Này Cỏ May, ông đã có thư hỏi về cách thức và kinh nghiệm dụng  gia trì lực khi hành trì Đại Bi Thần Chú. Ta nay vì ông và  những người có nhu cầu như ông nói lại một số kinh nghiệm mà bản thân khi hành trì thấy có hiệu lực. Hy vọng có thể giúp ích cho nhu cầu tu học của ông và những người quan tâm:

Này ông hành trì Đại Bi Thần Chú có 3 giai đoạn:

1/ Nhận gia trì lực:

Trang nghiêm cơ thể thanh tịnh Thân Tâm.

Đắc Khí

Dùng Hoá Thân đảnh lễ đức đạo sư A Di Đà, Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn và chư thánh chúng.

Có thể hành giả chưa xuất hiện Mudra và Mantra. Nên chỉ nương theo lực điển quang gia trì đảnh lễ bằng động tác như người bình thường. Với 2 bàn tay không khế ấn.

Sau đấy trong trạng thái đắc khí nghĩa là có Phật lực gia trì, bắt đầu tụng chú Đại Bi.

Tuyệt đối không nên tụng quá nhanh gây ép trí căng thẳng và sinh stress. Tụng thật khoan thai từ tốn, niệm niệm liên  tục không đứt đoạn.

Tư thế là trang nghiêm, ung dung, nhàn hạ, khoan thai, không một chút cố gắng.

Âm thanh phải hiền từ, mềm ngoài cứng trong, gồm đủ từ bi và trí tuệ.

Tuyệt đối không ẻo ợt ngân nga như ca hát làm mất Phật lực.

Có thể tụng theo phiên âm tiếng Việt cũng hiệu lực, không nhât thiết cứ phải tụng tiếng Phạn mới được.

Nếu tụng đúng và có Phật lực gia trì, thì tự nhiên khi tụng hết bài chú. Cơ thể sẽ tự xuất hiện động tác đảnh lễ chư vị thiêng liêng.

Khi tụng hết một bài Đai Bi, thì hành giả cầu nguyện. Tác bạch với ơn trên sở cầu sở nguyện của mình.

Sau đó hành giả lại bắt đầu tụng lại từ đầu. Tụng mấy lần là do mình phát nguyện.

Khi tụng thì chỉ cần gỏ mõ và không gỏ chuông. Tay còn lại đặt trước ngực, mũi nhọn bàn tay hướng lên trời.

Chú Đại Bi có 84 câu. Phụng thỉnh 84 hoá thân của Bồ Tát Quán thế Âm. Khi tụng đủ ngày giờ, và ngồi trong Mandala do thầy hoặc chư huynh thiết lập.  Tự nhiên bàn tay hành giả đặt trước ngực tự xuất hiện các khế ấn (Mudra).

Sau đấy khi tụng mỗi câu chú, tay hành giả lại tự xuất hiện một Mudra và có một tư thế phù hợp. Không khế ấn nào giống khế ấn nào. Không tư thế tay nào giống tư thế tay khác. Nên gọi là (Mahamudra).

Khi thấy có hiện tượng như vậy, thì gọi là được Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn và chư đại Bồ tát, chư Phật hộ niệm.

Khi nào hành giả đã thực chứng giai đoạn này rồi mới được bước qua giai đoạn thứ nhì, phụng thỉnh ơn trên ứng điển nhập thân (BodhiSattva) để tụng chú Đại Bi.

Chú ý: Khi có người nghe thì hành giả tụng có âm thanh để dùng tiếng pháp âm mà độ sanh. Khi không có người nghe, hành giả chỉ trì thầm trong tâm cũng được.

Về ích lợi của việc trì chú Đại Bi thì trong kinh cũng đã nói rồi, ở đây không cần lặp lại.

2/ Dụng Đại Thủ Ấn (Mahamudra) hành trì chú Đại Bi:

Dùng hoá thân đảnh lễ đức Đạo Sư A Di Đà Phật, Bồ tát Thiên Thủ Thiên Nhãn và chư Thánh chúng.

Động tác đảnh lễ sẽ tự hiển thị với Mudra (khế ấn) hiệp nhất hai bàn tay.

Sau đấy hành giả cầu nguyện, xin Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm ứng điển nhập thân để hành trì chú Đại Bi.

Hai bàn tay với Khế Ấn(Mudra) sẽ tự đưa lên đỉnh đầu, vẽ Mantra vào hệ thống luân xa, các giác quan, toàn thân, gan bàn tay và gan bàn chân. Sau đấy hoá thân hành giả sẽ tự đảnh lễ ơn trên với Khế Ấn ở hai bàn tay hiệp lại.

Đến đây hành giả bắt đầu tụng chú Đại Bi với Hoá Thân (Bodhisattva) của mình.

Không gỏ mõ, cũng không gỏ chuông, mà tay trái là chuông, tay phải là mõ. Với 2 bàn tay tự hiển thị các Mudra theo từng câu chú mà hành giả tụng.

Mỗi câu chú là một khế ấn và một tư thế tay. Khi tụng Dalani của Đại Bi, âm thanh sẽ tự hiển thị với nội lực hùng hậu mà vẫn không làm mất tính từ bi, nhàn hạ, khoan thai, ung dung, tự tại.

Mudra ở hai bàn tay, Dalani ở miệng và khế ấn thỉnh thoảng tự vẽ Mantra, nên gọi là Tam Mật Tương Ưng.

Khi tụng đến cuối bài chú. Tự nhiên hoá thân sẽ tự đảnh lễ với khế ấn của hai tay hiệp lại.

Sau đấy hành giả cầu nguyện, tác bạch Phật sự với ơn trên. Rồi tiếp tục hành trì. Hành trì bao nhiêu lần là tuỳ nguyện lực của mình.

Khác với giai đoạn 1, trì Đại Bi với gia trì lực, chỉ có tác dụng với ngay chính Thân Tâm mình. Ở giai đoạn 2 này, Phật lực sẽ có tác dụng độ sanh ở tam giới rất lớn và rất hiệu quả.

Mỗi lần công phu, khi năng lực gia trì của Như Lai và Bồ Tát vào người. Trước khi vào trạng thái cực tịnh cực an lạc và tràn đầy nhận biết, là trạng thái bắt buộc khi hành công với Đai Bi Thần Chú. Cơ mặt của hành giả sẽ tự thay đổi qua mười một trạng thái để trở thành tịnh và an lạc. Nên gọi là “Thập Nhất Diện”. Nét mặt thứ mười là của Phẫn Nộ Phật, còn nét mặt thứ mười một là Chánh Pháp Minh Như Lai (Một danh hiệu khác của Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn).

Toàn bộ động tác và tư thế 2 tay, cũng như khế ấn (Mudra) và linh phù (Mantra) đều do Phật lực làm hiển thị, tương thích với từng câu Dalani và trong trạng thái tràn đầy nhận biết tỉnh giác. Do vậy tư thế người hành công trông giống hệt tư thế tượng Phật Bà Nghìn Mắt Nghìn Tay. Nếu thấy khác có nghĩa là hành giả đã tập chưa đúng.

Khi thực hành Đại Bi Thần Chú. Hành giả nên ăn chay, ly dục và giữ các giới cấm thủ của nhà Phật thì hiệu quả mới cao.

3/ Giai đoạn 3: Cách áp dụng Đại Bi vào những trường hợp cụ thể.

(Kỳ sau ta sẽ trao đổi tiếp)

 

Ông Già Xóm Núi / 27/6/2012