A/ Vài nét về Ninh Bình

Mặc dù được xếp vào khu vực đồng bằng Bắc Bộ nhưng Ninh Bình chỉ có 2 huyện duyên hải là Yên Khánh và Kim Sơn không thuộc miền núi. Ninh Bình là tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú. Ninh Bình bao gồm cả ba loại địa hình. Vùng đồi núi bán sơn địa ở phía Tây Bắc bao gồm các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Tam Điệp; vùng đồng bằng ven biển ở phía Đông Nam thuộc 2 huyện Kim Sơn và Yên Khánh. Xen giữa 2 vùng lớn là vùng chiêm trũng chuyển tiếp. Ninh Bình có bờ biển dài 18km. Bờ biển Ninh Bình hàng năm được phù sa bồi đắp lấn ra trên 100m.  Đây là vùng đất phù sa cổ ven chân núi có con người cư trú từ rất sớm. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trầm tích có xương răng đười ươi và các động vật trên cạn ở Núi Ba (Tam Điệp) thuộc sơ kỳ đồ đá cũ; động Người Xưa (Cúc Phương) và một số hang động ở Tam Điệp, Nho Quan có di chỉ cư trú của con người thời văn hoá Hoà Bình.

(Rừng quốc Gia Cúc Phương ở Ninh Bình. Nơi có cây chò nghìn năm tuổi, Thầy đã nhiều lần đưa bà con về đây Thái Thụ Khí )

Vùng đất Ninh Bình là kinh đô của Việt Nam thế kỷ X, mảnh đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại Đinh - Lê - Lý với các dấu ấn lịch sử: Thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Đây còn là vùng đất chiến lược để bảo vệ Thăng Long của triều đại Tây Sơn, là căn cứ để nhà Trần 2 lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông, đất dựng nghiệp của nhà Hậu Trần... Thế kỷ XVI - XVII, đạo Thiên Chúa được truyền vào Ninh Bình, dần dần hình thành trung tâm Thiên Chúa Giáo Phát Diệm. Kinh tế biển đóng vai trò quan trọng nổi bật như nghề đánh bắt cá biển, nuôi tôm sú, tôm rảo, nuôi cua.

Dãy núi đá vôi ngập nước tạo ra nhiều hang động kỳ thú như: Tam Cốc, Bích Động, động Vân Trình, động Tiên, động Tam Giao, Tràng An, động Mã Tiên... Bích Động được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhị động", Địch Lộng là "Nam thiên đệ tam động". Ở phía nam thành phố Ninh Bình có một quả núi giống hình một người thiếu nữ nằm ngửa nhìn trời gọi là núi Ngọc Mỹ Nhân.

(Tam Cốc Bích Động ở Ninh Bình. Đây là nơi Thầy và chư huynh thường về hái thuốc Nam và luyện công trên các sườn núi đá cheo leo)

Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa ở Ninh Bình gắn liền với tín ngưỡng thờ Vua (đặc biệt là các Vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Trần Thái Tông, Quang Trung và Triệu Quang Phục với hàng chục đền thờ); thờ Thánh (Nguyễn Minh Không và các tổ nghề); thờ Thần (phổ biến là các vị thần Thiên Tôn, thần Cao Sơn và thần Quý Minh).

Ninh Bình có hệ thống sông hồ dày đặc: sông Đáy là sông lớn nhất chảy vào giữa ranh giới Ninh Bình với Hà Nam, Nam Định. Hệ thống sông Hoàng Long chảy nội tỉnh cung cấp tưới tiêu cho các huyện phía Bắc. Sông Càn với nhiều nhánh nhỏ ở các huyện phía Nam, phần hạ lưu chảy giữa ranh giới huyện Kim Sơn với tỉnh Thanh Hóa. Các sông nội tỉnh khác: sông Vạc, sông Vân, sông Bôi, sông Lạng, sông Bến Đang và các hồ lớn như hồ Đồng Thái, hồ Yên Quang, hồ Yên Thắng đem lại nguồn lợi đáng kể về tưới tiêu, giao thông và khai thác thuỷ sản.

(Cầu Ngói Ninh Bình bắc qua sông Ân ở Kim Sơn. Gần nơi bà con đang dự tập ở lớp KCDS với Thầy/25/11/2010)

Ninh Bình có tiềm năng du lịch rất lớn, nhiều danh lam,thắng cảnh và di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng như:
  • Cố đô Hoa Lư là kinh đô của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, hiện còn nhiều di tích cung điện, đền, chùa, lăng mộ... liên quan đến các triều đại Đinh, Tiền Lê và Lý.
  • Chùa Bái Đính là một quần thể gồm khu chùa cổ và khu chùa mới với quy mô là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á.
  • Khu du lịch sinh thái Tràng An với hệ thống các hang động, thung nước, rừng cây và các di tích lịch sử gắn với kinh thành xưa của cố đô Hoa Lư. Nơi đây đang được các nhà khoa học lập hồ sơ đề cử Unesco công nhận là di sản thế giới.
  • Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đã được tặng chữ: "Nam thiên đệ nhị động" hay "vịnh Hạ Long cạn" với các điểm du lịch như: Tam Cốc, đền Thái Vi, chùa Bích Động, động Tiên, chùa Linh Cốc v.v.
  • Vườn quốc gia Cúc Phương với diện tích rừng nguyên sinh khoảng 22.000 ha, là rừng quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Nơi đây có nhiều động thực vật quý hiếm, có cây chò ngàn năm tuổi, có động Người Xưa.
  • Nhà thờ Phát Diệm là công trình kiến trúc tôn giáo kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương đông và phương tây. Là một công trình kiến trúc đá độc đáo.
  • Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ. Tại đây có suối nước nóng Kênh Gà, động Vân Trình, Kẽm Trống và nhiều núi hang đẹp khác.
  • Vùng ven biển Kim Sơn được UNESCO đưa vào danh sách các địa danh thuộc khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng, là một khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam.
  • Ngoài ra còn có: động Mã Tiên, núi Ngọc Mỹ Nhân, núi Non Nước, sông Hoàng Long, hồ Kỳ Lân, khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, Phòng tuyến Tam Điệp, hồ Đồng Thái, sân golf Yên Thắng 54 lỗ hiện đại và lớn nhất Việt Nam...

                                                        (Động Vân Trình/Ninh Bình)

                                           (Thăm Làng Nổi Kênh Gà/28/11/2010)

                                           (Thăm Động Vân Trình/Ninh Bình/28/11/2010)

Đặc sản Ninh Bình nổi tiếng gồm có các món ăn chế biến từ thịt dê núi Ninh Bình; Rượu Kim Sơn, miến lươn, cá rô Tổng Trường, khoai Hoàng Long, dê núi cơm cháy Ninh Bình, gỏi cá nhệch, cà niễng, bún mọc Quang Thiện, rượu cần Nho quang. . .v.v. . . .

