Vườn Thiền

Vân du

Vân du
Bài viết phóng sự dài, nhật ký khí công.

Vườn Thiền

  • Comments 6

Đi dạo trong rừng mưa

Trời mưa, nước ao đầy tràn, chim cuốc tu hoa trong bụi tre gai, măng tre măng trúc từ dưới đất sâu ngoi lên tắm mát. Ta cũng tắm mát, vừa đi dạo vừa hát trong khu rừng mưa.

Mưa ngừng, hơi nước mờ mịt, chim đa đa kêu cục cục, chim hồng hoàng vỗ cánh kêu quang quác, nhen sóc kêu chộc chộc, giật đuôi từng chặp, thấp thoáng trong các vòm lá như thực như hư. Chung quanh ta Thần Thánh, Ma Quỉ và chư Thiên cũng vừa đi vừa hát, mờ mờ ảo ảo, tiếng vui tươi nghe như tiếng suối cười trong gió.

Một vài tia nắng yếu ớt, ngập ngừng trên ngọn cây bồ đề cổ thụ rồi nhảy múa trong khu vườn thiền. Lá mục bốc hơi, chuyển động trên nền đất ẩm vì giun dế, ếch nhái và côn trùng. Con rắn hổ mang chúa nghếch đầu thở phì phì. Con chồn xạ hương vừa mới đi ngang qua, hương thơm đặc quánh trong không khí mát và trong. Ta đi dạo, chẳng niệm Phật, chẳng trì kinh, chẳng giữ hơi thở, chẳng quán tâm, chẳng cầu thiên đàng, chẳng sợ địa ngục. . . .Ta vui sướng mở rộng cửa tâm hồn mình, làm bạn với muôn loài muôn vật, giải thoát khỏi mọi ràng buộc, hợp nhất với thiên nhiên, trần trụi chẳng ngại ngùng. . .

Là giọt sương, ta mong manh và long lanh trên đầu ngọn cỏ, toả hào quang muôn sắc cầu vồng. Là con chim, con giun, con dế. . .ta bản năng chẳng tính toán chi li, chẳng suy bì hơn thiệt, thành bại có không. Là con rắn, ta dấu mình trong bải cỏ xanh tươi chờ đêm tối mông lung, mặc cho lũ ếch nhái ban ngày nhởn nhơ trước mặt. Là ngọn cỏ, ta xuôi mình nghiêng theo chiều gió. Là cây trúc, ta đứng thẳng người, lòng rỗng lá bốn mùa xanh. Là hòn đá già, ta mặc kệ rêu xanh bám trên mình đã bao ngày bao tháng. Là con suối, lưu thuỷ bất tranh tiên, ta thuận thiên xuôi mình về phía thung xa. Là con đường đá cổ, ta mòn vẹt vì vết chân người dẫm đạp bao năm qua, vẫn nằm đấy đợi chờ những bước chân vô cảm.

Ha ha. . .ha. . . .ta là tất cả. . .là tất cả. . .kể cả những cái mà ta không thấy, kể cả những cái mà ta không nghe, kể cả những cái mà ta chưa từng nghe ai nói tới.

Ta là tất cả, kể cả là chính ta. Nên ta uống một ngụm trà, mà Trời Phật, Quỉ Ma và cả thiên hà đại địa đều cùng thấy chát, đều cùng thấy ngọt, đều cùng thấy thơm.

Có tiếng con ngỗng trời quang quác trên không trung.

- Này Cỏ May, Không phải đâu, đấy là tiếng ta la ngầy mấy đám mây lang thang, đang làm quẩn chân ta, vì sắp đến giờ Pháp Hoa khai hội. 

 

Này Cỏ May, đứng về THỂ mà nói thì Đạo và Đời là như nhau, Tánh và Tướng là không khác, Động và Tịnh là không  chia lìa.

Thế nhưng về mặt SỰ hay là mặt thực tiển. Khi đã có Tướng thì lập tức có phạm trù và giới hạn.

