Về miền đất Phật - Từ động tu khổ hạnh tới núi Linh Thứu.

Vân du

Vân du
Bài viết phóng sự dài, nhật ký khí công.

Về miền đất Phật - Từ động tu khổ hạnh tới núi Linh Thứu.

  • Comments 2

Núi Linh Thứu. Nơi Như lai ngồi thiền. Có động của các ngài A Nan, Ca Diếp, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên.

 

Bồ Đề Đạo Tràng cách bờ sông NiLiên độ 500m. Qua một cái cầu xi măng dài, xe chúng tôi đi độ 1 tiếng đồng hồ là đến núi Drongpa nơi xưa kia Như Lai đã tu khổ hạnh ròng rã 6 năm trời trong hang động Mahakala.

 Mahakala là một cái động đá thoáng mát, trần không quá thấp. Có thể chứa được khoảng 10 người. Cửa vào động vuông vức lớn bằng cái cửa chính ở nhà mình.

Chắc xưa kia Dronhpa phải là khu rừng thâm u rậm rạp kéo dài ra đến tận bờ sông Niliên. Còn bây giờ nó là cái núi đá lớn hùng vĩ với cây mọc lưa thưa lúp xúp, đầy chim sáo, nhen sóc cùng khỉ núi.

Khỉ ở đây là giống khỉ xám đuôi dài mặt đen. Chúng sống thành từng đàn nhiều vô kể và rất quen với người.

Khi chúng tôi đến, chim chóc và khỉ chạy theo từng đàn. Chúng bu đặc chung quanh, khọt khẹt xin ăn rất dễ thương. Chúng tôi mua mấy phong bánh qui ném cho chúng. Thế là chúng ào vô tranh nhau nhặt, vừa ăn vừa đưa tay kéo áo chúng tôi để xin tiếp.

Nơi của Như Lai sao mà đầm ấm và thân thương đến như vậy!

Tiếng cười vang vang vô tư, tiếng khỉ khọt khẹt, tiếng chim ca trong vòm lá xanh tươi. Trên trời quạ bay thành từng đàn chập chờn trên những mỏm đá nhọn hoắt. Gió từ sông Niliên thổi về mát lồng lộng. Phía dưới kia là làng xóm trù phú vườn ruộng nhà cửa một màu xanh ngăn ngắt.

Xưa kia khi Như Lai ẩn tu chắc nơi đây phải hoang vu vắng lặng lắm thì ngài mới thiền định được. Còn bây giờ phía trước và phía dưới hang là một ngôi chùa nhỏ theo phong cách mật tông Tây Tạng.

Trước cửa hang có một cái bàn dựa theo vách đá, trên có thắp một hàng nến dài đang cháy lập lòe. Chung quanh cửa động  Mahakala và ngay trên linh tượng của đức Bổn Sư trong động, người hành hương cũng tự dán những thếp vàng mỏng dính khiến đá núi lấp lánh ánh vàng. Kim thân của ngài với ánh mắt từ bi xa xăm, cơ thể gầy gò chỉ còn da bọc xương, trong ánh nến lung linh và bóng tối mờ mờ huyền ảo, trông sống động như thật.

Mô Phật, như đứa con lãng du mải mê với giang hồ sông núi, một hôm chợt quay về nhà, thấy người cha già ốm yếu ho hen, già nua mệt mỏi, vẫn ngồi đấy lặng yên chờ đợi đứa con thân yêu.

Tôi cũng vậy, mải mê rong chơi khắp cùng trời cuối đất. Hôm nay chợt quay về nhà, để thấy Như Lai vô lượng kiếp rồi vẫn ngồi đây chờ đợi đứa con thân yêu trả cho xong cái nợ trần gian rũ áo trở về.

Haha. . .ha! Tôi quì xuống nền đá lạnh, gục đầu dưới chân ngài mà nước mắt rưng rưng. Có tiếng khóc thút thít đâu đây. Tiếng gió hú trên triền những vách đá hoang vu. Tiếng tụng kinh trì chú rì rầm. . .thì thầm. . .thì thầm. . .