Ninh Bình có nhiều thắng cảnh nổi tiếng. Nên từ xưa đã thu hút rất nhiều tao nhân mặc khách đến đề thơ ngâm vịnh. Như ở Dục Thúy Sơn và núi Ngọc Mỹ Nhân hiện vẫn còn khắc nhiều bài thơ cổ trên vách đá. . . .Nữ sĩ Xuân Hương cũng có 2 bài thơ là Kẽm Trống và Đèo Ba Dội nổi tiếng khi đến Ninh Bình:

Một đèo, một đèo, lại một đèo,

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo

Cửa son đỏ loét tùm hum nóc

Hòn đá xanh rì lún phún rêu

Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc

Đầm đià lá liễu giọt sương gieo.

Hiền nhân, quân tử ai là chẳng ...

Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo.

. . . . .

 II/ Thắng cảnh Ninh Bình

1/Nhà Thờ Đá Phát Diệm


           (Nhà Thờ Đá Phát Diệm. Phía trước là hồ nước, có Tượng Chúa đứng trên non bộ)

Toàn thể khu Nhà Thờ Đá Phát Diệm y hệt một cái chùa lớn. Với mái cong, rồng phượng, mai, lan, cúc trúc, hoa sen, bệ thờ, tượng, theo hệt phong cách của một cái chùa Việt. Chỉ khác có cái thánh giá và vẽ mặt các pho tượng mà thôi. Cho đến ao và núi non bộ cũng giống hệt ao sen và non bộ thường thấy ở các đền chùa miếu mạo người Việt.

Quần thể nhà thờ Phát Diệm gồm 1 nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ (trong đó có một nhà thờ được xây dựng bằng đá tự nhiên, được gọi là nhà thờ đá), 1 phương đình (nhà chuông), ao hồ và 3 hang đá nhân tạo. Công trình này là biểu trưng của sự giao thoa văn hóa Đông Tây và sự giao thoa giữa các tôn giáo ở Việt nam.

    * Ao hồ: Một hồ nước hình chữ nhật, rộng khoảng 4 ha, được kè đá xung quanh nằm trực diện với con đường từ thị trấn Phát Diệm dẫn vào nhà thờ. Giữa hồ là một hòn đảo trên đó có bức tượng Chúa.

    * Phương Đình: là một công trình kiến trúc cao 25m, rộng 17m, dài 24m gồm ba tầng được xây dựng bằng đá phiến, lớn nhất là tầng dưới cùng được xây dựng bằng đá xanh. Trên 4 đỉnh tháp có 4 pho tượng tượng bốn vị Thánh Sử, mà từ đường nét, tư thế đến đường mây nếp áo khiến ta dễ lầm với các pho tượng trong các đền chùa Việt Nam. Các vòm cửa bằng đá được lắp ghép đến trình độ tinh xảo. Giữa Phương Ðình đặt một sập làm bằng đá nguyên khối, phía ngoài và bên trong là những bức phù điêu được khắc chạm trên đá hình ảnh chúa Jêsu và các vị thánh với những đường nét thanh thoát. Tầng thứ hai của Phương Ðình treo một trống lớn. Tầng ba treo một quả chuông cao 1,4m, đường kính 1,1m, nặng gần 2000 kg, quả chuông lớn ở Phương Ðình được đúc vào năm 1890. Một tiếng chuông vang xa được ví như cả 3 tỉnh (Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa) nghe thấy. Mái của nhà thờ Phát Diệm không cao vút kiểu ngọn tháp như những nhà thờ khác mà là mái cong thấp cổ kính như mái đình, mái chùa.

    * Nhà thờ lớn: Nhà thờ chính được xây dựng năm 1891 với tên chính thức là Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, nay là nhà thờ Chính tòa của vị Giám mục Phát Diệm. Nhà thờ lớn dài 74m, rộng 21m, cao 15m, có bốn mái và có năm lối vào dưới các vòm đá được chạm trổ. Trong nhà thờ có 6 hàng cột gỗ lim (48 cột) nguyên khối, hai hàng cột giữa cao tới 11m, chu vi 2,35m, mỗi cột nặng khoảng 10 tấn. Gian thượng của thánh đường có một bàn thờ lớn làm bằng một phiến đá nguyên khối dài 3m, rộng 0,9m, cao 0,8m, nặng khoảng 20 tấn. Mặt trước và hai bên được chạm trổ các loài hoa đặc trưng của bốn mùa. Hai phía bên nhà thờ có bốn nhà thờ nhỏ được kiến trúc theo một phong cách riêng.

                                                                    (Nhà Thờ Lớn )

   * Nhà thờ đá: Tên nguyên thủy: Nhà thờ Trái tim Vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ, còn được gọi là nhà thờ đá vì tất cả mọi thứ ở nhà thờ này đều được làm bằng đá, từ nền, tường, cột, chấn song cửa... Phía trong được chạm nhiều bức phù điêu đẹp, đặc biệt là bức chạm tứ quý: tùng, mai, cúc, trúc, tượng trưng cho thời tiết và vẻ đẹp riêng của bốn mùa trong một năm. Ðường nét khắc họa những con vật như sư tử, phượng sống động đến lạ thường.

    * Các hang đá nhân tạo: ở phía bắc khu nhà thờ Phát Diệm có 3 hang đá cách nhau khoảng 100m được tạo bằng những khối đá lớn nhỏ khác nhau giữ nguyên dáng vẻ tự nhiên. Trong đó, hang Lộ Ðức là đẹp nhất. Trên các hang đá đều có các tượng lớn.

    * Nhà nguyện Trái Tim Đức Mẹ và Hang đá Đức Mẹ:

    * Núi Lộ Đức: Nguyên thủy tên là Vườn Giệtsimani (phiên âm từ Gethsemane), từ năm 1925 đổi thành núi Lộ Đức.

                  (Tượng Đức Mẹ mặc áo dài của người Việt ở Nhà Thờ Đá Phát Diệm)

2/Cố Đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích lịch sử văn hóa liên quan đến sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc thuộc ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tông trong lịch sử. Nơi đây là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội.

Ngày chủ nhật 28/11/2010 vừa qua, chúng tôi đã tới tham quan Cố Đô Hoa Lư. Sau đây mời các bạn xem một số hình ảnh về Đền Vua Đinh và Đền Vua Lê ở Cố Đô:

Cố Đô Hoa Lưu nhìn từ núi Mã Yên


Phía trước khu di tích đền Vua Đinh và đền Vua Lê  / 28/11/2010

 

                       
Cổng vào khu di tích/28/11/2010

 

 Rất nhiều thợ chụp hình đeo bám làm phiền khách tham quan / Khu di tích Đền Vua Đinh/Ninh Bình/ 28/11/2010

 

Những dãy núi đá vôi hiểm trở tạo nên tòa thành thiên nhiên bảo vệ cố đô Hoa Lư

            

- Thưa Thầy,  Chúng ta có lên mộ Vua Đinh không?

- Mộ Vua Đinh trên đỉnh núi Mã Yên này. Từ chân núi lên đỉnh phải leo qua 245 bậc cấp. Trong đoàn có nhiều người già và bệnh. Nên chúng ta chỉ vào đền mà thôi



Kỷ niệm trước cổng Đền Vua Đinh / 28/11/2010





Đền Vua Đinh Tiên Hoàng ở cố đô Hoa Lư



Cổng tam quan cổ kính với cái ngạch cửa cao và vòm cửa thấp. Hai bên cổng  là 2 con nghê bằng đá đang hầu








Đền Vua Đinh làm theo kiểu nội công ngoại quốc, nhiều cây cao bóng mát, cổ kính, hài hòa giữa đá, gỗ và nghệ thuật điêu khắc.

