Forums

KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH

KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH
Diễn đàn thảo luận, nghiên cứu về Khí công và Dưỡng sinh

HÀNH TRÌNH SAMBALA

  • Bài 1: BẮT ĐẦU

     

    Sau chuyến bay khá dài chúng tôi đáp xuống sân bay Tribhuvan, sân bay nhỏ xíu mang tên một vị vua  của Nepal. Đón tiếp chúng tôi ở khu vực làm thủ tục nhập cảnh là những nhân viên hải quan già ngồi sau mấy dẫy bàn, hom hem, đeo kính lão và mặc những bộ quần áo kiểu quân đội cũ kỹ. Thỉnh thoảng lại nhướng cặp mắt nhìn lên hỏi vài câu chiếu lệ. Hình ảnh này làm nhớ tới những những  công chức cặm cụi, mẫn cán thời bao cấp ở miền Bắc Việt Nam.

    Sau khi cả đoàn đóng đủ tiền làm visa tại chỗ thì thủ tục trở nên nhanh chóng, thay vì từng người một, ông hải quan già hất nhẹ tay ra hiệu 5 người một để thu tiền cho nhanh. Càng tiện, chúng tôi cũng muốn vậy để còn ngắm xem thủ đô của vương quốc Nam Á này có hình hài thế nào. Tôi cũng đã từng đến Nepal nhưng từ phía Nam, nơi tiếp giáp với biên giới Ấn Độ, địa hình đồng bằng và yên ả, còn phía này thì hoàn toàn khác với địa hình hùng vĩ đầy sức mạnh của dẫy Hymalaya.

    Tôi và hai người trong đoàn gặp chút rắc rối nhỏ vì hình làm visa để trong hành lý ký gửi, khi anh bạn ở sân bay Tân Sơn Nhất nhanh nhảu giúp mang đồ đi làm thủ tục, lúc tôi còn chưa kịp giữ lại đồ xách tay của mình. Thế là phải chụp hình tại sân bay Kathamandu với giá gấp gần 10 lần ở Việt Nam.

    Vừa ngỡ ngàng ra ngoài sân bay thì hành lý đã được đám đông khuân vác tự mang tới xe buýt đợi sẵn, họ cứ mang mà không cần đợi sự cho phép của ai cả. Một thanh niên xán đến cạnh với câu tiếng Anh học thuộc lòng “Nepal là đất nước rất đẹp, tý chỉ cần cho tiền mình tao thôi”. Tôi không hiểu lắm “đẹp” với việc “cho tiền mình tao” thì liên quan với nhau thế nào. Hơi lộn xộn chút nhưng không hề có cãi vã, cuối cùng người được tiền và người không cũng vui vẻ quay đi khi chúng tôi đã ở hết trên xe buýt.

    Kathmandu là trạm dừng chân ngắn để nghỉ ngơi sau chặng bay dài, hồi phục sức khỏe và mua thêm một vài đồ cần thiết. Chặng đường phía trước mới là đích đến, sẽ rất dài, nhiều gian nan và những nguy hiểm thường trực. Mặc dù hành lý, thể lực đã chuẩn bị từ mấy tháng trước, nhưng chúng tôi không ai dám chủ quan.

    Sau buổi trưa nghỉ ngơi tại khách sạn, buổi chiều cả đoàn có cuộc hẹn với đối tác bên phía Nepal để hiểu kỹ hơn các thông tin liên quan và rà lại lịch trình trước ngày lên đường. Đối tác Nepal làm việc rất kỹ càng. Mọi thứ đều ổn thỏa cả ngoài một vấn đề duy nhất nhưng lại tối quan trọng là thuê trâu Yak, ngựa và porter khuân vác hành lý cho cả đoàn khi bắt đầu vòng kora Sambala đi bộ quanh đỉnh Kailash. Việc này sẽ góp phần lớn quyết định thành công của chúng tôi với chặng đường dài hơn 90 km ở địa hình vô cùng khắc nghiệt và khí hậu thất thường, bao gồm cả quãng đường đi vào Thung Lũng Tử Thần và vòng inner kora. Nhưng chúng tôi không thể quyết định ngay bây giờ được vì mọi thứ phụ thuộc vào thời điểm thuê.