Mơ hồ tôi như thấy bàn tay của đá đưa lên xoa đầu tôi âu yếm. . . Ôi bàn tay của vô lượng kiếp rồi chờ đợi. . . . bàn tay hoang vu. . . bàn tay lạnh ngắt. . . . bàn tay rong rêu. . . bàn tay hư không. . . . bàn tay khổ hạnh. . . bàn tay của xa lắc xa lơ. . . bàn tay của bây giờ và mãi mãi về sau. . . bàn tay xóa mọi khổ đau cho mọi kiếp luân hồi dâu bể.

Người tôi như tan ra. . . mất đi. . . chung quanh như chẳng còn ai. . . Ôi, chung quanh và trong tôi sao chẳng còn gì. . . ngoài con tim của đứa con lãng du đang đập bồi hồi trong lòng Như Lai và trên lòng bàn tay của ngài, . . . bàn tay tam muội, . . . bàn tay của bao kiếp rồi vẫn chờ vẫn đợi!

Hôm chúng tôi đến đây, có một đoàn lạt ma của Butan cũng vừa đến. Họ ngồi thành một vòng tròn gục đầu xuống mà trì chú. . . Còn chúng tôi thì thông công giao điển với Như Lai.

Điển quang mênh mông, dịu dàng mà mạnh mẽ biết bao. . . đại thủ ấn liên miên bất tận. Mọi ranh giới của vật chất như bị phá hủy. Mọi đơn độc của linh hồn như chợt rỗng thông. Mọi cái hiểu biết như trò đùa phù phiếm chợt biến mất. Chỉ còn lại niềm vui vô bờ bến của sự hội ngộ, giao hòa hợp nhất không phân hai!

Haha. . .ha! Con chẳng còn mà Như Lai cũng chẳng còn. . . chỉ còn sự rung động và đồng cảm thiết tha. . . chỉ còn muôn ngàn con sóng của tình yêu tối thượng đang đùa nhau chạy mãi. . . chạy mãi, lan xa. . . lan xa mãi đến tận vô cùng. . .!

Trời cao tít, xanh lét không một vệt mây. Đứng ở triền núi này nhìn xuống, tôi như chợt hiểu. Phải chăng xưa kia cũng như bây giờ. Hai bên bờ con sông Niliên là bình nguyên màu mỡ nên có xóm làng dân cư sinh sống. Khi Như Lai từ bỏ lối tu khổ hạnh. Ngài đã từ nơi này lần mò xuống núi để đi về phía bờ sông NiLiên, đi về phía loài người, đi về phía sự sống, đi về với cái đích tối thượng của người tu.

Ngài đã gặp nàng Sujata và đã nhận bát sữa của nàng dâng. Như là nhìn nhận mối tương quan giao hòa bất khả phân của Phật và chúng sanh, của đạo và đời, của sự bất nhị trên con đường trung đạo.

Tại ngôi làng nhỏ này, sau khi chứng ngộ, ngài cũng đã thu phục 3 anh em nhà Ca Diếp. Nhờ vậy họ đã đưa hàng nghìn môn đồ của mình đến qui y với Phật. Khiến cho Phật đạo có được sức mạnh cơ bản làm nền tảng cho sự phát triển về sau dọc theo hai bờ sông Hằng.

Mô Phât, chắc xưa kia Như Lai cũng đã từng đứng trước cửa động khổ tu của mình mà nhìn xuống. . . nhìn về phía loài người, để rồi có bước ngoặt quyết định cho sự chứng ngộ về sau. . . đó là đi về phía loài người!

Lạy Như Lai, bây giờ chúng con cũng phải ra khỏi "cái động đá của thời đại mới". . . mỗi chúng con từ biết bao lâu rồi, đang tự giam mình trong cái động đá của chấp tướng, duy danh và tâm trí. . . .

Ha ha. . .ha! Phải ra khỏi cái động tâm trí thôi, cái động khổ tu của thời đại mới. Đứng trên triền núi chánh pháp của Như Lai mà nhìn và đi về phía loài người.

Haha. . .ha! Lạy Như Lai, xưa cũng vậy mà nay cũng vậy. Gốc bồ đề đang ở giữa cuộc đời này. Cái yên lặng cùng cực đang ở giữa biết bao cái bề bộn hỗn độn của trần gian.

