Hứng Trăng/ Phù điêu/ Ba Gàn thực hiện
Ngày xưa Đức Phật và chư Tổ đã dạy rằng: "Nói nhiều thì lỗi nhiều, nói ít thì lỗi ít, không nói thì không lỗi". Lỗi này là gì? Nói sai phạm là có lỗi đã đành, nhưng nói đúng cũng lỗi, nghĩa là chúng ta bị hao hơi tổn sức và làm mất lòng người.

Hòa thượng Thiện Hòa nổi tiếng ít nói, ngài cũng dạy rằng:
Khẩu khai thần khí tán
Động thiệt thị phi sanh
Mở miệng nói thì cái thần của chúng ta bị tán, cái khí của chúng ta bị tổn hại; vì khi nói, nghe, tranh cãi, chúng ta bị sự vật bên ngoài tác động, chi phối nhiều, nên thần tan, trí sáng suốt không còn..
Cái lưỡi cục cựa là thị phi sẽ có liền. Và thị phi trên cuộc đời này là nói phải trái qua lại thì tất cả đều sai; nói đúng cũng sai, huống chi là nói sai. Ít nói, thậm chí không nói, càng hay.

Còn ngày nay (thời in tẹc nét):
"New Post" mang CHAT nghiệp,
Động "ngón" thị phi sanh.
Bước vào phòng "CHAT" bấm vào "niu-pốt" một cái, là ta bắt đầu bị mang "CHAT-NGHIỆP".
Các ngón tay bắt đầu cục cựa là thị phi sẽ có liền.
Cho nên:
"Trót mang nghiệp CHAT vào thân
Thời đừng có trách trời gần trời xa"
Hề...hề...

 

LaoTru/

. . . . .

 

Cảm ứng từ bài viết trên:

 

Chuyện xưa kia kể rằng:

 

Có một vị Thầy đáng kính đang ngồi trên thuyền cùng với mấy người học trò của mình.

Thuyền trôi lờ lững trên sông. Thầy và Trò đang uống Trà vui vẻ. Đột nhiên có một chiếc thuyền khác đụng mạnh vào khiến nó chao đảo sắp chìm.

Mấy người học trò tỏ vẻ tức giận bước vội ra khoang ngoài để xem kẻ nào đã dám vô lễ như thế!

Lát sau họ bước vào thì thấy ông Thầy Già vẫn ngồi đấy yên lặng uống trà.

Thấy họ vào ông Thầy cười hiền hậu:

-         Mô Phật, sao các con không nói phải trái với họ?

-         Thưa Thầy, đâu có ai mà nói. Đó chỉ là cái thuyền không chủ trôi dạt theo dòng nước đấy mà!

-         Sao các con không nói với cái thuyền. Nó đụng mình mà.

-         Thưa Thầy phải có ai trên ấy mới nói được chứ.

-         Mô Phật, đấy các con thấy chưa. Khi các con còn chấp Ngã, thì sẽ có đấu tranh thị phi hơn thua. Nếu biết mình và pháp giới đều vô ngã thì làm gì có “Đụng” hay “Không Đụng” .

Hềhề. . . Vô Ngã thì “Nói” và “Không nói” làm gì có mà bảo là nói nhiều, nói ít hay không nói!

Này các con,

Khi “cái Thức Nói” đang còn, thì ngậm miệng bên ngoài chỉ là giả vờ. Chứ cái việc “nói” và ráng “không nói” đang đấu tranh dữ dội trong tâm.

Khi “cái Chấp Ngã” đang còn thì luôn thấy có “Mình” phân biệt với “Người”, luôn thấy “Cái Một và cái Toàn Diện” là phân cách, thế thì nhất định sẽ có sự xung đột đấu tranh của nhị nguyên xảy ra bằng mọi hình thức chứ cứ gì phải là “Nói” hay “Chat”. . . hềhề. . .!

. . . . .

 

Còn đây chuyện đang xảy ra tại chùa Thế À:

 

Chùa Thế À nằm giữa một khu rừng thâm u.

Có một vị khách tên là LaoTru, không ngồi trong chánh điện mà bỏ ra ngoài ngồi yên lặng giữa rừng chiều.

Cu Tý lúc ấy đang nhặt củi cho nhà bếp thấy vậy đến chào:

-         Chào ngài, sao ngài lại bỏ ra đây ngồi

-         Trong ấy ồn quá ta ra đây cho yên tĩnh

-         Vậy hả?

-         À, trong ấy ở chánh điện thì đông người tụng kinh, tiếng chuông tiêng mõ, ngoài sân nơi bàn uống trà thì người ta đang bàn chuyện đạo tranh luận nói qua nói lại nhiều quá. Ta không muốn can dự đến chuyện thị phi nên bỏ ra đây.

-         Thưa ở đây, thì tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim kêu vượn hú, tiếng gió thổi ào ào, trời lại sắp mưa có tiếng sấm rền và gió giật. . . sao ngài không sợ mình can dự vào những âm thanh ấy.

-         Đâu có ai làm, đó chỉ là tiếng động của tự nhiên mà, đâu có thị phi.

-         Mô Phật, không có thị phi nhưng có phan duyên

-         Nếu ta “Đối cảnh Tâm bất sanh” thì ngồi đây mọi âm thanh này đâu lôi ta được.

-         Hềhề. . . Nếu “tâm đã bất sanh” thì thị phi như gió thổi nhà trống như lửa cháy khoảng không chứ đâu phải sợ mà trốn ra đây

-         ! . . . . .

-         Mô Phật, ngài cứ xem người ta tranh luận nói qua nói lại chỉ đơn thuần là tiếng động “Vô Ngã”. Thì ở trong ấy hay ra ngoài rừng có khác gì nhau. Thậm chí cứ giả vờ tùy duyên tham dự cho vui chứ đâu ảnh hưởng gì mình.

Hềhề. . . Cu Tý con nghĩ rằng vấn đề không phải là nói nhiều, nói ít, hay làm bộ không nói. . . mà phải là Vô Ngã” thì tâm bất sanh!

 

Năm Đờn Cò/ 31/10/2008