    Chuyện trâu Yak, ngựa làm chị Thủy – thành viên nữ đảm đang của đoàn, người thường phụ giúp các Sherpa nấu đồ ăn Việt Nam cải thiện cho chúng tôi đỡ ngán về sau, có một buổi tối chập chờn mất ngủ chỉ vì thông tin của phía đối tác mùa này dân đi trekking nhiều nên khả năng thiếu trâu Yak và ngựa. Suốt đêm chỉ mơ thấy trâu, chị Oanh cùng đoàn phải trấn an sẽ dành riêng 1 con cho chị trong bất cứ trường hợp nào.

    Cuối cuộc trao đổi, chúng tôi được giới thiệu người sẽ dẫn đường và hỗ trợ cho cả đoàn trong suốt lịch trình này. Một người dáng cao, gọn gàng, mái tóc dài phóng khoáng. Điệu bộ điềm nhiên, chậm dãi của anh tạo cho chúng tôi sự tin cậy lớn, anh như muốn nói:  “Không có gì đâu, chúng ta sẽ hoàn tất lịch trình suôn sẻ”. Tên anh là Ang Phurba Sherpa. Ang là tên, Phurba là họ, còn Sherpa là tên chung của một tộc người sống quanh các triền núi cao từ 3,000 mét đến 5,000 mét của Hymalaya. Tộc người Sherpa của Nepal nổi danh khắp nơi, chuyên đi giúp đỡ người khác, cực kỳ nhanh nhẹn, dẻo dai. Như Phurba nói, chỉ ở độ cao trên 8,000 mét anh mới cần thở bằng bình oxy, trong khi chúng tôi mới có 3,700 mét nhiều người đã phải dùng bình oxy rồi. Tố chất phi thường này của Sherpa chúng tôi sẽ được chứng kiến rõ nét trong hành trình của mình.  

    Sau này tôi được biết thêm Phurba đã từng 4 lần leo lên đỉnh Everest (một lần dẫn đoàn của Hoàng Gia Anh), 12 lần đi kora vòng quanh Sambala. Nóc nhà thế giới không còn là thách thức, vòng cung Sambala khắc nghiệt nhất địa cầu, giấc mơ lớn của bao tín đồ khắp nơi với anh cũng chỉ là những cuộc dạo chơi. Nhưng liệu anh có biết đường tới Niết Bàn không, chúng tôi sẽ nhờ anh dẫn lên thăm thú ít bữa xem cuộc sống trên đó thế nào, tôi nghe nói có nhiều thứ lạ lắm. Anh yên tâm tour này chúng tôi sẽ không tiếc chi phí!

     (bài đăng theo yêu cầu trích nhật ký của anh Khánh, Vũng Tàu)


    (một góc sân bay Tribhuvan/ Nepal)

    ______________________________________________

    Này thần thông ! Này diệu dụng ! Ta gánh nước. Ta đốn củi.

  • Bài 2: MỘT CHÚT KATHMANDU

     

    Hôm nay là một buổi sáng thảnh thơi, chúng tôi ngồi ngoài ban công khách sạn uống trà sau bữa sáng nhẹ. Nhìn theo mấy con quạ rạn rĩ đang nhẩy nhót xung quanh kiếm vài mẩu bánh mỳ vụn, tôi phóng tầm mắt ra xa hơn và dừng lại chỗ dẫy núi phía Bắc - dẫy Hymalaya - dẫy núi huyền thoại giờ đã hiện diện ngay trước mặt mà hôm qua tôi chưa kịp nhìn.

    Nắng dần lên cao, những đám mây trắng trôi ngang sườn núi như những cuộn bông lớn, nổi bật, sắc nét trên nền trời xanh thăm thẳm đến bất tận. Hymalaya là hệ thống núi trẻ và cao nhất địa cầu, trải dài suốt từ Đông, Nam đến Tây Á, băng tuyết ở đây là khởi nguồn hình thành nên 3 hệ thống sông lớn trên thế giới - sông Ấn, sông Hằng và sông Dương Tử. Là mạch suối nguồn tuôn chảy nuôi dưỡng hai nền văn minh lâu đời nhất của nhân loại: Ấn Độ và Trung Quốc. Hôm nay tôi chiêm ngưỡng Hymalaya từ khoảng cách gần, còn bắt đầu từ ngày mai chúng tôi sẽ đi xuyên vào lòng Hymalaya để tới cao nguyên Tây Tạng.