Lạy Như Lai, bước ngoặt quyết định phải chăng là từ bỏ hư danh, khoa trương hình tướng phù phiếm, từ bỏ cái giả đạo rỗng tuyếch. Để mạnh dạn đi về phía loài người, ngồi bên gốc bồ đề của thời đại mới bên dòng NiLiên. . . dòng chảy của nhân loại về phía của đại dương tâm thức vũ trụ.

Rời hang  Mahakala, chúng tôi lên đường đi về núi Linh Thứu. Đây là nơi Như Lai đã giảng kinh Pháp Hoa và cũng là nơi ngài cùng chư vị Bồ Tát cư ngụ hành thiền.

Hai bên đường đi cây cổ thụ đứng thành từng hàng. Nhiều và đẹp nhất vẫn là bồ đề, đa và thốt nốt.

Trời nắng chang chang, nóng và oi bức kinh khủng. Nhiệt độ trên 40 độ C và đang còn tăng dần.

Hai bên đường đi những cánh đồng lúa mì vàng xộm. Từng tốp đàn ông và đàn bà đang thu hoạch lúa. Họ cắt bằng liềm và rải lúa ngay trên nền ruộng khô nứt nẻ. Những chiếc xe bò, với hai con bò trắng lực lưỡng đang gò lưng kéo, trên đó chất đầy những bó lúa mì với các cô gái mặc sari, da nâu bóng, mắt có đuôi với lông nheo dài xa xăm, nụ cười trắng toát ngây thơ tinh nghịch. Những người đàn ông da đen, râu mép cong vút, khăn trắng quấn to sù trên đầu đang đi thành từng hàng với bó lúa mì cao ngất ngưởng trên đầu. Chim khách và chim ri bay xập xòe trên cánh đồng mênh mông tràn ánh nắng. Những người đàn bà vú chảy xuống ngực đang ngồi cho con bú dưới bóng mát những cây đa vĩ đại. Trâu bò, dê, trẻ con đang cùng đùa bỡn với nhau chạy chung quanh gốc cây. Những ông già râu trắng như cước, mặt đen bóng ngồi hút thuốc, đang đưa tay liên tục xua những con quạ tinh nghịch nhảy lanh tanh chỉ chực nhào vô tranh cắp thức ăn.

Gió thổi phần phật, bụi bay mù trời. Mọi người vẫn vui vẻ làm việc với đầu trần. Thỉnh thoảng mới có cô gái kéo vạt áo che đầu hoặc có người đàn ông lấy khăn ở vai lên quấn đầu, còn không thấy ai đội nón đội mũ gì cả. Chúng tôi tìm mua cho mỗi người một cái mũ nhưng tìm khắp chợ khắp phố chẳng thấy ở đâu bán cả.

Được mùa lúa và chắc cũng được mùa phân hay sao mà dọc hai bên đường và khắp mọi nơi đều phơi lúa mì bên cạnh từng dãy dài những đống phân trâu bò đã được nhồi và nén thành những viên như viên gạch. Đây là chất đốt quan trọng của nông dân Ấn Độ.

Trên những cánh đồng lúa mì vàng xộm, cây thốt nốt khi thì lác đác khi thì mọc thành từng cụm cao vút xòe tán như cái lọng. Còn phía xa hơn là những dãy núi đá trơ trụi đầy cây chà là và cọ, với những ngôi đền Hindu trên đỉnh, trắng toát, cô đơn giữa mây trời, nắng và gió. Gập gềnh những đá và đá, giữa trời nắng như thiêu như đốt, chúng tôi vẫn thấy từng đoàn người Ấn đang nhẫn nại trèo lên đỉnh núi. Nơi có những ngôi đền thiêng với các tu sĩ mặc đồ trắng râu dài tới ngực mắt kính trễ xuống sống mũi với cuốn sách thật dày trên tay.

