Hoàng hôn rắc ánh vàng trên mặt hồ Văn Sơn. Có tiếng cuốc kêu thiết tha trong lùm tre gai trước mặt. Cỏ non xanh rờn. Mặt đất lấm tấm đầy hoa.

Tư Chim ngồi bên ông Thầy Già đã lâu. Mà chả thấy ông nói năng gì. Hắn thấy trong lòng bứt rứt khó chịu vì cái yên lặng cùng cực này.

Hắn bèn rót cho cụ già một ly trà nóng. Cầm ly trà lên uống. Cụ vẫn yên lặng ngắm đàn giang đang xòe cánh múa trên mặt hồ lấp lánh đầy sao và gió, không nói năng chi.

Chịu hết nổi Tư Chim bèn lên tiếng hỏi:

-        Thưa cụ đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã là Phật mà sao còn đản sinh còn nhập diệt ?

-        Mô Phật già không biết.

. . . .

Buổi tối bên ánh nến lung linh trong nhà sàn. Mọi người quây quần quanh cụ già để nghe cụ kể chuyện tiếu lâm.

Vui miệng cụ nói:

-        Này chư huynh. Không có cái gì như là "Phật đản". Vì Phật thì không sinh không diệt. Phải nói là Kỷ niệm ngày sinh của đức Thích Ca, hoặc ngày Phật Thích Ca đản sinh. Chứ không nên nói là Phật Đản để chúng sanh khỏi hiểu nhầm đã là Phật mà còn sinh diệt.

-        Thưa cụ vậy Đức Thích Ca không phải là Phật sao?

-        Là Phật, nhưng không phải Phật như ông nghĩ.

-        Nghĩa là sao?

-        Không nên chấp Tướng Phật là Phật?

-        Nhưng thưa cụ trong giọt nước thì chỗ nào cũng là nước.

-       Đúng vậy, chất nước thì như nhau. Nhưng hình dạng giọt nước thì không phải là hình dạng của nước trong ao, hồ, sông, biển, hay trong các bình đựng khác. Cũng thế, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng là Phật biểu thị ở tướng Thích Ca chứ Phật Tánh phổ quát thì không chỉ có thế!

-     Thưa cụ tại sao ta lại đề cập việc này mà không nói các việc cụ thể trong đường tu có hay hơn không?

-        Để chư huynh không chấp vào "Tướng Tu" mà phải là "Kiến Tánh".

. . . . .

Khi mọi người đã đi ngủ hết rồi, Tư Chim mới hỏi cụ già:

-        Hồi chiều con cũng hỏi vấn đề này mà cụ lại nói không biết, sao bây giờ cụ lại giảng cho mọi người thế?

-        Hồi chiều ta không biết. Bây giờ ta mới biết.

-        Làm sao có chuyện kỳ quái như thế.

-        Cùng một vấn đề, nhưng hồi chiều ta không "tác ý" nên không biết, bây giờ ta "tác ý" nên mới biết.

-        Nghĩa là sao, thưa cụ?

-       Ta không có một cái biết có sẵn. Ta không lưu ảnh. Nhưng bất kỳ lúc nào ta chủ động trực ngộ với vấn đề, thì vấn đề ấy phản ảnh tức khắc.

-        Xin cụ làm ơn cho một thí dụ

-        Này chú Tư. Bây giờ ta có một cái gương. Nhưng ta không hướng cái gương vào đâu cả. Thì trên cái gương không có hình ảnh gì. Nếu bây giờ ta hướng cái gương vào cái hoa này. Thì cái hoa hiện hình tức khắc lên cái gương. Khi ta quay cái gương về phía không có vật gì. Thì cái hoa biến mất mà trên cái gương cũng chẳng có trước một hình ảnh gì!

-        Thưa cụ làm sao để tâm mình như cái gương này.

-        Giữ Giới và Tu Thiền.

 

 Tưởng Vậy/20/5/2008