 


Ngôi đền cổ kính như còn phảng phất bóng hình Vua Đinh Tiên Hoàng, người anh hùng có công thống nhất giang sơn, lập ra triều đại Đại Cồ Việt. Nhưng cuối cùng không chết trên  yên ngựa nơi chiến trường. Mà chết vì âm mưu đen tối của những người thân chung quanh.



Xưa và nay như không còn khoảng cách





Tượng Vua Đinh trong đền



Đền Vua Đinh Tiên Hoàng và đền Vua Lê Đại Hành được xây dựng từ thời nhà Lý và xây dựng lại từ thời Hậu Lê theo kiểu nội công ngoại quốc và mô phỏng kiến trúc kinh đô xưa. Là 2 di tích quan trọng của khu di tích. Trước mặt đền Đinh là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa. Trên núi có lăng mộ vua Đinh. Đền Đinh Tiên Hoàng là một công trình kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17 và là công trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều cổ vật quý hiếm được bảo tồn.

Các tượng phối thờ trong điện






Cố Đô Hoa Lư  có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước /28/11/2010




Cổ kính và rêu phong




Kỷ niệm trước đền Vua Đinh / 28/11/2010












Hề hề. . . .ai muốn cởi trâu phất cờ lau, thì mời. . . . .

Đền Vua Lê Đại Hành nằm cách đền vua Đinh Tiên Hoàng 300 mét. Đền vua Lê qui mô nhỏ hơn nên không gian trong đền khá gần gũi và huyền ảo. Nét độc đáo ở đền thờ vua Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm gỗ thế kỷ 17 đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. Đền thờ Công chúa Phất Kim được xây dựng từ thời nhà Tiền Lê. Đền nằm gần đền thờ Lê Hoàn và chùa Nhất Trụ. Tương truyền vị trí này nằm trên nền nhà của cung Vọng Nguyệt, nơi trước đây bà đã ở. Chiếc giếng bà nhảy xuống tự vẫn đến nay vẫn còn trước của đền.

Thăm đền Vua Lê / 28/11/2010



Đền Vua Lê nhỏ hơn đền Vua Đinh nhưng vẫn phong cách kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc, cổ kính rêu phong kết hợp hài hòa giữa đá, gỗ và nghệ thuật điêu khắc



Đảnh lễ Vua Lê và các quan





Tượng Vua Lê trong chánh điện



Tượng Thái Hậu Dương Vân Nga trong đền Vua Lê



Trong đền Vua Lê / 28/11/2010






Cổ kính và rêu phong





Cả đoàn ăn kem trước khi lên xe đi tham quan làng nổi Kênh gà và động Vân Trình / 28/11/2010






Đền Vua Lý Thái Tổ là công trình được xây dựng để chào mừng 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Sự xuất hiện ngôi đền này ở Hoa Lư khẳng định lại nhận thức của người Việt về vai trò của Hoa Lư đối với Lý Thái Tổ và ngược lại. Đây là ngôi đền đầu tiên thờ riêng Lý Thái Tổ. Ngôi đền này không có kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc như đền Đinh Lê mà nó mang dáng dấp của một ngôi chùa.
3/Các Đền thờ Thần ở Cố Đô

Các vị thần trấn giữ ba hướng cửa vào thành ngoài, thành trong và thành nam được Vua Đinh Tiên Hoàng cho xây dựng đền thờ gồm động Thiên Tôn thờ thần Thiên Tôn, là vị thiên thần trấn đông hướng mặt trời mọc. Đền thờ thần Quý Minh, là vị thổ thần trấn ải Sơn Nam nằm ở vùng sông núi Tràng An. Theo truyền thuyết, thần Cao Sơn là một vị thần núi ở Phụng Hóa (Nho Quan - Ninh Bình) mà từ nhỏ Đinh Bộ Lĩnh đã được mẹ đưa vào sống cạnh đền sơn thần trong động. Cao Sơn đại vương khi đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, đã tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang lang. Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại vì vậy đã được Vua Đinh cho phép dân lập đền thờ.

4/Hệ thống chùa ở Cố Đô

Sau khi đã là kinh đô, Hoa Lư dần trở thành trung tâm Phật giáo. Theo các thư tịch và dấu vết còn sót lại, vào thế kỷ 10, tại đây đã có khá nhiều chùa tháp như chùa Bà Ngô, chùa Cổ Am, chùa Duyên Ninh, chùa Am Tiên, chùa Tháp, chùa Bàn Long, chùa động Thiên Tôn, chùa Hoa Sơn (nhà Đinh); chùa Kim Ngân, chùa Nhất Trụ (nhà Tiền Lê). Theo chính sử, Vua Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên đặt chức tăng thống phật giáo trong lịch sử mà quốc sư đầu tiên của Việt Nam là Khuông Việt. Điều độc đáo ở đây là có khá nhiều chùa được xây dựng trong các hang núi đá vôi, dựa vào núi đá hoặc tận dụng hẳn núi đá làm chùa mà tiêu biểu là các động chùa: Hoa Sơn, Thiên Tôn, Bích Động, Địch Lộng, Bái Đính, Linh Cốc...

(Chùa Bái Đính mới, một phong cách du lịch tâm linh thời hiện đại / Điện Tam Thế)

Chùa Nhất Trụ (hay chùa Một Cột) cùng với đình Yên Thành tọa lạc ở gần đền Vua Lê Đại Hành, được Vua Lê Đại Hành xây dựng để mở mang phật giáo. Hiện còn cột kinh Phật trước chùa vẫn giữ nguyên vẹn từ nghìn năm trước, được coi là thạch kinh cổ nhất Việt Nam. Chùa Bái Đính gồm có một khu chùa cổ và một khu chùa mới với đền thờ đức Thánh Nguyễn, hang động sáng thờ Phật, hang động tối thờ Tiên và đền thờ thần Cao Sơn. Chùa Kim Ngân là một ngôi chùa cổ nằm ở thôn Chi Phong, thuộc vòng thành trong ở phía tây, xưa là nơi cất giữ vàng bạc từ khi Vua Lê Đại Hành cày tịch điền ở ruộng Kim Ngân. Chùa Duyên Ninh xưa là nơi vui chơi của các công chúa, nơi đây Lý Thái Tổ và công chúa Lê Thị Phất Ngân đã thề hẹn ở đó mà sinh ra Lý Thái Tông. Chùa Bà Ngô được xây từ thời nhà Đinh. Nằm bên phải bờ sông Hoàng Long thuộc khu vực ngoại vi thành Hoa Lư xưa. Chùa Bàn Long cũng được hình thành từ thời Đinh. Khi chúa Trịnh Sâm đã đến thăm, tay đề ba chữ lớn: "Bàn Long Tự" trên vách cửa động. Chùa Tháp là ngôi chùa cổ mà nay chỉ còn lại vết tích ở nền sông Hoàng Long. Trong số tảng đá chân cột, có những viên hình vuông cạnh hơn 1 m và vòng tròn ở giữa có đường kính 0,68 m. Chùa tên là chùa Tháp vì có tháp Báo Thiên thời Đinh-Lê. Hoa Sơn động nằm ở Áng Ngũ, xã Ninh Hòa, ở độ cao gần 70 mét. Tương truyền động Hoa Sơn là nơi nuôi Ấu chúa thời vua Đinh. Đến thời Lý, nhà sư Nguyễn Minh Không đã ở trong hang tụng kinh thuyết pháp, xây bệ thờ Phật ở trong hang, người đời sau mới mở ra cảnh chùa chiền để khách thập phương hành hương đến đó.