Những ngôi nhà bé tí tẹo, lợp ngói âm dương rêu phong hay lợp rạ vàng xộm nép mình dưới tán những cây đa cổ thụ rễ phụ phất phơ. Những cái nhà chứa lúa trông như cái bồ bên trên có nắp lợp bằng rơm. Trâu bò đứng bên những đống phân cao ngất đang hục đầu vào những cái máng bằng xi măng bên trong có nước và rạ đã được cắt ngắn. Nhà kia đám cưới, phía trước có cái cổng đón khách làm bằng tre bao vải xanh đỏ. Những cái đền nhỏ xíu hình vuông với cái tháp cao vút nhọn hoắt bên trong có thờ Thần Hanoman, thần Gessha, thần Laskmi, thần Visnu, Siva, Brahman. . . hay các thần khác của Hindu giáo. Trước các điện thờ này là những cây tre dài cao lêu ngêu bên trên có treo các cờ đuôi nheo màu đỏ bay phần phật trong gió. Đa số đền Hindu nằm lẫn lộn với nhà dân, giữa những đống rơm rạ chất cao có ngọn hay bên cạnh những đống phân trâu bò xếp ngăn nắp cao vút thành từng dãy.

Chúng tôi ghé vào một quán ăn bên đường đi, ăn bánh chappati nướng với cari, trứng luộc và súp cà chua.

Tôi thích thú đứng nhìn người đầu bếp da đen bụng tròn như trái dưa, ở trần trùng trục, mồ hôi nhễ nhại. Ông ta lấy cái chày gỗ cán miếng bột ra thật dẹt rồi đặt trên cái chảo nóng. Khi bánh hơi sém thì dùng cái kẹp bắng sắt kẹp ra đặt thẳng lên bếp than đang hừng hực đỏ. Miếng bánh lập tức phồng lên. Tôi bật cười khi ông ta vừa nhanh nhẹn lấy kẹp cầm bánh ra khỏi bếp lửa vừa đưa tay xua liên tục tụi chim sẽ đang nhào vô tranh nhau mổ vào chiếc bánh mới ra lò.

Chim sẻ và quạ nhiều vô kể, chúng làm tổ ngay trên mái nhà. Bay loạn xạ trong quán. Đậu cả vào bàn ăn, ăn tranh với khách. Thế mà chẳng thấy ai làm gì chúng. Họ kệ và chúng vẫn nhảy tưng tưng chung quanh bàn để thỉnh thoảng lại lén mổ vào mâm thức ăn.

Chúng tôi đã dặn nhà bếp không dùng dầu hạt cải, thế mà thức ăn vẫn có mùi hăng hăng rất khó nuốt.

 

Rajgir, Thành Vương xá đây rồi .

Quá trưa thì chúng tôi tới núi Linh Thứu. Không có thời gian nên chúng tôi lên núi bằng cáp treo và khi xuống thì đi bộ.

Trời nắng chang chang, gió thổi lồng lộng mà vẫn oi bức vô cùng. Cáp treo ở đây sơ sài và nguy hiểm quá. Nó chỉ là cái ghế vừa cho một người ngồi với cái móc sắt móc sơ qua ở phía trước. Nhìn phía dưới là vực sâu thăm thẳm chúng tôi thấy hơi rợn người.

Núi Linh Thứu mà chẳng thấy con kền kền nào cả. Những lùm cây, dây leo xanh tươi chen với những cây cổ thụ cao ngất, cành ngoằn ngoèo, tán rậm rạp. Hoa rừng nở khắp nơi hương thơm sực nức. Đá già hình thù cổ quái. Chim chóc, nhen sóc, chạy nhảy khắp nơi. Không gian u tịch, lá rụng đầy lối đi. Hôm chúng tôi đến đang trưa và cũng là mùa nóng nên vắng khách. Chung quanh yên lặng như tờ. Chỉ có gió đùa trên lá khô xào xạc và những bước chân của những người con tìm về miền đất Phật.

Trên đỉnh núi, người Nhật đã xây một cái tháp hòa bình nguy nga tráng lệ. Vòm tháp hình tròn. Nền tháp và mọi thứ ở đây đều làm bằng đá mài. Bốn mặt tháp an vị 4 vị Phật. Đều là tượng đức Bốn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật: Khi đản sinh, khi chứng ngộ, khi chuyển pháp luân lần thứ nhất và khi nhập niết bàn.

Bên cạnh tháp về phía sau và bên phải có hai ngôi chùa của người Nhật. Đó đây những tháp đá lặng yên cổ kính, những mái đao cong vút, những cổng đá trang nghiêm hướng ra khoảng không gian xa vời vợi. và những con đường lát đá lẩn quất trong những khu rừng thông gió hú.