    Trước chuyến đi dài, chúng tôi dạo vài vòng thành phố xem sao. Kathmandu là dải đất thung lũng mầu mỡ phía Nam của Hymalaya với địa hình đồi dốc thoai thoải. Cũ kỹ và lộn xộn là cảm nhận đầu tiên của tôi về thành phố này. Phải có đến 70% các ngôi nhà trong thành phố không được trát, những căn nhà cao thấp khác nhau không hề thấy dấu ấn của quy hoạch. Giao thông là cả một sự hỗn loạn. Đi khắp Kathmandu không hề thấy bất cứ một đèn tín hiệu giao thông nào, thay vào đó nơi các điểm giao nhau là cảnh sát bịt khẩu trang đứng phân luồng. Đường xá rất hẹp và bụi, cũng không có dải phân cách hay vạch kẻ đường, ngổn ngang khắp nơi là các công trình thoát nước, vỉa hè dở dang.

    Rất nhiều ô tô các loại cũ kỹ, thương hiệu xe phổ biến nhất và cũng sặc sỡ nhất dễ dàng thấy ở đây là TATA của nước láng giềng Ấn Độ. Xe lam và mô tô phân phối lớn cũng rất thông dụng cho địa hình đồi dốc của thành phố. Giữa ngã tư đông đúc chúng tôi vừa đi qua, cô cảnh sát đang dừng một ô tô chạy không theo chỉ dẫn để kiểm tra giấy tờ. Khi cô đang xử lý thì tất cả các phương tiện khác kiên nhẫn đứng đợi trong cái nóng bụi của buổi ban trưa.

    Khi xe chở chúng tôi gần tới đền Hindu giáo Pashupatinath, có một anh chàng dừng xe mô tô bên lề đường, tài xế thò đầu ra hiệu cho xe xích vào để xe có thể qua, anh kia vừa cười vừa đứng im không nhúc nhích. Họ nói với nhau câu gì đó, tôi hỏi cũng không biết lý do tại sao anh kia không nhích xe vào trong khi đường bên đó còn rộng. Đường thì đông, anh chàng đi xe mô tô vẫn đứng thản nhiên, bên này tài xế chờ vài phút cũng không tỏ ra sốt ruột. Còn tôi thì đang ngây người ra không hiểu. Thỉnh thoảng trên đường chúng tôi đi qua hay gặp những chuyện như vậy nhưng thật lạ là không có va chạm hay cãi vã nào xẩy ra cả.

    Phía ngoại ô chỗ vài con phố nhỏ thì ít đông hơn. Có anh chàng đứng bên đường đang đánh răng giữa trưa, bên cạnh vài mét là hai anh chàng đang gội đầu cho nhau ở thùng phuy nước công cộng. Mấy anh ở cửa hàng bán gà, đang nằm dài trên cái phản, chống khuỷu tay lên đầu không quan tâm lắm tới khách mua.

    Một thành phố đầy màu sắc.

    Vậy là chúng tôi phải mất hơn 30 phút để xe buýt đi hết chặng đường 4 km từ khách sạn tới được đền Pashupatinath bên bờ sông Bagmati.

    Ở Nepal tín đồ Hindu giáo chiếm phần lớn, tới 75%, sau đó đến Phật giáo gần 20%, còn lại là các tôn giáo khác. Ở đây đức tin Hindu giáo và Phật giáo có sự hòa trộn lẫn nhau, cả hai đều có những khu đền chung để thờ cúng những vị thần chung, nhiều tín đồ Hindu tại Nepal cũng được coi là tín đồ Phật giáo và ngược lại.

    Đền Pashupatinath tọa lạc trên quả đồi cao, là quần thể kiến trúc rộng lớn với rất nhiều tháp nhỏ nhìn xuống dòng sông Bagmati và bao quát một vùng trung du rộng lớn. Bọn trẻ con cởi truồng đang bơi đùa dưới sông trong khi phía trên là những xác người chết trong những tấm vải niệm mầu vàng đã chất củi khô, đang đợi thiêu. Một người vừa mới chết được đưa xuống sông tắm rửa thân thể trước khi làm các nghi lễ thiêu xác và rải tro xuống sông. Ở phía trên đỉnh đồi những tín đồ Hindu giáo và khách hành hương vẫn bình thản ngồi trò chuyện như không hề có gì xẩy ra. Đức tin tôn giáo thật lớn, cho dù cái chết là điểm khởi đầu hay kết thúc thì nó cũng là lẽ vô thường của đời sống. Tôi đã chứng kiến cảnh này vài lần bên bờ sông Hằng của thành Varanasi cổ kính với không khí u uất hơn nhiều, giờ ở đây vẫn thấy lành lạnh toàn thân.