Trong đó các phần bài tập của KCDS là Dụng thông qua các hình thức biểu thị của thân khẩu ý. Nên hành giả cần phải giữ cho các biểu thị ấy luôn ở thế Trung Đạo. Nghĩa là luôn ở kẻ giữa của 2 cực nhị nguyên: Động-Tinh, Đạo-Đời.

Này Cỏ May, trung đạo là điểm giữa trung tâm của bản chất vấn đề. Là cái hư không mà từ đó hiển thị thành vạn pháp. Là đứng im lặng lẽ mà vẫn hằng chuyển động. Là cực kỳ tế vi mà hiển thị thành thô trọc vận hành.

-        Thế cho nên khi hành công. Nếu ông duy tướng Tịnh thì không hiệu quả gì, thì lý thuyết suông, nghe thì hợp tình hợp lý với cái nhìn nhận chung từ bao đời nay. Nhưng nói cho sướng miệng, cho hợp lổ tai mà chẳng tác dụng gì. Biết bao người đã vì vậy mà thân mang trọng bệnh, la lết trên giường bệnh nhiều năm, rồi chết trong đau khổ như kẻ phàm phu. Biết bao người đã vì vậy mà tâm sa vào đấu tranh nhị nguyên, kiện tụng bè phái, bị đời giật dây lợi dụng, lớn tiếng rao giảng đạo đức mà hành động chẳng hợp với từ bi hỷ xả, còn thua xử sự của kẻ phàm phu.

-        Còn nếu ông duy tướng Động, thì có thể có một ít hiệu quả về trị bệnh hay ngoại cảm. Nhưng loạn động mê tín, thành loại người dị thường, huyên hoang ngã mạn, tự cao tự phụ, hoang tưởng, lợi dụng thần thánh để trục lợi và cầu danh. Đạo đức và nhân phẩm vì thế mà ngày càng thấp kém. Cuối cùng, thường vi phạm luật pháp sa vào vòng tù tội hay đường đạo bị gãy nữa chừng. Người duy tướng Động như vậy còn thua xa người đời huống hồ cầu thành Phật thành Thánh sao?

Này Cỏ May, người tu chân chính, không duy 2 cực của nhị nguyên mà phải thực hành “Bất Nhị Pháp Môn”, gồm đủ mà không chấp. Bên ngoài hiển tướng theo bình thường của nhân thế. Nhưng bên trong năng lượng gia trì của thiêng liệng vận hành bí mật chẳng lộ ra ngoài. Khiến cho kẻ phàm phu chẳng thể nhìn thấy hay chẳng thể xét đoán qua tướng trạng.

Này Cỏ May, hãy đắc khí, hãy nhận gia trì lực mà bên ngoài chẳng có biểu thị gì khác thường để kẻ phàm phu biết việc ấy. Thế nhưng qua phương tiện thiện xảo như vậy, hiệu quả làm Phật sự và độ sanh phải ngày càng cao hơn chứ chẳng lý thuyết suông. Đó mới là pháp tu chân chính thoát khỏi mọi lưới ma. Hãy hợp nhất với Phật và chư vị thiêng liêng, mà bên ngoài vẫn biểu thị như người bình thường, qua các hành động chẳng có gì khác thường, qua lời nói bình thường, qua câu văn thông dụng, chẳng có mùi vị của tôn giáo và tâm linh. Thế mà Phật lực và bát nhã vẫn diệu dụng, đem lại lợi ích thực tiển cho mình và cho mọi người. Được như vậy ông mới an lạc chẳng bao giờ bị người nhân thế làm phiền và hoằng dương được chánh giáo của Như Lai trong thời mạt pháp.