Trước tháp hòa bình, có một đỉnh núi thấp hơn một tí. Nơi đây hiện có dựng một cái tháp đá ghi dấu đức phật đã giảng kinh Pháp Hoa tại đây. Khuôn viên chỗ này rất giống đỉnh Vân Tiêu tại núi Yên Tử Việt Nam. Cũng có chỗ đất bằng rất rộng de ra trên miệng vực sâu thăm thẳm và nhìn ra một khoảng trời đất rộng bao la.

Giữa trưa hè trời nắng chói chang. Bốn bề hiu quạnh lặng yên. Tôi tưởng mình như đang mộng đang mơ.

Này, có phải tôi, một kẻ lãng du lại có cơ duyên đang đứng đây sao?!. Đứng giữa Pháp Hoa Hội của tam thiên đại thiên thế giới hay sao?!

Haha. . .ha! Có phải ta đang nuốt trăng, hớp gió đọ trời cao, ta đang hợp nhất cùng Pháp Hoa hải hội?!

Haha. . .ha! Chẳng phải từ đó đến nay Như lai vẫn đang còn giảng Pháp Hoa chưa từng một lần ngừng nghĩ?!

Có phải pháp hội của tam giới, trùng trùng điệp điệp chư Phật, chư Bồ Tát, chư A la hán, chư Thiên, và chư Thánh chúng. Thế mà nhét chẳng đầy một hạt vi trần!

Haha. . .ha! Có phải cái thực ta từ vô lượng kiếp rồi vẫn còn đang dự pháp hội một phút cũng chẳng rời xa ?! Thế thì cái thằng nào đang đứng đây? Cái gì thực, cái gì mơ? Có phải Tánh đang dự Pháp Hoa Hội và cái thằng Tôi thì lại đang đứng đây? - Ừ mà thôi, có khi ta chỉ ngủ quên một chút nên pháp thân vẫn ở trong Pháp Hoa Hội, còn hồn thì mải rong chơi nơi cõi đời huyễn ảo này chăng?!

Nam mô Pháp Hoa Hải Hội Phật Bồ Tát, Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô Đa Bảo Như Lai. . . đệ tử xin thành tâm sám hối lỗi hôn trầm. . . đệ tử đang thức dậy rồi và vẫn đang nghe Diệu Pháp Liên Hoa Kinh từ kim khẩu của Như Lai. . .!

. . . . .

Có tiếng chuông chùa từ đỉnh núi ngân nga rồi quyện vào rừng cây đá núi. Chúng tôi đi bộ theo con đường lát đá hình chữ chi xuyên qua những tán rừng ngập tràn hoa rừng và chim chóc để đến núi Phật. Đây là con đường mà xưa kia Như Lai thường xuyên qua lại. Cũng trên con đường này, Ngài đã từng bị Đề Bà Đạt Đa mưu hại nhiều lần: lăn đá núi, cho người phục kích bắn tên thuốc độc và thả voi dữ. . .

Nay chúng đệ tử may mà có cơ duyên được đi trên con đường lịch sử này. . . đi và đồng cảm với muôn sự chướng ngại của người hành đạo. Ôi, xưa cũng thế mà nay thì cũng thế!

Lạy Như Lai. . . Những Đề Bà Đạt Đa kiểu mới vẫn đang bày trò và học trò của Như Lai vẫn phải dụng từ bi và hạnh nhẫn nhục ba la mật để rỗng không vượt qua!

Haha. . .ha! Xưa cũng thế, mà nay thì cũng thế!

Trên đỉnh núi này là nơi Như Lai ngồi thiền. Sau lưng ngài là nơi ngồi thiền của Tôn Giả A Nan.

Chung quanh đỉnh núi này có 4 cái hang động, là nơi cư ngụ ẩn tu của chư đại Bồ tát và Chư Tổ:

Từ dưới đi dần lên trên đỉnh thì có động của ngài A Nan và ngài Xá lợi Phất.

Phía sau đỉnh là động của ngài Mục Kiền Liênđộng của ngài Ca Diếp.

Tại từng nơi, chúng tôi yên lặng thông công, dùng đại thủ ấn đảnh lễ Như Lai và chư vị Tổ sư cùng A La hán.