    Thăm đền Pashupatinath xong chúng tôi quay về khách sạn hội đoàn với nhóm 5 người nữa vừa từ Bangkok sang. Ngoài ra, buổi tối cả nhóm còn phải làm một việc nữa là phân chia hành lý từ vali lớn ra những túi chuyên dụng có quai đeo do đối tác Nepal phát để tiện cho porter mang qua cửa khẩu và để lại những đồ không cần thiết tại khách sạn. Một việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại tốn rất nhiều thời gian. Tôi mất cả tiếng đồng hồ ngồi nhìn đồng đồ dỡ ra từ vali nằm la liệt khắp phòng mà không biết phải bắt đầu từ đâu. Làm một vòng qua các phòng khác xem sao và tự an ủi là ai cũng giống mình cả. Thiếu kinh nghiệm chuyện này nên chúng tôi sẽ đối mặt với vấn đề rất khó chịu ngay trưa mai tại biên giới.

    (một buổi sáng thảnh thơi, chúng tôi ngồi ngoài ban công khách sạn uống trà sau bữa sáng nhẹ)

    ______________________________________________

    Này thần thông ! Này diệu dụng ! Ta gánh nước. Ta đốn củi.

  • Bài 3: QUA BIÊN GIỚI

      

    Xuất phát từ khách sạn khá sớm với bữa sáng đóng gói (packaged breakfast) do các Sherpa chuẩn bị gồm một quả trứng, mấy cái bánh bích quy, một quả táo, một lon nước ngọt - đây thường xuyên là thực đơn bữa trưa về sau của chúng tôi trong suốt hành trình ở cao nguyên Tây Tạng. Tôi thấy mình hôm nay sẵn sàng và đầy hào hứng, sự hứng khởi này tạo ra năng lượng rất lớn nên ăn gì với tôi không là vấn đề.

    Kathmandu tới Nyalam là tuyến đường núi hiểm trở dọc biên giới hai nước Nepal và Tây Tạng, các trạm kiểm soát an ninh được hai bên bố trí dầy đặc, cứ khoảng hơn 10km lại có một trạm kiểm soát. Bên an ninh Nepal thường được bố trí sơ sài với những trạm gác xếp bằng đá kiểu công sự và vài nhân viên ghi chép.

    Sát cửa khẩu biên giới với Trung Quốc chúng tôi xuống xe. Tới nơi đã thấy một hàng dài porter cả nam lẫn nữ, cả trẻ con, thanh niên, người già đang đứng lộn xộn liền xô lại xếp thành hàng. Nhưng khi xe dừng hẳn thì không còn hàng lối nào cả, tất cả porter lao vào cốp xe để giành phần đồ cho mình. Họ tranh nhau thành một đám hỗn loạn. Anh chàng phụ lái hét ầm ĩ rồi xô tới đè cả cái cốp to đùng rầm rầm vào lưng đám porter. Vẫn không ai di chuyển, họ cố giành lấy từng túi đồ được lèn chặt bên trong. Một khung cảnh ầm ĩ, nhốn nháo cả một góc biên giới. Quá quen với cảnh này Phurba ra hiệu cho chúng tôi mang theo hành lý xách tay đi bộ trước tới khu làm thủ tục xuất cảnh.

    Cửa khẩu luôn là chốn nhộn nhịp, hàng hóa được porter khuân vác qua lại liên tục. Có những chị khuân tới cả trăm kg đồ, chỉ thấy đống đồ kềnh càng nằm trên lưng mà không thấy đầu đâu. Có chị lưng đeo hai cái túi to gấp đôi người, tay vẫn bế đứa con nhỏ. Một cụ già lưng còng  cõng đủ 4 két nước ngọt. Họ ì ạch bước từng bước nặng nhọc bên triền dốc dưới cái nắng trưa. Không thể hiểu nổi làm cách nào họ có thể chịu được sức nặng như vậy. Đấy là công việc hàng ngày để đổi lại những đồng tiền công ít ỏi. Không biết có porter ở đâu vất vả hơn ở đây không!

