậy cung kính đảnh lễ cái tượng bễ. Người khách thấy vậy cũng làm theo.

Đột nhiên, Ba Gàn đưa tay ném cái tượng bễ và cái tháp bễ xuống hồ. Hắn đứng dậy chỉ vào chỗ trống không không có tượng Phật và bảo:

- Phật đấy !

Xong Ba Gàn đứng dậy cung kính đảnh lễ chỗ không có tượng.

Người khách thấy lạ ngơ ngác hồi lậu, nhưng rồi cũng bắt chước Ba Gàn đảnh lễ Phật vào chốn hư không. )

 

 

Thiền:

( Ba Gàn cắt cái mo cau làm ngòi viết, chấm sơn viết chữ Thiền vào miếng đá bìa. Xong hắn đặt bức thư pháp vào giữa bồn hoa chỗ cao nhất. Chung quanh bồn hoa hắn đặt các cánh tay từ dưới đất chui lên với nhiều tư thế khác nhau như: Cầu cứu tuyệt vọng, giận dữ, buông xuôi, đam mê, lưỡng lự, tinh tấn. . .v.v. . . Mặc chính diện tác phẩm. hắn đặt hai bàn tay đang trong tư thế xé toạt một tấm lưới kẽm gai tượng trưng cho sự giải thoát khỏi mọi trói buộc (Moska). Phía bên trong hắn đặt một cánh tay với ngón tay chỉ thẳng lên trời, chắc là tượng trưng cho "Ngón tay chỉ trăng".

Tôi lân la đến gần và hỏi:

- Cái gì thế? Tư thế và trạng thái các bàn tay chung quanh biểu thị cái gì?

- Trạng thái tâm thức chúng sanh

- Còn hai bàn tay đang xé lưới kẽm gai biểu thị cái gì?

- Các pháp tu hữu tướng để nhằm giải thoát

- Thế còn "ngón tay chỉ trăng" kia biểu thi cái gì?

- Các pháp phương tiện để tu giác ngộ

- Thế còn thiền là gì ?

- Ông không thấy chữ Thiền đặt ở trung tâm mọi sự sao? Nó không phải những hiện tượng hữu tướng và vô tướng này, mà là bản chất của chúng. )

>>>>>>>>

2/ Xuân Mai vui ngày hội ngộ/10/3/2012:

 

Các cụ và bà con về Xuân Mai để chờ đón thầy

 

 

Xuân Mai vui ngày sum họp

 

Nghĩa tình Khí Công

 

Văn nghệ mừng đón thầy về

 

 

Mandala Ngũ Trí Như lai:

Bạn nhận thấy ở đây các biểu hiện giải phóng khỏi sự cầm tù của bản năng thân xác và các lối mòn của tập quán tâm linh. Thế nhưng nó luôn có sự hài hòa với dòng chảy tự nhiên của năng lượng trời đất. Phải chăng tự do chính là sự hài hòa giữa cái riêng tư và cái toàn diện một cách phi nổ lực. Sự đồng điệu của một nốt nhạc với bản đại hòa tấu của sự sống ở mặt biểu hiện lẩn mặt thầm kín của tâm linh.
Không chỉ bằng cái thân xác nhỏ bé. Con người với sức sáng tạo vô biên của siêu thức đã hợp nhất và đồng điệu với sự sáng tạo nguyên thủy của thượng đế phi nhân cách.
Không phải giọt nước rớt vào lòng đại đương, mà là đại dương bao la đang chứa không đầy trong giọt nước cá nhân bé nhỏ nầy.
Tâm không của hành giả như cái lỗ nhỏ xíu, cực nhỏ xíu, của hạt bụi trần gian. Thế mà nó có hấp lực vô biên, cuốn trôi cả sơn hà đại địa , cuốn trôi cả tam thiên đại thiên thế giới chảy vào. . . .chảy vào mãi. . . .chảy mãi mà vẫn không đầy!