                    (Tượng Phật Bà Nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bái Đính/Ninh Bình)

5/Tràng An


(Khu sinh thái Tràng An,  du khách có thể ngồi thuyền xuyên qua nhiều núi, bằng cách bơi thuyền qua những động đá vôi lớn đầy thạch nhủ)

Kinh đô Hoa Lư được bao bọc bởi nhiều ngọn núi, các triều vua đã dựa theo địa hình tự nhiên cho đắp 10 đoạn tường thành nối các núi đá, dựng nên thành Hoa Lư với diện tích hơn 300 ha. Phía Nam thành Hoa Lư là thành Tràng An (còn được gọi là thành Nam) là khu vực phòng thủ hậu cứ của kinh đô. Thành Hoa Lư có hai vòng: thành ngoài (thành ngoại) và thành trong (thành nội Phía ngoài tường gạch là tường đất đắp rất dày. Cố đô Hoa Lư là một kiến trúc hài hòa giữa nhân tạo và thiên tạo. Các triều vua đã sử dụng triệt để sự lợi hại của những dãy núi và hệ thống sông hào làm thành quách để xây dựng cung điện. Qua thời gian, thành nhân tạo chỉ còn là những dấu tích, thành thiên tạo là những vách núi vẫn còn tồn tại mãi. Nó là sự phối hợp tự nhiên giữa thế núi và thế các sông và các đoạn hòa thành nhân tạo để thành chiến lũy vững chắc: Núi Mã Yên,Núi Cột Cờ, Ghềnh, Sông Hoàng Long. . . .v.v. . .  Việc qua lại giữa hai tòa thành rất thuận tiện. Cả hai thành đều lợi dụng được nhánh sông Sào Khê chảy dọc thành, vừa là hào nước tự nhiên, vừa là đường thủy, phục vụ việc di chuyển ra vào thành. Trong hai tòa thành có bố trí các khu triều đình, quan lại và quân lính. Hiện nay thành thiên tạo vẫn còn, thành nhân tạo và cung điện chỉ còn là những dấu tích đang được khai quật. Thành Nam nằm ở phía Nam kinh thành Hoa Lư, có núi cao bao bọc xung quanh, bảo vệ mặt sau thành, từ đây có thể nhanh chóng rút ra ngoài bằng đường thủy. Đây chính là hệ thống hang động Tràng An hiện tại. Khu thành hào, hang động Tràng An xưa chính là hệ thống phòng thủ mặt sau của kinh thành Hoa Lư.

(Thế núi hiểm trở với hệ thống hang động ăn thông nhau tạo thành thế phòng thủ kiên cố cho cố đô)

. . . .  

III/ Món ngon Ninh Bình

1/ Gỏi cá Nhệch

                                                                 (Cá nhệch Chét)

"Chim gà cá nhệch" là câu thành ngữ rất quen thuộc ở đây. Câu thành ngữ có thể diễn giải như sau: trong các họ nhà chim thì thịt gà là ngon nhất; trong các họ nhà cá thì nhệch ngon đầu bảng. Nhệch cùng họ với lươn, trông giống như con lươn, nhưng chúng khác nhau ở chỗ: nhệch sống ở nước hơi mặn (nhệch củ) và sống ở nước lợ (nhệch khét).Trong hai loại nhệch cũng có hình dáng khác nhau: nhệch củ to ngang; có con to cỡ bắp chân, nhưng chỉ dài tới 70 cm là cùng. Nhệch khét nhỏ hơn, nhưng lại dài, có con dài tới một mét. Nhệch thường sống ẩn sâu dưới mặt cát, mặt bùn phù sa từ 0,5 đến 1,5 mét. Ở lưng và bụng nhệch củ có vây. Nhệch khét thì không có vây, giống như lươn. Lưng nhệch màu chì, ngả vàng, bụng nhờn nhợt trắng. Mình nhệch rất nhiều nhớt bóng. Còn lươn thì sống ở nước ngọt, không có vây, màu của lươn là màu nâu đất. Nhớt lươn không bóng như nhớt nhệch. Nhệch củ sống ở những vùng bãi biển bồi, ven cửa sông. Lúc nước cạn nhệch ở dưới lỗ, lúc thủy triều dâng nhệch mới lên khỏi lỗ bơi trong nước kiếm mồi. Nhệch ăn tất cả các con vật nhỏ sống trong nước.

                          ( Gỏi cá nhệch Ninh Bình)

Nhệch khét không thích sống ở bãi nước có độ mặn như nhệch củ; chúng hợp với vùng nước lợ hơn. Những cánh bãi bồi mà nhệch khét sống lui vào bên trong cửa sông, nơi có nước ngọt từ trong sông chảy ra hàng ngày. Nhệch khét đón lõng thức ăn trong dòng chảy ấy. Muốn bắt nhệch khét phải đợi có gió tây nam về, chúng thường nhô đầu hoặc nổi hẳn lên mặt nước, ta dùng đinh ba để bắt. Nhiều hôm nhệch khét còn bơi ngược dòng nước vào sâu trong sông, có khi vào cả sông nhỏ trong nội đồng. Người ta cất vó ở các cửa cống hay bắt được chúng.Trong hai loại nhệch thì nhệch khét ngon hơn nhệch củ. Người ta thường làm các món: nhệch khét nấu củ chuối, quả chuối, hoa chuối; tra mắm tôm, mẻ, lá ngổ, lá mùi tàu, gừng...Món nhệch ngon nổi tiếng là món gỏi nhệch. Nếu muốn gỏi thật ngon thì thính phải là thính gạo tám xoan trộn với thính bột đậu xanh. Riềng rửa sạch, giã nhỏ, tẩm vào thính. Phụ liệu ăn gỏi nhệch thì gồm: dấm mẻ, thảo mộc, mắm tôm, ớt, đường kính. Lá thơm gồm: lá mơ lông, lá sung, lá chanh, diếp cá, đinh lăng, sắn thuyền, mùi tàu, lá nghệ, rau răm, lá lốt. Các loại quả: khế chua, chuối xanh, sung, đài mít, hoa chuối thái nhỏ.