Thật xúc động biết bao khi được đứng giữa nơi Phật tích này.

Nơi mà dấu chân của Như Lai và chư Bồ tát như vừa mới đây thôi, vẫn còn in trên đất núi chưa phai mờ. Nơi mà biết bao giọt mồ hôi của các ngài đã đổ xuống vì chúng sanh trong tam giới.

Ôi, ngày mưa, ngày nắng, ngày gió, ngày bão, ngày ngồi thiền, ngày thuyết pháp, ngày độ sanh. Ngọn núi cô đơn, với những cái hang bé xíu hoang sơ này, che chở làm sao được cho những con tim vĩ đại, che chở làm sao được cho những tấm lòng từ vô hạn mênh mông!

Ôi, Chúng tôi đứng đấy mà lòng tự thấy hổ thẹn và xót xa. . . Với phương tiện vật chất hiện đại và đầy đủ, lên xe xuống ngựa, tiền hô hậu ủng. . . . những người con của Phật ngày nay đã làm được những gì?!

Ôi, trong những hang động nào? hay tại đỉnh núi nào? nơi mà câu chuyện "Niêm hoa vi tiếu" đã diễn ra?

Như Lai yên lặng đưa cành hoa sen lên, và tổ Ca Diếp yên lặng mỉm cười. Thế là sự truyền thừa đã xảy ra và Như Lai ấn chứng cho Tổ

Có thật như vậy chăng?

Haha. . .ha! Mơ hồ trong bóng hoa nắng lưa thưa như gấm hoa. Con như thấy Như Lai mỉm cười khi đưa cành sen lên. Mô Phật, nhất định phải như thế rồi! Đồng nhất trong yên lặng và đầy nhận biết thì cũng phải đồng nhất trong phúc lạc viên mãn không nguyên nhân.

Haha. . .ha! Cái cười Như mà Lai, cái cười như có như không mới là yếu chỉ, chứ cái cành sen đưa lên chỉ là phương tiện khéo đánh lừa đám đông chấp tướng và phan duyên!

 

Chúng tôi yên lặng đi xuống núi mà không ai nói gì. Hình như con tim và khối óc chúng tôi còn để cả tại nơi đỉnh núi cô đơn vắng lặng kia với mấy cái hang động bé xíu ngập tràn gió núi hương rừng và tiếng chim ngày đêm ca hát.

 

Chúng tôi bắt đầu đi về hướng Câu Thi Na, đi về nơi Như Lai đã nhập niết bàn.

Phía dưới kia con sông Hằng vĩ đại và thiêng liêng của người Ấn đang trôi bình yên. Bây giờ đang lúc là mùa khô, nên lòng sông nổi lên nhiều cồn cát. Hai bên bờ sông, đồng ruộng cây ăn quả xanh tốt, mượt mà. Ruộng ở vùng này cấy lúa nước chứ không phải gieo lúa mì.

Đã đến Vườn Trúc lâm.

Chúng tôi vào đảnh lễ Như Lai và chiêm bái khu vườn nổi tiếng của ngài.

Đây là khu vườn lớn, rất đẹp do vua Bimbisara dâng tặng cho Như Lai. Ở thành Vương Xá, xưa kia đây là nơi giảng pháp quan trọng nhất của ngài. Như Lai ở núi Linh Thứu, thường đến đây để đi dạo và thuyết pháp. Không biết xưa kia khu vườn này gồm những giống cây gì, có trúc hay không? Chứ bây giờ thì thấy chỉ còn một số ít trúc ngay chỗ cổng vào  bao quanh cái điện thờ kim thân của ngài. Trúc ở đây cây rất to như cây tre, mọc thành những bụi lớn um tùm cao vút rất đẹp. Đi dần lên phía trên thì  có một cái hồ nước thật lớn nuôi rất nhiều cá. Phía bên kia hồ có tượng đức Bốn Sư theo thế tay đang ngồi thuyết pháp. Có nhiều cây bồ đề lớn, rất nhiều cây cổ thụ khác và rất nhiều hoa quí đang khoe hương sắc. Nhen sóc chạy khắp nơi và chim chóc ca hót líu lo trong những vòm cây lưa thưa bóng nắng.