 

 

Um Mani Padme Hum:

(Giọt sương đọng trên hoa sen. Nó phản chiếu ánh mặt trời thành muôn ngàn màu sắc như viên ngoc mani. Giọt sương có đẹp cách mấy đi nữa. Có ở chốn thanh cao cách mấy đi nữa. Chí lát sau thôi ánh mặt trời sẽ hong khô nó đi. Nhưng may thay, một cơn gió nhẹ thổi đến. Hoa sen rung rinh trên mặt hồ. Giọt sương rớt vào hồ sen. Giọt nước thế là mất nó đi. Nhưng trong hồ sen chỗ nào cũng có nó. Cái Một đã hội nhập và biến thành Cái Toàn Diện không kẽ hở. Bởi vậy mà ánh mặt trời thiêu đốt cũng chẳng làm nó khô đi được. Nó đã thành toàn diện, nó đã thành tất cả, nó đã thành Phật. . . Hay là thượng đế và chúng sanh đồng nhất tại chỗ này. . . .) 

 

 

Gia Trì Lực:

(Chẳng có người dạy, chẳng có người học. Chẳng có Phật độ, chẳng có chúng sanh được độ.. Chẳng có người tiếp điển, chẳng có người thông công nhận điển quang gia trì. Chỉ có gió thổi và rừng trúc đang lắc lay theo chiều xoay của gió. Chỉ có cái bình rỗng không yên lặng rót vào cái ly bễ toang hoát.  Chỉ có tiếng đàn không dây và người khách im lặng ngồi nghe bằng con tim đang nhảy múa)

 

 

Dép và Hoa sen:

( Trời nắng to, rừng đầu nguồn hết cây nên nguồn hết nước. Hồ sen đang cạn dần, chỉ còn một ít nước. Có người thấy vậy, lội qua hồ sen để sang bờ bên kia. Chẳng may người ấy bị thụt chân xuống bùn. Một chiếc dép lún xuống, đè mấy cành sen chìm sâu xuống bùn. Người ấy đi tiếp, bỏ lại chiếc dép. Một năm sau chiếc dép vẫn còn đấy. Nhưng hoa sen mọc đầy, lòn qua chiếc dép, nở hoa trong không trung. Người kia có dịp đi ngang qua hồ sen. Hắn muốn lấy lại chiếc dép. Lần này không phải vì ngại dính bùn. Mà vì sen mọc quấn quít, lòn qua lòn lại, khiến chiếc dép trở thành một thành tố của nó. Người kia không tài nào gỡ chiếc dép ra khỏi đám hoa sen. Một lần nữa, hắn đành tặc lưỡi rồi bỏ đi.

Chúng kiến việc này. Ba Gàn lấy làm thú vị. Hắn bèn dựng một tác phẩm sắp đặt rất kỳ dị ở Xuân Mai với nhan đề là: " Dép và Hoa sen" )

 

 

Yên lặng chứng kiến:

(Khi tập KCDS một điều quan trọng luôn ghi nhớ để thực hành cho thành thục. Đó là yên lặng chứng kiến toàn bộ quá trình hành công để tự điều chỉnh nếu chưa đúng với giáo án.

- Tại sao thế?

- Đó là vì tập cơ thể thì cơ thể khoẻ mạnh hết bệnh tật. Vậy nếu tập "chứng kiến để tự điều chỉnh mọi biểu hiện của mình" thì khả năng "chứng kiến tự điều chỉnh" sẽ ngày càng phát huy tác dụng. Và đó là phương tiện hiệu quả để đi về phía giác ngộ và có cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.