 2/Dê núi Ninh Bình

Dê núi Ninh Bình là là loài sơn dương đá vôi, nó là đặc sản ẩm thực nổi tiếng ở Ninh Bình. Món tái dê ăn tại Ninh Bình mới thật là tái tê! Chúng vừa mềm vừa giòn, vị ngọt mềm của thịt và vị giòn của da, ăn với tương bần, quả sung muối, kèm thêm những đinh lăng, lá mơ, lá sung, ngò gai, húng, quế... Ưu thế tương tự cũng được dành cho món hấp. Nhưng đa số du khách thích tái dê ăn với tương gừng, nên ở đây mới truyền tụng câu thơ vui:

Tái dê chấm với tương gừng

Chưa ăn đã thấy phừng phừng như dê

 3/ Rượu Kim Sơn

Rượu Kim Sơn là một loại rượu nổi tiếng với hương vị đặc trưng và "sức mạnh" có thể làm gục ngã bất cứ "tay chơi" sành sỏi nào. Chỉ cần mở nút chai, bạn có thể cảm nhận ngay hương vị của đồng quê, của những bông lúa chín vàng lan toả và gió đồng ngào ngạt. Rượu Kim Sơn không làm người uống choáng váng vì hơi men mà chỉ mang lại cảm giác lâng lâng, ngây ngất, bay bổng. Rượu Kim Sơn thường có nồng độ cao, trong suốt, bọt tăm rượu càng to thì độ rượu càng cao. Khi uống vào cảm thấy rất thơm và êm dịu. Một đặc trưng của rượu là càng để lâu càng ngon. Đặc biệt rượu Kim Sơn có tác dụng rất tốt cho sức khỏe khi được ngâm với rắn, tắc kè, sao biển, bìm bịp .v.v. Ngày nay rượu Kim Sơn đã được đóng chai và bán trên thị trường và là 1 trong 7 thương hiệu rượu lớn nhất Việt Nam. Nếu rượu được nấu từ nếp chiêm gọi là rượu chiêm và rượu được nấu từ gạo nếp vụ mùa thì gọi là rượu mùa. Men rượu được làm từ những gia đình có kinh nghiệm lâu đời tại địa phương. Đặc điểm nguồn nước ủ rượu và nấu rượu cũng là nhân tố quan trọng quyết định độ ngon của rượu. Thích hợp nhất không phải là nước mưa trong suốt mà là nước phù sa chứa nhiều muối khoáng.

 4/Cơm cháy Ninh Bình

           (Cơm cháy thịt dê núi là đặc sản nổi tiếng ở Ninh Bình)            

Cơm cháy Ninh Bình là một trong những món ăn đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Ninh Bình. Địa bàn phát triển loại hình ẩm thực này chủ yếu là ở ven đường quốc lộ 1, thành phố Ninh Bình và các khu du lịch. Cơm cháy muốn có chất lượng, đúng tiêu chuẩn phải quan tâm đầu tiên đến việc chọn gạo, thường là gạo tẻ thơm dẻo, pha thêm tỷ lệ thích hợp với gạo nếp hương hoặc tám thơm. Để tạo xém, người ta thường dùng nồi gang dày. Khi cơm chín thì lấy ra, chỉ để lại phần dính đáy nồi và tiếp tục cấp nhiệt. Thời gian tạo xém khoảng vài chục phút là vừa. Trong khi nấu, cần xoay tròn nồi cho nóng đều, lớp cơm cháy mỏng, trắng đều sẽ được hình thành và tự bong ra khỏi thành nồi. Người ta lấy ra phơi hoặc sấy khô rồi đem bọc kín trong túi nylon dùng dần. Khi khách có nhu cầu, nhà hàng mới cho những miếng xém vào chảo dầu sôi chưng lên. Miếng cháy nóng hổi sẽ được vớt ra cho khách dùng cùng với món súp thường bằng tim, gan, cật lợn.Cơm cháy ngon có màu vàng nhạt, đều hạt, giòn mà vẫn dẻo, có vị thơm cốm mới.

5/ Cà niễng

Vùng đồng chiêm trũng Ninh Bình, những làng được trời ban cho thêm một cánh đồng cao - thường được gọi là cánh gò đống, chuyên trồng ngô, đậu, lạc, khoai, còn phía dưới là đồng sâu, có nhiều cỏ năn, có lác, đấy là nơi cư trú và sinh sản của nhiều loại "đặc sản" đồng quê, trong đó có cà cuống, cà niễng (có nơi gọi là niềng niễng). Con Cà Niểng còn gọi là Điên điển hay Bù niểng. Đó là loại có cánh cứng, màu đen, to bằng ngón tay cái, có 2 cánh cứng, sống ở gần mép nước. Thường ở ruộng chiêm trủng, ao hồ, sông rạch nước ngọt. Người ta mang về bỏ cánh cứng, đem kho tiêu, hay chiên giòn giống như dế vậy. Nó thuộc họ với con cà cuống. Nhưng Con cà cuống và con bù niểng khác nhau xa. Bù niểng ngắt cánh kho ăn ngon lắm, bùi hết chổ chê, nhưng hơi cứng. Con này lặn giỏi, chuyên sống dưới nước có nhiều bùn. Nhìn nó hơi giống con cánh cam, mà cũng hơi giống con bù rầy.

                                         ( Con Cà Niễng)

Hình như những gò bãi trồng mầu ở trên đã góp phần làm giàu thêm "môi trường" nơi ruộng trũng, đồng sâu ngay bên cạnh bãi gò - chất dinh dưỡng của ngô, đậu, lạc, khoai - nên cà cuống thường cho chất cay hơn, cà niễng thì cho vị bùi ngậy hơn.Đọc sử, ngày xưa, trong các "vật phẩm" của nước ta mang sang cống các vua thời phong kiến Trung Quốc, trong đó có cà cuống, được liệt vào "sơn hào hải vị". Còn cà niễng, được xem như "em" cà cuống, bởi hai "anh" này thường có mặt nơi một vùng ruộng quê.Cà niễng thường nhỏ như đầu ngón tay út, cánh đen, hơi cứng. Nó sống nơi ruộng nước, chỗ có nhiều cỏ năng, cỏ lác hoặc nhiều rong rêu. Người đánh dậm, người dui tép và các em thả vuông lưới nhỏ - cái te cất tép - thường "vớ" được cà niễng. Loại này, thường béo, mình tròn kiểu hạt bòng nhưng đậm hơn, sống "hiền" nên dễ xúc bắt.Cứ ngỡ cái loại "sâu nước" này là vô vị. Nhưng không, nếu khéo chế biến, đấy là loại món ăn không dễ một đời ai cũng được thưởng thức. Một mẻ cà niễng, được vặt hết chân, bỏ cánh và có người cẩn thận hơn moi bụng, rồi rửa sạch, để cho khô nước, rang lên - như rang tép - mắm muối cho vừa phải có nơi "thêm" vào một chút nước muối cà, thế là thành một món ăn đồng quê đích thực. Cái món ăn khiêm tốn, đầy vẻ dân dã này, cùng món rau xào và bát canh cua, với người quê mùa, đây là bữa ăn ngon lành, thú vị. Vùng chiêm trũng tỉnh Ninh Bình - thường cấy loại tép đỏ. Hạt tép đỏ nhiều nhựa, hạt nhỉnh hơn gạo thường, nấu cơm dẻo, ăn chắc bụng. Cơm gạo tép đỏ ăn với cà niễng rang, cái vị bùi, ngậy, tạo nên một "vẻ riêng", dễ chừng không có món ăn nào sánh được. Cho đến cuối bữa cơm, cầm miếng cháy cuộn tròn lại như cái chuôi dao, gắp vài con cà niễng làm "nhân" khẽ cắn và đủng đỉnh mà nhai, mới cảm thấy cái hương vị đồng quê sao mà đậm đà thấm thía vậy.

