- Cụ ơi, vừa rồi cụ có nhân duyên di xứ người thú vị quá. Con muốn đi mà không có tiền. Vậy những người nghèo như chúng con thì làm sao có cơ hội tiếp xúc được mật pháp của Như Lai?
- Này ông, xưa Bàng Uẩn đã có câu thơ lừng danh ta đọc để tặng ông:
Thần thông tịnh diệu dụngVận thủy cấp ban sai
Tạm dịch là: Này Thần thông !
Này diệu dụng !
Ta gánh nước
Ta đốn củi
- Con ngu muội chưa hiểu được ý người xưa xin cụ cho một thí dụ khác.
- Hề hề. . . .Cho ta bình trà sen thì ta sẽ nói
- Có ngay. . . .có ngay . . . . .
- Này ông, xưa Tổ Sư Lâm Tế có bài pháp về Văn Thù(Manjuri), Phổ Hiền (Samantabha) và Quán Thế Âm (Avalokitesvara) như sau :
« Có một số tăng đồ tìm kiếm văn Thù trên Ngũ Đài Sơn, nhưng họ đã bước sai hướng rồi. Chẳng có Văn Thù nào trên Ngũ Đài Sơn. Các ngươi muốn biết Ngài ở đâu không ? - Ngay tại lúc này, cái gì đó đang hành sự trong các ngươi, vững vàng không lay động, tin chắc không nghi ngờ, cái đó chính là Văn Thù sống vậy. Ánh sáng vô phân biệt chớp lên trong một niệm của các ngươi, đấy là ngài Phổ Hiền của các ngươi thường trụ chân thật. Mỗi một niệm của các ngươi, mà biết cách bẻ gãy xiềng xích, được giải thoát trong mọi thời, đó là đang thâm nhập chánh định của Quán Thế Âm. Mỗi một vị cũng hiện hành đồng thời và đồng xứ, tuy 3 mà một. Một khi hiểu được vậy, các ngươi có thể tụng đọc các kinh điển »
Bình về bài pháp « văn Thù không có trên Ngũ Đài Sơn » một thiền sư đã làm bài tụng sau :
Hà xứ thanh sơn bất đạo tràng
Hà tu sách trượng phỏng Thanh Lương
Vân trung túng hữu kim mao hiện
Chính nhãn khan thời phi cát tường.
Tạm dịch :
Núi xanh đâu chẳng Đạo tràng
Cần gì chống gậy hỏi Thanh Lương
Giữa trời dù có sư tử hiện
Trợn mắt trông ra chẳng Cát Tường
(Bị chú: Ngọn núi Thanh Lương trong dãy Ngũ Đài Sơn. Nơi đó truyền thuyết nói Bồ tát Văn Thù hay xuất hiện, có khi hóa thân làm người chăn trâu. Kim Mao Sư Tử biểu hiện cho trí tuệ. Văn Thù thường ngự trên đó. Cát Tường hay Diệu Cát Tường là Hán dịch của chữ Manjuri (âm : Văn Thù Sư Lợi) )