Còn trái lại, nếu chỉ ham nhận khí chuyển động một cách vô thức bản năng. Thì rõ ràng cũng chính là vô tình rèn luyện cái "bản năng thú tính" của mình để nó ngày càng mạnh hơn. Do vậy trong cuộc sống, dù hành công nhiều nhưng hành giả lại thường xuyên bị bản năng lôi đi, không chiến thắng được những dục vọng thấp hèn, nên không thể đi đúng con đường chánh giáo của Như Lai được)

 

 

Khán cước hạ :

( Hãy để ý từng bước chân. Đặt con mắt ở bàn chân. Ý nói hành giả hãy nhận biết tỉnh giác từng bước chân và từng hành động nhỏ nhặt nhất của mình. Đó cũng là phương pháp quan trọng của nhà Thiền nhằm rèn luyện khả năng chứng kiến tự điều chỉnh)

 

 

Thường và Vô Thường:

(Mọi sự đều vô thường. Vì đều do nhân duyên giả hợp chứ không có tự Tánh. Nhưng bản thể, cái mà từ đó mọi hiện tượng biểu thị, thì luôn thường. Bản thể chính là Tánh hay là Phật. Còn vô lượng vô biện Phật có đặc tính đều là hiện tượng biến diệt, đều là phương tiện để hành giả thực chứng Phật Tánh. Bởi vậy cứ khư khư chấp chặc vào Phật hửu tướng và vào chữ nghĩa kinh sách thì muôn đời chỉ luẩn quẩn trong thế giới hiện tượng sinh diệt. Huống hồ là đem cái biết sinh diệt của tâm trí để loè đời thị chúng thì muôn đời vẫn cứ loanh quanh trong luân hồi như gà con vướng tóc. Này Cỏ May, pháp còn phải bỏ huống hồ là phi pháp)

 

 

Phi thời gian:

(Từng giây từng phút trôi qua hãy hiện hửu trọn vẹn và sống hết mình. Thế thì bạn đã tận dụng được kinh nghiệm trong quá khứ và quyết định vận mạng mình ở tương lai. Nếu luật nhân quả là đúng, thì nhìn cuộc sống của bạn bây giờ khắc biết quá khứ của bạn như thế nào. Cũng vậy nhìn vào cách bạn sống hiện tại nhất định biết tương lai của bạn ra sao cần gì phải đi coi bói. Cho nên kí ức về quá khứ và những mơ mộng về tương lai đang khiến bạn bỏ quên hạnh phúc đang có đó)

 

Cái trần nhà bị thủng:

( Này Cỏ May, khi ông ở trong nhà. Cái trần nhà là cao nhất. Nhưng khi cái trần nhà đã bị thủng. Ngồi trong nhà mà ông vẫn thấy được trời xanh cao vời vợi đến khôn cùng chẳng biết đâu là bờ là bến.

Cũng vậy khi ông còn ở trong ngôi nhà ngũ uẩn, khắc ông sẽ thấy sở tri kiến của ông là cao nhất, là cái trần. . . .Cũng vậy khi ông còn dùng tâm trí nhị nguyên để tu, khắc ông sẽ thấy kiến thức hàn lâm của kinh sách là cái trần của hiểu biết.

Thế nhưng, khi ông qua hành Thiền đã phi tâm trí, đã vượt khỏi sự cầm tù của tri thức, đã bẻ gãy xiềng xích của vô thức tập thể, đã vượt khỏi cái trần của tập quán và mọi khái niệm. . . .buông xuôi và rơi tự do vào thế giới bất tư nghì. Khắc ông sẽ thấy mọi cái biết qua tri thức hàn lâm và tâm trí nhị nguyên đều chỉ là cái trần nhà so với khoảng không bao la vô cùng vô tận của bát nhã ba la mật đa.)

 

Viết vào trời xanh:

(Người thế gian dùng cái bút sắt, bút lông, máy tính, máy đánh chữ để viết vào giấy, viết vào ổ cứng. . . .viết như vậy là để con mắt thịt và cái đầu phán xét đọc.

Còn con tim thì bao giờ cũng dùng cái bút không ngòi, viết vào khoảng hư không bao la của trời xanh.

Chỉ có hiện tượng viết, chẳng có người viết.