6/Mắm tép Gia Viễn


             (Mắm tép Gia Viễn. Món ăn thuần Việt)

Gia Viễn là huyện đồng chiêm trũng nên người dân nơi này từ lâu đã có nghề riu tép và làm mắm tép ngon, thứ mắm mặn mòi, dân dã nhưng đậm đà tình nghĩa và đã trở thành thứ đặc sản độc đáo, nổi tiếng của người dân Ninh Bình. Để làm được mắm tép ngon người ta chọn loại tép riu phải là tép già, thân tròn, nhỏ con, màu xanh lam và điều quan trọng là tép phải tươi. Đem tép rửa sạch, để khô, sau đó lấy thính gạo rang vàng, giã nhỏ, cùng với muối trộn đều với tép theo tỷ lệ, bỏ vào hũ, có thể đổ thêm ít nước đã đun sôi để nguội, rồi bịt kín, để từ một tháng trở lên mới đem nấu chín ăn. Bát mắm tép được múc ra màu đỏ tươi, có mùi thơm ngọt, rất hấp dẫn. Ăn mắm tép Gia Viễn không cần cho thêm bột ngọt, vẫn có vị ngon ngọt, đậm đà.

                                                             (Cất Vó tép trên sông)

 

Tép ngô, tép gạo, tép riu... ngon nhất là được chế biến tươi.Tép còn được giã dập làm mắm hoặc phơi khô để bán, biếu, cất dành cho ngày đông, nước lớn ăn dần. Một bốc tép hay thìa mắm sẽ làm cho ngọn đay, ngọn muống, ngọn dền, mồng tơi, mướp hương, hoa chuối hay bát cà om tỏa hương và trở thành món khoái khẩu cho cả nhà. Ngon nhất phải kể đến những chú tép gạo, bụng ôm đầy trứng xanh, được xóc muối, thêm chút nước và vài lá gừng, kho trong niêu đất cùng vài cái tóp mỡ. Khi nào quanh niêu vện lên một ngấn vòng tròn màu vàng ruộm, tép khô nước, thì rưới thêm vào nửa thìa mỡ lợn để thêm béo, bùi. Tiếp đó, trước khi bắc tép ra, thêm chút lá chanh thái nhỏ là dậy mùi khỏi nói. . . Con tép căng mọng, múc ra đĩa vàng ươm, tùy khẩu vị từng nơi có thể vắt thêm chút nước cốt chanh, khi ăn bùi "nghìn nghịt", càng nhai càng ngọt.


 

7/Bún Mọc Nho Quan


(Bún Mọc Quang Thiện. Món ngon có từ thời cụ Nguyễn Công Trứ khai hoang đất bồi, lập ra huyện Kim Sơn, Tiền Hải)

Về Phát Diệm - nơi có nhà thờ đá rất nổi tiếng, bạn nên tìm ăn món ngon nổi tiếng vùng này, đó là "Bún mọc Quang Thiện". Bún mọc Quang Thiện có từ thời quan Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ về đây khai hoang mở đất, cho đến nay vẫn là món ăn phổ biến và được ưa chuộng. Bún mọc nước trong, ngọt vị xương hầm và nước thịt mọc, thơm ngon. Ăn bún mọc khi nóng vào mùa đông với rau ghém là xà lách, rau húng thơm, lá hẹ rất hợp lí. Những người bán hàng khéo tay xếp tô bún đẹp, chỉ cần nhìn thôi đã thấy đói và thèm ăn rồi! Những viên mọc tròn vo, điểm phụ gia như nấm, tiêu trông rất hấp dẫn. Làm bún mọc cũng lắm công phu, chọn loại gạo tẻ ngon - gạo của "năm ngoái" chứ không phải gạo mới gặt về. Xay ngâm gạo thật nhuyễn, lấy khăn lọc để trên chiếc rổ, ép thật mạnh cho chảy hết nước chua, sau đó cho vào nồi luộc, bột dẻo rồi nhào. Tiếp theo là cho vào khuôn, "kéo" thành sợi, chảy vào nồi nước sôi, khi chín vớt ra cho vào nồi nước nguội, sau đó, phơi trên mặt sàng thành bún. Thịt làm mọc phải là thịt mông, loại hết gân, mỡ, cho vào máy xay, ướp với nước mắm, mì chính, hạt tiêu, rồi viên tròn từng viên, luộc chín. Bún mọc hợp khẩu vị của nhiều du khách, cả Nam lẫn Bắc với giá cả phải chăng, chắc chắn sẽ là món ăn khó quên đối với nhiều thực khách.

7/ Rượu cần Nho Quan

Rượu cần Nho Quan là loại rượu không qua chưng cất lửa. Người ta dùng gạo nếp xay (gạo lứt) nấu thành cơm trộn đều với men đem ủ vào trong ang hoặc vò sành từ 3 tháng trở lên mới đem ra uống. Khi sắp uống, đem đổ nước vào ang. Nước đầu bao giờ cũng ngon và ngọt, đổ nước tiếp, rượu sẽ nhạt dần. Uống rượu cần không dùng chén, mà phải có các cần rượu làm bằng thân các cây trúc được thông rỗng bên trong cắm vào ang rượu. Rượu cần ngon hay không là do men làm có chất lượng không. Men rượu phải là vỏ cây mun cùng với củ giềng, củ gừng, lá ổi xanh theo tỷ lệ nhất định, đem giã vắt lấy nước rồi trộn với bột gạo nếp. Sau đó nặn thành bánh tròn bằng quả ổi nhỏ ủ vào trấu cho phồng lên, để khô khoảng 10 ngày mới dùng được.

Mời các bạn xem phim:

Thăm đền Vua Đinh / Hoa Lư/ Ninh Bình/28/11/2010

. . . . .

B/ Khai mạc lớp KCDS từ thiện ở Quang Thiện/Kim Sơn/ Ninh Bình/25/11/201

Nhằm giúp bà con ta tập luyện tăng cường sức khỏe, thông qua đó, phòng và tự điều trị bệnh. Nhận được giấy mời của Câu Lạc Bộ KCDS huyện Kim Sơn. Được sự cho phép và tạo điều kiện giúp đỡ của Đảng Ủy và UBND Xã Quang Thiện. Thầy và chư huynh đã về địa phương mở lớp KCDS từ thiện tại Đền cụ Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ. Lớp học đã khai giảng vào chiều ngày 25/11/2010.