    Cây cầu nối biên giới hai nước là một điểm tuyệt đẹp. Mặc dù đã được cảnh báo trước tuyệt đối không được chụp hình ở những khu vực có an ninh Trung Quốc, mải ngắm nghía tôi quên mất điều này, khi vừa giơ máy ảnh một nhân viên an ninh đã đứng bên cạnh từ lúc nào. May mắn hơn nhiều người họ không kiểm tra hay thu máy ảnh của tôi.

    Khác hẳn với cửa khẩu xuất cảnh bên Nepal là căn nhà cũ kỹ, nghèo nàn, người ra vào lộn xộn. Bên phía Trung Quốc thì hoàn toàn khác. Đập vào mắt đầu tiên là cái cổng sơn mầu vàng cao như căn nhà 3 tầng, những căn nhà công vụ bề thế, lính canh từng tốp đeo súng máy đi lại. Phía dưới cổng hai anh lính bồng súng đứng hai bên trên những cái bục cao, bất động như tượng. Trung Quốc là nước rất ưa điều này, họ thích phô trương thể hiện để thị uy người khác.

    Trong khu làm thủ tục nhập cảnh cũng tái hiện tình trạng này. Hành lý của chúng tôi đã qua hai lần máy dò, vẫn được mang ra xét lại bằng tay. Họ lục tung hành lý của từng người một (túi hành lý do porter mang chỉ qua máy dò là xong), mở cả máy tính, máy ảnh ra để kiểm tra từng chiếc xem có thông tin liên quan tới Đức Đạt Lai Lạt Ma không. Một anh cùng đoàn mang theo thuốc tây và sâm nước trong hành lý xách tay, tay nhân viên an ninh chắc là trưởng nhóm gì đó yêu cầu phải uống luôn trước mặt anh ta. Nếu phải uống mấy viên sủi thì không biết hậu quả sẽ thế nào. Mặt tôi nóng bừng lên, cố gắng quay mặt đi chỗ khác tránh đám an ninh nhìn thấy lại gây chuyện. Đến lượt mình tôi bị thu mất mấy nhánh gừng tươi dùng đi kora, cũng may còn một ít nằm trong túi porter đã mang. Họ thích tạo khó khăn, cố tình làm mất thời gian để đo lường sự kiên nhẫn của chúng tôi.

    Qua biên giới chúng tôi đổi xe. Xe bên Trung Quốc chuẩn bị tốt hơn nhiều so với xe cùng loại của đồng nghiệp bên Nepal. Ngoài xe lớn này, có thêm một xe tải chở thực phẩm, lều trại, những trang thiết bị cần thiết, một xe Land Cruiser sử dụng trong trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Đối tác Trung Quốc là anh chàng Tenzin Nyima, người Tạng. Tenzin khác rất xa so với số đông đồng hương người Tạng của mình về độ lanh lợi, từng đi chui đường bộ qua biên giới để tham gia lớp học tận xứ Ấn Độ do Đức Đạt Lai Lạt Ma tài trợ, mà không có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào. Anh đi xe hơi, sống trong ngôi nhà hiện đại ở thủ đô Lhasa, kết nối với thế giới qua Internet, còn đồng bào anh vẫn hoang dại giữa núi rừng cố lưu giữ những nét đặc trưng văn hóa, tôn giáo Tạng ít ỏi còn lại của mình.

    (Biên giới Nepal - Trung Quốc)

    ______________________________________________

    Này thần thông ! Này diệu dụng ! Ta gánh nước. Ta đốn củi.

  • Bài 4: CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG 

     


    (Tôi mượn tựa một cuốn sách của Lama Anagarika Govinda dùng cho bài viết này)

     

    Ngay từ ban đầu tôi đã không có ý định viết về cung đường này. Tôi hiểu sự hạn chế cố hữu của ngôn từ và rất sợ rằng nếu cố diễn đạt sẽ làm nhòa đi vẻ đẹp của nó. Trong chừng mực giới hạn tôi cố gắng nói thật ngắn để chính bản thân mình hình dung lại trong những phút giây rảnh rỗi bồi hồi nào đó sau này vì đơn giản khung cảnh ở đây không thể diễn tả bằng lời.