Bản tình ca tối thượng như vậy, chẳng cần điều kiện gì, chẳng cần giáo điều nào cả, chẳng cần quảng cáo và suy tôn mà mọi con tim và mọi linh hồn khác đều tự nhiên đọc được)

 

Thiền Động:

( Con chim hút mật đang bay gọi là Động. Thế nhưng bay mà nó vẫn đứng im, vì nếu không nó sẽ không hút mật hoa được. Nó buộc phải bay, vì nếu không nó không tiếp cận các bông hoa ở độ cao và khi đường đi đến các bông hoa có chướng ngại vật cản ngăn. Đây là hình ảnh minh hoạ cho tính cách của Thiền Động.

Động là để thích ứng tình huống và luôn cùng trôi với dòng chảy của biến dịch để không bị tụt hậu.

Thế nhưng con chim muốn hút mật hoa thì phải "bay đứng yên một chỗ". Cũng vậy hành giả muốn hút mật ngọt tinh tuý của cuộc sống thì phải Tịnh khi thực hành Thiền Động.

Động ngoài tịnh trong. Động tịnh kết hợp và vượt trên động và tịnh để luôn an mà vẫn thích ứng với mọi tình huống biến dịch không ngừng nghĩ.)

>>>>>>

Động tác vô ngã và âm thanh phi nội dung của Đại Thủ Ấn:

 

Click here to play this video

>>>>>>>

 

Biển lặng:

(Cái đèn tượng trừng cho ánh sáng của tri kiến và kinh nghiệm riêng. Cái đèn gãy gục tượng trưng cho sự "giải thoát tri kiến".

Này Cỏ May. Đại dương đang cồn cào trong lòng con ốc nhỏ. Cái chợ đời đang ồn ào trong tâm trí chúng sanh. Cái biển đời đang ngày đêm gào thét, khi hàng ngày những cơn cơn bão thị phi đấu tranh không ngừng giằng xé tâm hồn. Trong nhiều cái khổ, cái người làm khổ người là to lớn nhất, nặng nề và nguy hiểm nhất. Nguyên nhân của điều này là “sở tri kiến”hay là cái biết riêng của tâm phán xét chủ quan. Do vậy chỉ khi nào hành giả “ giải thoát tri kiến” thì mới thực sự tự do (Moska).

Do vậy chỉ khi nào “biển lặng”, chỉ khi nào cái đại dương ẩn tàng trong lòng con ốc nhỏ lặng im không nổi sóng, thì hạnh phúc sẽ mỉm cười với bạn, mỉm cười với tôi, mỉm cười với anh, với chị, mỉm cười với tất cả mọi người và tất cả chúng sanh. )

 

 

Đại dương trong lòng con ốc nhỏ:

( Có thể sống trong chợ, nhưng đừng để chợ sống trong ta. Biết thế nhưng chúng ta hầu như ai cũng có một đại dương chợ đời đang ẩn tàng trong tâm của mình. Ngày nào đại dương ấy gió lặng sóng im thì mình có thể ngao du khắp nơi với niềm hạnh phúc. Ngày nào đại dương ấy nổi sóng vì bảo tố  hay có sóng ngầm vì stress, thì dù đọc đủ loại thần chú, kiết đủ loại khế ấn, lạy đủ loại thượng đế, làm theo đủ loại thầy truyền thừa nổi tiếng, chúng ta vẫn cứ khổ như thường.

Thế cho nên không có cái biển ấy trong tâm thì giải thoát.

Thế cho nên "giải thoát tri kiến" là pháp tối thượng thừa của Như Lai.