Mặc dù trời đang rét đậm. Nhưng bà con vẫn đến dự khai giảng và tham gia tập rất đông. Do trời mưa lất phất, nên Ban Tổ Chức đã dựng một cái rạp thật lớn ngay trước sân đền. Ban Quân Nhạc của Xã cũng đã đến giúp vui. Hoa tươi, tiếng nhạc, tiếng nói, tiếng cười. . .làm cho không khí mùa đông như ấm lại.

Sau khi làm lễ chào cờ, nghi thức dâng hương cụ Nguyễn Công Trứ. Trưởng Ban Tổ Chức lớp học giới thiệu Đại Biểu và tuyên bố lý do. Đại Diện chính quyền địa phượng đã đọc diễn văn chúc mừng thầy và chư huynh, chúc mừng toàn bộ bà con học viên và tuyên bố khai mạc lớp học. Đại Diện chính quyền địa phương cũng đã tặng hoa và cảm ơn Thầy và chư huynh.

Đại diện bà con học viên tặng hoa Thầy. Thầy phát biểu cảm ơn Đảng và chính quyền địa phương đã cho phép và tạo điều kiện giúp đỡ. Cảm ơn Câu Lạc Bộ KCDS Huyện Kim Sơn, cảm ơn Câu Lạc Bộ KCDS xã Quang Thiện và toàn thể bà con đã giúp đỡ lớp học. Chúc bà con, quí vị đại biểu và khách quí, an khang hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.

Buổi lễ kết thúc, ngắn gọn, nhưng trang trọng và thấm đậm nghĩa tình. Ngay sau buổi lễ, Thầy đã bắt đầu hướng dẫn bà con tập buổi đầu tiên.

Kính mời các bạn xem một số hình ảnh về buổi khai giảng lớp KCDS Quang Thiện /Ninh Bình/25/11/2010:

. . . . . .

Nghe tin Thầy về bà con học viên kéo đến thăm Thầy rất đông. Mọi người mừng vui, Thầy và chư huynh cũng mừng vui. Ngày hội ngộ thấm đậm tình nghĩa






Địa điểm lớp tập KCDS tại đền cụ Nguyễn ông Trứ / Ngày khai giảng/25/11/2010





Lễ khai giảng lớp KCDS Quang Thiện lần thứ 2/Ngày 25/11/2010




Các cụ làm thơ chúc mừng lớp học





Mặc dù trời rét. Nhưng bà con cũng đến dự tập rất đông.




Cháu cũng đi tập với bà





Mừng vui như những người thân lâu ngày gặp lại







Năm ngoái Thầy và chư huynh chỉ về Ninh Bình có một lần. Nhưng đến nay phong trào chẳng những duy trì được mà còn phát triển ra đến gần chục xã chung quanh





Sân đền cụ Nguyễn Công Trứ hôm nay đông vui, đầm ấm nghĩa tình









Mỗi người được nhận một phiếu trắc nghiệm để tiện theo dõi kết quả qua quá trình tập.





Ban Quân Nhạc của địa phương cũng đến giúp vui / Khai giảng lớp KCDS Quang Thiện/Ninh Bình/25/11/2010







Hội trường ngày khai giảng lớp KCDS Quang Thiện / Ninh Bình / 25/11/2010





Đại Diện lớp học dâng hương cụ Nguyễn Công Trứ





Chào cờ







Giới thiệu Đại Biểu và tuyên bố lý do







Đại Diện chính quyền địa phương đọc diễn văn và tuyên bố khai mạc lớp học KCDS Quang Thiện lần thứ 2/Ngày 25/11/2010





Đại Diện Chính Quyền địa phương tặng hoa và cảm ơn Thầy









Thầy phát biểu trong lễ khai giảng lớp KCDS từ thiện ở Quang Thiện/Ninh Bình/25/11/2010





Đại Diện bà con thuộc Câu Lạc Bộ KCDS Hải Nình /Nam Định tặng hoa Thầy





Sau buổi lễ khai giảng. Thầy bắt đầu hướng dẫn bà con tập buổi đầu tiên







Thầy không cần ngồi phát công. Dùng "Vô tác diệu lực", vừa đi vừa uống Trà, bà con vẫn đắc khí và tập có hiệu quả như thường





Thiệp chúc mừng của môn sinh các nơi gửi tới lớp KCDS Quang Thiện/Ninh Bình



. . . . .


Mời các bạn xem phim:

Lễ Khai giảng lớp KCDS huyện Kim Sơn/Ninh Bình/25/11/2010:

- Phần 1:




- Phần 2



>>>>>>>>

Lớp KCDS Kim Sơn buổi thứ 3 ngày 27/11/2010:

Đến hôm nay, lớp học đã đi vào ổn định. Gần như toàn bộ học viên đều đã đắc Khí và thực hành các bài tập có hiệu quả. Sau khi Thầy cải tiến, phương pháp KCDS bây giờ rất dễ tập, hiệu quả cao hơn trước, an toàn tuyệt đối. Ai cũng có thể thực hành được, kể cả người già yếu và các bệnh nhân sức khỏe kém. Người học thoải mái, mà người hướng dẫn cũng dể dàng hơn trước. Hầu như ai đã tập qua đều có thể hướng dẫn lại cho bà con khác, không cần có công năng để ngồi phát công như trước. Bà con học viên không lệ thuộc vào người phát công, không lệ thuộc vào băng tập, cũng không lệ thuộc vào bất kỳ một niềm tin tâm linh hay tôn giáo nào.
 KCDS liệu trình A bây giờ, đơn thuần chỉ là một phương pháp luyện Khí, kết hợp nội lực, vận động theo các động tác và bài tập chỉ định với hơi thở và tâm lý. Do phương pháp có hiệu lực cao về tăng cường sức khỏe chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ, tự điều trị được một số bệnh, động tác lại đều hàng loạt, đẹp và thực hành trên nền nhạc, nên bà con rất thích. Do vậy năm ngoái Thầy và chư huynh chỉ về Quang Thiện có một lần, mà đến nay phong tráo đã lan ra hàng chục xã quanh vùng với sự thành lập Câu Lạc Bộ KCDS cấp toàn huyện. 




Ngoài việc thông qua tập luyện bà con có thể tăng cường sức khỏe, chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ, phòng và tự điều trị bệnh bằng chính tiềm năng của cơ thể mình. KCDS còn cung cấp cho học viên một phương pháp vận Khí để thực hành kỹ thuật Xoa Bóp Day Bấm Huyệt của y học cổ truyền hay các đông tác phục hồi chức năng của y học hiện đại. Nhằm gia tăng hiệu quả cho các bài tập ấy.




Thông qua cách vận khí về vùng bị bệnh,  cách vận Khí thực hành các động tác qui định trước. KCDS còn giúp bà con học viên có thể áp dụng phương pháp KCDS để luyện tập: Thái Cực Trường Sinh Đạo, Thái cực quyền, Tịnh công dưỡng sinh, nhân điện, cảm xạ hoc, tâm năng tâm thể, yoga, thiền năng lượng, mật tông,. . .v.v. . .thể dục thể thao, thể dục nhịp điệu, khiêu vũ thể thao, hay thâm chí áp dụng vào võ thuật. . .v.v. . .
Khi áp dụng KCDS để luyện tập các môn này, sẽ làm cho các môn tập này gia tăng hiệu quả, có tính điều trị bệnh và tăng cường sức khỏe.