    Cảm giác sững sờ đến nghẹt thở, phải mất một khoảng khắc dài tôi mới chợt nhớ ra để rồi vội vàng đưa máy ảnh ra bấm. Ở đây chúng ta như lạc vào một cõi hư vô nào đó chứ không phải cõi người. Ta hay nói về trí tưởng tượng cho những khung cảnh thần tiên, siêu thực, nhưng nếu không đến, không cảm nhận bằng đầy đủ các giác quan thì trí tưởng tượng cũng không giúp hình dung được cảnh sắc vô song nơi đây. Những ngọn thác như rơi ra từ giữa những đám mây, từ cây cầu vồng trên những đỉnh núi cao vút. Mây trôi sát trên đỉnh đầu, mây bồng bềnh dưới chân. Dưới các vách đá dựng đứng là dòng sông Bhote Kosicuồn cuộn chảy về phía hạ nguồn. Trời đất hòa quyện làm một, hơi sương mờ ảo làm tất cả như tan ra, không có chủ, không có khách chỉ có sự hùng vĩ của thiên nhiên độc diễn bản hòa ca bất tận.

    Xa xa trên đỉnh núi thỉnh thoảng có những tu viện nhỏ nằm cheo leo, ẩn hiện giữa chập trùng mây khói mà mỏi mắt nhìn cũng không tìm thấy đường lên ở đâu.

    Giữa đường Phurba dừng xe lại một lúc cho chúng tôi xem nhẩy Bungee. Trên cây cầu treo vắt ngang giữa hai hẻm núi, người nhẩy được buộc vào chân một sợi dây co dãn, lao thẳng mình từ trên cao xuống độ sâu gần 200m bên dòng sông phía dưới. Điểm nhẩy Bungee này của Nepal là một trong những điểm nhẩy đẹp và cao nhất thế giới. Một cô gái Châu Âu vừa thực hiện cú nhẩy trước mặt chúng tôi trong cảm giác phấn khích tột độ, cô hét lên trong không trung với tất cả năng lượng sẵn có, tất cả chỉ diễn ra trong vài giây ngắn ngủi. Tôi thử ngó ra phía mép vực xem cô rơi xuống đâu đã thấy hoa cả mắt. Có một bạn chia sẻ thế này “Khi nhảy bungee, bạn sẽ bỏ lại phía sau mọi sự căng thẳng và ý nghĩ tồi tệ. Bạn sẽ quay lên lại với một tư tưởng mới. Đó là một trong những thứ yên bình và tuyệt vời nhất mà tôi từng làm”. Tôi cảm phục sự dũng cảm và mạo hiểm của các bạn nhưng sự yên bình đó chỉ là một cảm giác thoáng qua, còn trạng thái bình yên thường trực thì hóa ra lại đơn giản hơn nhiều.

    Con đường chúng tôi đi quá nhỏ bé, mỏng manh bên thành vực sâu hun hút. Tài xế ở đây là những tay lái siêu hạng, thần kinh chắc phải tốt nhất thế giới. Để tránh những đoạn có đá lở, xe phải chạy ra rìa ngoài, sát bên mép vực. Quay ra cửa sổ xe thấy bên cạnh bồng bềnh sương khói, tiếng cuồn cuộn ầm ĩ của dòng Bhote Kosi xa tít dưới chân. Tôi thấy mồm mình đang há hốc, tim như muốn rơi ra ngoài. Chỉ một sơ xẩy nhỏ nếu bánh xe đi phải chỗ đường sạt thì mọi thứ sẽ tan biến trong vài phút mà không để lại dấu tích gì, không một phương tiện nào có thể cứu hộ được ở một địa hình hiểm trở như vậy.

    Qua bên kia biên giới được một lúc, cơn mưa lớn trước đó làm đá lớn trên cao rơi xuống lấp kín đường. Chụp ảnh chán chê, tôi quay ra đứng xem một nhóm người mang xoong nồi, bếp ga quây lại luộc trứng ăn rồi nghĩ tới cảnh mọi người sẽ phải cắm trại ở đây đêm nay, giữa chốn rừng núi hoang vu, cô quạnh. Nhưng rất may khoảng một giờ sau thì xe ủi tới, mặt bằng được giải phóng nhanh gọn, xe cộ có thể lưu thông lại được.