Này Cỏ May, hãy “minh minh đức” bằng lời nói và hành động bình thường với những điều cụ thể, đáp ứng được yêu cầu bức thiết của mình và mọi người. Khi ông nghèo mới xét được hạnh bố thí. Khi ông bị cơm áo gạo tiền vây hảm mới xét được hạnh tinh tấn. Không ông đi vào đời vượt qua mọi hiểm nguy mới xét được sức mạnh của Bi Trí Dũng. Khi ông hoằng dương được chánh giáo của Như Lai giữa muôn trùng bẩy rập và lưới ma mới chứng tỏ được huệ lực và Phật lực là có thật. Còn khi ông làm được những điều phi thường bằng hành động và ngôn ngữ bình thường mới chứng tỏ được diệu dụng của Pháp Hoa Vô Tướng.

Này Cỏ May, phương thuốc đối trị với mọi loại bệnh tâm linh là: vô ngã, vô tướng, vô pháp, vô tác, vô sở hữu, vô sở trụ. Và tâm linh chân chính là thiêng liêng biểu thị qua một hành động bình thường khế hợp với chúng sanh.

Nói ít hiểu nhiều, hy vọng ông nương ngón tay chỉ trăng để thấy mặt trăng chứ đừng chấp vào tướng ngón tay.

 

  • Vườn Thiền chúng ta ngày càng đẹp hơn, sinh động hơn, .....

    NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM BỒ TÁT MA HA TÁT

  • Để hiểu được cái ĐẸP nơi đây,chắc chắn phải có một  tầm tri thức nhất định .Nhưng chưa đủ, còn phải có một trái tim biết rung động.

    May mắn là chúng ta có Thày,có các Huynh Đệ.

    "Vườn Thiền chúng ta ngày càng đẹp hơn, sinh động hơn, ....."

  • Nam Mô A Di Đà Phật

    Từ ngày có  Thầy  về vườn Thiền ngày  một đẹp hơn , mọi thứ đều không cầu kỳ , không kiểu cọ  nhưng  lại  thật gần gũi

    với  thiên  nhiên .

    Từ nay   cái  hồn của  vườn  Thiền sẽ  luôn mãi  làm lưu luyến khách Thiền .

  • CHỜ  !  ....

    Cánh hoa  sen rung rinh trước gió  , mỉm cười nhè nhẹ .

    Mầm  trúc vươn nhanh ra khỏi lòng đất ẩm  .

    Con sóc nhỏ ngước mắt nhìn bầu trời xanh .

     Đàn cò trắng xoải cánh bay  về cho kịp  .

     Hòn đá già vặn  mình chuyển động sau bao năm tháng  mõi mòn chờ  đợi .

    Ngọn  thác đại dương tuôn trào  bốn bể  .

    Lão Bồ Đề năm  nhánh vuốt chòm  râu bạc , nheo mắt nhìn mặt hồ .Lão  mỉm cười  hạnh phúc điều Lão đang biết .....

    Trên trời , các  chòm sao , tinh tú rủ nhau về dự  hội .

    Ôi ! ....cả vũ trụ  cùng ta  đang  yên  lặng  mỉm cười  ....

      Chờ !  .......đến giờ  Pháp Hoa Khai Hội .

  • "....Này Cỏ May, phương thuốc đối trị với mọi loại bệnh tâm linh là: vô ngã, vô tướng, vô pháp, vô tác, vô sở hữu, vô sở trụ. Và tâm linh chân chính là thiêng liêng biểu thị qua một hành động bình thường khế hợp với chúng sanh.

    Nói ít hiểu nhiều, hy vọng ông nương ngón tay chỉ trăng để thấy mặt trăng chứ đừng chấp vào tướng ngón tay."

    Nam Mô Guru-Deva-Dakini-Hum

  • Nam Mô A Di Đà Phật!

    Vô ngã, vô tướng, vô pháp, vô tác, vô sở hữu, vô sở trụ,...TẤT CẢ ĐỀU LÀ "VÔ".

    Nay Đệ xin thêm 1 chữ Vô nữa là : VÔ TÂM