-Chào cụ Tưởng Vậy

-        Chào chú Ba Gàn.

-         Người tu tập tuy luôn sống trong giới luật và chánh định nhưng không phải vì thế mà khổ hạnh. Trái lại luôn luôn an lạc tự tại. Thưa cụ!. . Làm sao để được vậy?

-         Này chú Ba!. . .Cái biết trinh nguyên và hành động tự nhiên làm, là hạnh phúc của người tu tập. Nó biến cuộc sống thành một niềm vui bất tận.

-         Cái biết trinh nguyên có phải là trực giác?

-         Giống như vậy nhưng không phải vậy.

-         ! . . .

-         Giống vì đều là phi tâm trí. Còn khác là vì trực giác chẳng từ một duyên cớ nào và cũng chẳng do thích ứng tình huống. Trái lại cái biết trinh nguyên là sự phản ảnh của sự vật qua trạng thái trong suốt của tâm, nên nó tuỳ duyên thích ứng tình huống.

-         Trực giác có phải là bát nhã?

-         Phải mà không phải.

-         Mô Phật! Vì sao lại thế?

-         Trực giác chỉ như ánh chớp của bát nhã soi sáng trong khoảnh khắc bất chợt trên bầu trời giông bão của tâm trí. Còn bát nhã như giông bão đã tan và vầng dương đang chiếu rọi muôn nơi.

-         Cái biết trinh nguyên là bát nhã?

-         Là cái dụng của bát nhã.

-         Làm thế nào để cái biết trinh nguyên hiển thị?

-         Vô ngã.

-         Làm thế nào để vô ngã?

-         Tu theo giáo pháp của Như Lai.

-         Dùng ngã để tu chánh niệm và tỉnh giác, thì làm thế nào ra khỏi ngã?

-         Dùng cái ly để đựng nước, nhưng khi nước đầy thì khắc tràn. Nước còn ở trong ly thì bị giới hạn bởi khuôn khổ cái ly và lấy hình dạng cố định của cái ly làm hình dạng của mình. Cũng vậy, khi còn ngã, cái biết là tâm trí bị giới hạn bởi phạm trù phiến diện của tâm thức, và luôn chấp chặt vào trạng thái “cái tôi”. Nhưng nếu không dừng ở đấy, tiếp tục rót nước vào ly, thì nước khắc tràn ra khỏi ly. Khi ấy nó lấy mọi hình dạng và không bị bó hẹp trong phạm trù nhỏ bé của cái ly nữa. Cũng vậy khi vô ngã thì có tự do tuyệt đối nên gọi là giải thoát. Bởi thế nên dùng ngã để tu mà vẫn có thể vô ngã như thường.

-         Nước thì tiếp tục rót vào ly. Vậy ở đây cái gì tiếp tục rót vào ngã để trạng thái vô ngã tự xảy ra?

-         Nhận biết.

-         Như vậy không phải là ngược chiều sao?

-         Sao gọi là ngược chiều?

-         Chẳng phải chiều của nhận biết là từ chủ thể hướng tới đối tượng sao?

-         Không phải vậy, đối với người tu tập, nó là hướng vào trong. Nên gọi là hồi quang phản chiếu hay phản quang tự kỷ.

-         Như vậy khi ngừng rót, dù đã tràn đầy. Nước lập tức lấy ngay hình dạng và phạm trù hiện tại làm phạm trù của nó. Và như vậy chưa phải là tuyệt đối?

-         Bởi vậy cái biết tuyệt đối là cái biết “đang là”, đang tuôn chảy, đang hình thành mãi mãi vô thuỷ vô chung không có điểm dừng.

-         Thế cho nên giác ngộ là không có điểm dừng, đang là và lấy mọi hình dạng?

-         Mô Phật!. . . Đúng vậy. . .”Ngộ” là thời khắc ly nước tâm trí chứa đầy nhận biết và tràn ra ngoài. “Giác” là “đang tràn”, tràn ra mãi!. . . tràn ra mãi!. . . chẳng có điểm dừng. . . chẳng có lúc nào đừng. . . lúc nào cũng đang tràn!. . .

-         Thưa cụ!. . . “Dụng” thì mới đang là, còn tánh biết là “thể” thì toàn triệt và rốt ráo?

-         Mô Phật!. . .Phân biệt dụng hay thể là duy danh học thuật của thế gian. Còn “tánh” là thể dụng hợp nhất và vẫn “đang là”!. . .

-         Vậy thưa cụ!. . .Nếu là người mới bắt đầu tu tập thì thực hành nhận biết như thế nào?

-         Yên lặng hướng vào trong!. . . .Nghĩa là những đề mục của thiền phải ở ngay chính thân tâm ta như: Hơi thở, trạng thái động tác hành vi, trạng thái nét mặt, ý nghĩ tình cảm. v.v. . .Trong sinh hoạt thường nhật đề mục của nhận biết là các trạng thái ấy khi tiếp xúc với người khác hoặc sự việc. Sống như vậy gọi là chánh niệm và tỉnh giác.

-         Thưa cụ!. . .Tại sao gọi là “Tự nhiên làm”?

-         Như nước khi tràn khỏi ly thì tự chảy tự do, không bị giới hạn trong khuôn khổ cái ly.

. . .

-         Xin cảm ơn cụ về buổi nói chuyện hôm nay.

-         Mô Phật!. . .Tôi tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Xin chú Ba hỏi việc này với chư tăng và chư vị thiện tri thức rồi bảo cho tôi biết với.

 

Tưởng Vậy/15/11/2005