    Hiểm trở như vậy nhưng đi Kailash hoặc thậm chí Lhasa theo hướng biên giới Nepal là cung đường tối ưu cho bất cứ ai có ý định đến đây. Vì hai lý do rất quan trọng, độ cao sẽ tăng dần lên hạn chế tối thiểu những phản ứng sốc, giúp cơ thể thích nghi dần với điều kiện mới của môi trường: Không khí loãng, lượng oxy thấp hơn nhiều so với bình thường và thứ hai, thủ tục xin giấy phép nhập cảnh vào Tây Tạng rất nhanh gọn, đơn giản. Một điều nữa cũng đáng lưu ý, tố chất phi thường, tận tình của các Sherpa người Nepal sẽ giúp bạn rất nhiều ở địa hình này, cái mà bản thân người Tạng cũng thiếu.

    Kathmandu chỉ có độ cao 1,300m so với mực nước biển, ngang với Đà Lạt của Việt Nam nhưng Nyalam, thị trấn nhỏ đầu tiên kể từ biên giới Nepal nằm trên đất Tây Tạng cao 3,700m. Vượt hơn 2,000m độ cao trong vòng một ngày sẽ là thử thách rất lớn với chúng tôi.

    Xe tới Nyalam khi chiều đã muộn. Di chuyển dài với độ cao chênh lệch lớn ngay ngày đầu tiên làm chúng tôi mất sức. Lấy phòng tại nhà trọ xong, tôi nằm cuộn tròn trong chăn nghỉ ngơi và quan sát sự thích nghi của cơ thể. Tôi thấy đầu mình hơi váng do độ cao nhưng sức khỏe vẫn khá ổn. Các Sherpa vừa đến đã xếp bàn chuẩn bị trà và bữa tối, mang nước nóng tới các phòng. Nằm một lúc tôi ngồi dậy pha mỳ tôm, áp xuất thấp làm tất cả đồ ăn đựng trong bịch nilon tôi mang theo căng phồng lên. Bốn chúng tôi chia nhau mấy gói mỳ tôm mà như đang thưởng thức sơn hào hải vị.

    Qua phòng bên cạnh thấy hai người đang thở bằng bình oxy, một anh sắc mặt hơi tái đang ngồi thiền.

    Buổi tối đầu tiên ở Tây Tạng tâm trạng sao cứ thấy bồi hồi y như khoảng khắc chờ đợi trước giao thừa. Có cái loa nhỏ Già Năm mang theo, chúng tôi ngồi quây lại trên băng ghế dọc hành lang, kín mít trong mũ áo thùng thình uống trà mật ong rồi mở nhạc Trịnh Công Sơn hát theo khi nhiệt độ chỉ còn 5oC, ngoài trời cơn mưa nhỏ đang lất phất bay. Về đêm khi sương trên các đỉnh núi tràn xuống nhiệt độ sẽ thấp hơn nhiều.

    Viên Diamox (thuốc hỗ trợ thích nghi độ cao) Phurba phát cho buổi tối làm tôi hơi khó ngủ, thỉnh thoảng phải trở dậy đi vệ sinh, một lần vừa bước ra hành lang tự nhiên đầu tôi quay cuồng, chân loạng choạng. Hơi hoảng, tôi soi đèn pin cố lần theo tường quay về phòng, trong trạng thái thiếu kiểm soát tôi đi qua mấy phòng rồi mới trở lại đúng phòng mình. Đây mới là Nyalam ở độ cao 3,700m.

     

     

     

    >>>>>  (còn tiếp)

    (con đường mây trắng)

    ______________________________________________

    Này thần thông ! Này diệu dụng ! Ta gánh nước. Ta đốn củi.

  • Bác viết sống động quá...đang đợi được đọc tiếp đây...

    Có rất nhiều đoạn em thích, trong đó có đoạn này:

    "....Bốn chúng tôi chia nhau mấy gói mỳ tôm mà như đang thưởng thức sơn hào hải vị.

    Qua phòng bên cạnh thấy hai người đang thở bằng bình oxy, một anh sắc mặt hơi tái đang ngồi thiền....."

  • ...Khoái ...quá...

  • Tiếp nào.