Mơ hồ trong tiếng gió, có tiếng ngài thuyết pháp từ ngàn xưa vọng lại. Hình như có bóng của ngài đi dạo thấp thoáng sau các rặng cây ở phía xa kia mờ mờ sương khói. Lòng bồi hồi xúc động, tôi như thấy ở một tiền kiếp nào đấy, mình là chú tiểu nhỏ loanh quanh chạy quét lá bồ đề trên những con đường ngài sắp đi dạo qua. Chim chóc, nai rừng và thỏ trắng nhởn nhơ chung quanh và trên bãi cỏ xanh rụng đầy hoa vô ưu.

. . . . .

Sau mấy tiếng đồng hồ đi trong nắng lửa và gió bụi mù mịt. Chúng tôi tới khu di tích Nalanda. Khu phế tích vĩ đại và rất nổi tiếng.

Nó nguyên là cái trường Phật giáo thế giới đầu tiên và đã có nhiều học giả nổi tiếng đến học ở đây. Trong đó có Bồ Tát Long Thọ sau này trở thành viện chủ của Nalanda và ngài Huyền Trang cao tăng đời Đường ở Trung Quốc. Nhiều giảng sư và luận sư đương thời cũng đã đến ngụ để nghiên cứu, học tập hoặc tham quan giao lưu. Trong đó có đức Mahavira giáo chủ đạo Jaina.

Trường được vua Ruppa thành lập vào thế kỹ thứ 3 sau công nguyên phát triển hưng thịnh đến thế kỷ thứ 12 thì bị quân Hồi Giáo kéo đến đập phá giết hại tăng sinh và hủy diệt toàn bộ.

Từ trước khi Nalanda thành lập, khu đất này chỉ là một vườn xoài ngập tràn bóng mát. Sinh thời mỗi khi đức Phật đi ngang qua, ngài vẫn thường ghé nghỉ chân và thuyết pháp ở vườn xoài này.

Khi trường thành lập. Tại chỗ ngài thường ngồi có dựng một cái tháp nhỏ để kỷ niệm, bên trong có thờ ngài Xá Lợi Phất. Sau này vua A Dục đã cho xây một cái tháp lớn hơn bao bên ngoài hiện nay gọi là Tháp chính.

Vào thời hưng thịnh Nalanda rộng hơn 10km2, có một vạn tăng sinh và hơn 2.000 giảng viên. Hiện tại khu phế tích này chỉ khai quật được khoảng 1km2 mà thôi.

Nalanda xây bằng gạch đỏ tường dày khoảng 5 tấc. Chia ra làm nhiều khu. Có khu mỗi phòng chỉ có một người ở. Các phòng bố trí chung quanh một giảng đường lớn, có chỗ để giảng viên ngồi trên cao. Có khu kém quan trọng hơn, thì mỗi phòng 2 người ở.

Một dãy dài phía sau là điện thờ và các chùa tháp.

Trường dạy về Phật giáo, kinh Vệ Đà, logic, duy thức học, y học, ngôn ngữ học, triết học. . .v.v. . .

Nhìn phế tích đổ nát mà vẫn còn hùng vĩ oai nghiêm đến thế. Tôi hình dung ra thời hưng thịnh của nó chắc tráng lệ và đẹp đẽ biết dường nào. Vào thời ấy, nó nhất định phải là báu vật của nhân loại, nơi tập trung biết bao bộ óc siêu việt và những tinh hoa rực rỡ của loài người. Thế mà nay chỉ là đống gạch vụn hoang tàn!

Tôi giật mình chợt hiểu ra một điều đơn giản:

Con người khổ vì thiếu thốn, bệnh tật thì ít, mà làm khổ nhau thì nhiều.

Đi tìm chân lý thì chỉ một mình mình chịu khổ, còn chứng minh cái mình biết là chân lý là chánh giáo, cái kẻ khác biết là tà đạo, thì làm khổ muôn triệu sinh linh và để lại hậu quả đau xót mãi về sau!

 

(Còn tiếp VMDP – Từ Núi Vân tới Bồ Đề Đạo Tràng)

 

Mây/ Ghi chép theo đoàn/21/4/2008

  • minh dang tim de tai de lam luan van tot nghiep ve "duong sinh" nhung hong biet tim o dau. nho kac pac giup voi! cam on! com on!