Này Cỏ May, pháp chỉ là phương tiện. Như ngón tay chỉ trăng. Pháp còn phải bỏ huống hồ là phi pháp. Nếu ông chấp pháp, trụ vào các pháp hữu vi, lấy làm hảnh diện, xem nó như là cứu cánh của sự tu tập, tức là ông đang có đại dương đang chực chờ nổi sóng trong tâm của mình rồi vậy. )

 

Phan duyên:

 (Như cái dây kia, bám vào cây và leo lên mãi. Vọng tâm bám vào “niệm” ban đầu, rồi suy diễn và như vậy quá trình: Thọ, tưởng, hành, thức, sẽ tự xảy ra. Sau khi thực hiện, kinh nghiệm về việc ấy sẽ lưu lại trong tạng thức. Những yếu tố trong tạng thức sẽ là tiêu chuẩn để ta so sánh với các thông tin khác khi các “căn” tiếp xúc với “trần” và cứ như thế, tâm trí nhị nguyên vận hành như bánh xe luân hồi đưa ta vào đấu tranh thị phi xa rời bản thể.

Cho nên hành giả phải đập nát bánh xe luân hồi bằng “tâm bất sinh”. Muốn vậy phải nhận biết và làm chủ “tác ý” là cái ý định trước khi hành động, để bảo đảm toàn bộ hành động của mình đều trong trạng thái nhận biết tỉnh giác không do “vô thức tập thể” điều hành.)

 

Thầy và Trò:

- Này tiểu đồng, từ nay pháp danh con là Huệ Ấn

- Thưa thầy tên ấy có nghĩa là gì?

- Này con, Giới , Định, Huệ, nhưng huệ này là do " tâm truyền tâm" chứ không qua kinh nghiệm và sách vỡ. Nó là "cái biết nguồn" không nguyên nhân.

 

 

Câu Trăng:

Trăng sáng cô đơn trên trời. Ba Gàn một mình ở bờ hồ văn Sơn. Gió thổi mặt hồ gợn lên muôn ngàn con sóng lấp lánh ánh trăng. Mặt trăng dưới nước đang nheo mắt mỉm cười với hắn. Khoái chí hắn định thò tay xuống nước kéo trăng lên uống trà chơi. Thế nhưng trăng lại ở tận giữa hồ xa quá. Hắn bèn lấy cái cần câu để câu trăng.

Sợ trăng bị đau, hắn bèn bỏ lưởi câu đi chỉ để dây cước thôi. . . .

Trăng ngậm ngay dây câu lên bờ uống trà với Ba Gàn.  

Hề hề. . . .hoá ra trăng này còn non chưa phải trăng già. . . . .Hắn bèn đặt tên cho người bạn mới là Minh Nguyệt.

-        Này Minh Nguyệt, thế còn mặt trăng trên trời là sao?

-        À, đó là trăng giả, em mới là trăng thực, vì em là Linh Hồn của trăng, như như tự tại, vô thuỷ vô chung muôn đời không già không trẻ, không chết không sống. . . .

-        Hề hề. . . như thế thì chán chết. . . .

-        Bởi thế em mới tuỳ duyên biến hoá thích ứng để tìm vui, cũng như ông anh thôi mà. . . .

 

 

Bánh xe luân hồi:

-        Bánh xe luân hồi vẫn quay. . .quay mãi. . . .chưa bao giờ ngừng nghĩ

-        Thế muốn thoát luân hồi thì làm thế nào?

-        Giống như muốn thoát khỏi khoảng không mà mình vẫn đang sống vậy.

-        Thế mọi sự đều bị quay theo luân hồi sao?

-        Có một điểm ở giữa luân hồi mà khi trụ vào đấy thì luân hồi không quay được.

-        Điểm nào?

-        Khi bánh xe quay, thì càng gần cái trục, lực quay càng yếu đi. Nếu tại điểm giữa, trung tâm của bánh xe, trên cái trục, thì lực quay của bánh xe sẽ bằng 0. Cho nên tại trung tâm bản chất của sự việc thì luân hồi không tác động.

-        Việc tu hành cũng vậy sao?

-        Cũng thế, muốn không tạo nghiệp tu, không bị luân hồi. Người tu phải dùng pháp đốn ngộ, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh, vượt qua hiện tượng, xuyên thấu vào trung tâm bản chất của vấn đề.