Như vậy, KCDS không nhằm gieo một hạt giống mới trong vườn hoa Dưỡng Sinh vốn đã rất nhiều chủng loại và rất đẹp. Nó chỉ mong được như nước và phân bón, góp phần làm cho mọi pháp môn, mọi loài hoa, đều tỏa hương nhiều hơn, khoe sắc nhiều hơn, hiệu quả và nghệ thuật hơn, để làm đẹp thêm cho đời.
Như vậy, các bài tập của KCDS chỉ như là bài tập mẫu cho việc áp dụng năng lượng vào cuộc sống và bà con có thể áp dụng nó vào mọi việc, áp dụng trong các sinh hoạt hàng ngày để tự mình nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình và gia đình mình, khi ấy mới thật sự là sống vui, sống khỏe và sống có ích được.




>>>>>>>

Thăm Làng Nổi Kênh Gà/Ninh Bình/28/11/2010

Hôm nay chủ nhật, lớp học được nghĩ một hôm, để bà con vui với gia đình và bà con có đạo đi lễ Nhà Thờ. Nhân dịp này Ban Tổ Chức lớp học mời Thầy và chư huynh tham quan Cố Đô Hoa Lư, làng Nổi Kênh Gà và Động Vân Trình. . . .

Kênh Gà là một làng quê độc đáo của vùng sơn cước đồng bằng chiêm trũng hoang sơ, dân dã; là ngã ba của 3 con sông: sông Bôi, sông Lạng, sông Hoàng Long. Vào mùa nước lớn, Kênh Gà nổi lên như một hòn đảo nhỏ xung quanh chân núi Cánh Gà và bên bờ nhánh sông Hoàng Long. Để đến với suối Kênh Gà chúng tôi phải đi thuyền qua các nhánh sông Hoàng Long vào làng nổi Kênh Gà. Đây là một làng quê hẻo lánh trong khu vực đá vôi vùng chiêm trũng Gia Viễn, Ninh Bình. Làng được bao bọc bởi hệ thống sông Hoàng Long.

Nước Kênh Gà vừa trong vừa mát.

Đường Kênh Gà lắm cát dễ đi.

Cô em tấp tểnh làm chi.

Khiến cho anh phải khi đi khi về

Ngã ba Kênh Gà nơi hợp lưu giữa sông Hoàng Long và sông Lạng, nơi đây được gọi là Vọng Ấm vì thời tiết luôn luôn ấm, nơi quần tụ của nhiều loài cá và sinh vật dưới nước. Tại đây đã hình thành một làng chài tên gọi Kênh Gà. Tương truyền tên gọi làng Kênh Gà là do trên ngọn núi ở đây, có hòn đá nhô lên cao hình con gà trống. Làng nổi Kênh Gà được bao bọc bởi các con sông uốn lượn tạo thành 2 ngã ba gần nhau cách nhau khoảng gần 300m, là ngã 3 Vườn Dâu và ngã 3 Kênh Gà. Tại ngã ba sông Hoàng long có núi gọi là núi Cổ Ngựa tương truyền rằng ngọn núi này là Mộ cha ông Đinh Bộ Lĩnh trôi về đấy.Vùng ngoài đê sông Hoàng Long là vùng sinh thái. Mùa mưa nơi đây giống như một vùng đầm nước mênh mông. Các dãy núi như ngập mình trong biển nước và bị cô lập thành các đảo nhỏ xanh. Cảnh trí vô cùng thơ mộng.

Mời các bạn xem phim:

Thăm làng nổi Kênh Gà:

 

Nghề nông ở làng Kênh Gà cũng như các làng kế cận khác thuộc vùng đồng chiêm trũng chỉ có một vụ. Nhưng do ruộng đồng nằm ngoài đê sông Hoàng Long nên phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Khi mùa nước lũ về sớm thì toàn bộ vụ chiêm có thể bị mất trắng. Mùa mưa lũ về cũng là thời điểm sôi động mùa đánh bắt trên sông. Cá chép sông Hoàng Long đã nổi tiếng rất ngon. Không những cá chép còn các loại cá "Rói" , cá chày, cá Rô ron, cá trê, ba ba sông.....nhất là cá trắm đen ngon ơi là ngon. Cư dân Làng Kênh Gà trú ngụ nằm rải dưới dãy núi, từ Đầu Cóc xuống ngã ba sông Kênh Gà. Làng Kênh Gà có lợi thế là trên bến dưới thuyền, dân làng rất thạo sông nước hoặc điều khiển những con thuyền nhỏ, rất phù hợp với du lịch sinh thái. Tương truyền, Nguyễn Minh Không đã đến suối nước nóng này làm thịt gà. Từ đó nhân dân truyền tụng đây là suối ông Minh Không đun để làm thịt gà. Dân gian gọi là suối Canh Gà sau này gọi là Kênh Gà. Người dân kể rằng, từ xa xưa họ đã lấy nước về uống và chữa bệnh. Tắm ngâm nhiều lần vào nước này có thể chữa khỏi một số bệnh: khớp mãn tính, viêm dây thần kinh, các bệnh ngoài da...; uống nước nóng Kênh Gà có thể chữa được đau dạ dày, viêm đại tràng mãn tính... Họ coi đó là suối thần, nước thần bởi đầu nguồn của dòng nước khoáng có nhiệt độ ổn định từ 45 đến 50oC, chảy ra từ lòng núi trong vắt, không bao giờ ngừng. Do vậy, ngoài tên Kênh Gà, người dân địa phương còn gọi là Hang Ẩm hay Lỗ Sôi. Tuy đã có từ lâu nhưng đến năm 1940 Kênh Gà mới được người Pháp biết đến và nghiên cứu, những năm sau đó các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và nhận định, đây là loại nước khoáng mặn rất tốt, có chứa nhiều muối Natriclorua, Kaliclorua, Canxi, Magiêclorua và muối Bicacbonat, nhiệt độ ổn định cả hai mùa: mùa đông và mùa hè. Du khách có thể tới đây nghỉ dưỡng kết hợp du thuyền, tham quan, tìm hiểu cuộc sống của ngư dân làng nổi Kênh Gà, thưởng thức các món ăn đặc sản của Ninh Bình như cơm cháy, thịt dê, đặc biệt là đặc sản mắm tép của Gia Viễn - món ăn dân dã đã được nhiều người biết tới. Từ Kênh Gà, du khách có thể tới thăm các khu du lịch, điểm du lịch khác như: động Vân Trình với nhiều nhũ đá đẹp (nằm trong núi Mõ, thuộc thôn Vân Trình, xã Thượng Hoà, huyện Nho Quan); khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long - khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc bộ với hệ sinh thái đa dạng, phong phú; chùa và động Địch Lộng (mệnh danh là "Nam thiên đệ tam động" - động đẹp thứ ba trời Nam); khu du lịch sinh thái Tràng An; vườn quốc gia Cúc Phương,...

Mời các bạn xem phim:

Thăm đền Vua Lê /Hoa Lư/Ninh Bình/28/11/2010 :