 

 

Quán Gió và thạch động giữa hồ Tịnh Tâm:

Gió đến rồi gió đi, quán Gió vẫn đứng lặng yên bên hồ văn Sơn 4 mùa mưa nắng. Mười phương tám hướng gió đến rồi gió đi. Mưa đến rồi mưa đi, nắng đến rồi nắng đi, trăng đến rồi trăng đi, chỉ có lặng yên vẫn luôn ở lại và thượng đế tự tại vẫn vô ngại huyền đồng. Còn hắn thì uống chén trà rỗng không, gom trời đất mênh mông vào cái ly trống rỗng.

Thạch động vẫn ngủ yên trên mặt hồ tịnh tâm. Người luyện pháp đến rồi đi, người cầu thành Phật đến rồi đi, người luyện Khí cầu vô tật bệnh đến rồi đi. Nhưng thượng đế vô vi vì chẳng đi nên chẳng đến và con chim quốc kêu hè vẫn tha thiết gọi mùa sang. Còn hắn thì ngồi trong thạch động, thọc ngón tay xuống nước vẽ bức tranh đời lẳng lặng như lúc trời buồn không nắng cũng không mưa.

 

Nhà Thầy:

Nhà thầy ở giữa rừng cây

Chim rừng xây tổ, hổ gầm vờn trăng

Nắng mưa đá chẳng nói năng

Rêu xanh hoa trắng nhìn trăng đá cười

 

 

Đằng sau cái màng nhện:

Đằng sau cái màng nhện thời gian là tình yêu tối thượng long lanh muôn màu muôn sắc như giọt sương long lanh trên đầu ngọn trúc.Thế nhưng linh hồn của quá khứ thì vẫn còn đang sống đằng sau cái màng nhện ấy. Đằng sau cái màng nhện lành lặn là quá khứ đang bị lảng quên.

Khi giọt nước rớt vào lòng đại dương, mênh mông, quá khứ của nó ở đằng sau cái màng nhện của thế gian. Thế nhưng khắp đại dương vô cùng vô tận chỗ nào cũng có nó, nên gọi là HUM (trở về). Cuộc sống của quá khứ đang tiếp diễn ở hiện tại.

Thế nhưng linh hồn của quá khứ lại đang ẩn tàng sau cái màng nhện trần gian.

Một ngày hắn đã về lại chốn xưa. Đứng nhìn bức tranh của mấy năm về trước. Mơ hồ trong tiếng gió ngàn, như có tiếng cười trong trẻo và tiếng bước chân âm thầm đi nhè nhẹ quanh đây. Hắn lặng yên, hoá thân của hắn xuyên qua màng nhện thời gian để về với quá khứ sống động đầy ắp những kỹ niệm vui buồn của ngày xa xưa ấy.

Hắn đi qua đi lại nhiều lần mà cái màng thời gian vẫn không bị rách.

 

Rong rêu thời gian:

(Một ngày Ba Gàn gặp một cô tiên ở bờ hồ Văn Sơn. Cô là Cô Cả con gái lớn của Mẹ Thượng Thiên. Hắn bèn vẽ lại ngẫu hứng trên miếng đá bìa gắn ở bờ hồ. 7 năm sau hắn quay lại, thời gian đã vẽ tiếp cho hắn. Còn Cô Cả thì chắc đã về trời nên không thấy tới. Chỉ thấy gió đùa mặt hồ và bóng hoa lồng bóng nước lặng im.)

 

Vô Môn Quan:

(Cửa không đóng, đừng tìm chìa khoá)

  • Nam Mô A Di Đà Phật!

  • "Giọt sương đọng trên hoa sen. Nó phản chiếu ánh mặt trời thành muôn ngàn màu sắc như viên ngoc mani.... Giọt sương rớt vào hồ sen.... Nó đã thành toàn diện, nó đã thành tất cả..."

    Và minh châu vẫn là minh châu ngời mãi giữa bao la của đại dương

  • "...ta nghe nghìn giọt lệ...rớt xuống thành hồ nước...long lanh..."