Cửa không đóng, đừng tìm chìa khóa!
Kính Cụ Tư Rượu Đế! Con đã từng đọc ở đâu đó câu : “Không phải là tinh tấn tu tập mà người đó từ vô thuỷ các kiếp trước đã biết cúng dường cho một bậc chứng ngộ”. Con biết rồi thể nào Cụ cũng nói: Ta và ngươi đều không nghe được lời của Như Lai nói vậy. Nay ngươi hãy nói cho ta nghe việc ngươi đồng cảm với câu này ra sao, rồi ta sẽ nói cho ngươi biết cái sự đồng cảm của ta.

Con thưa Cụ!

Để có những cái biết tự nhiên biết,  từ một người hết sức bình thường, con chẳng hiểu gì về tu tập. Con chỉ biết đi làm và chăm lo cho cái mảnh đất hạnh phúc riêng tư của mình, cho đến một ngày con bị bệnh và con đã gặp được vị Minh sư của mình. Người đã nói thật giản dị: - tu chỉ là sửa!

Đầu tiên là sửa thân xác, sau đấy là sửa tâm. Cái máy móc làm việc lâu ngày còn phải bảo dưỡng( tra dầu, mỡ, thay một số phụ kiện khi cần thiết…), huống hồ là con người…

 

Con theo Minh sư của mình mà chẳng thuộc một câu kinh nào cả, Người lại chỉ bảo:

-  Con là một con người của xã hội, phải có đóng góp và có ích cho sự phát triển  của xã hội. Vậy, trước tiên con phải có sức khoẻ mới phát triển được trí tuệ, tăng khả năng cống hiến: đó chính là tính hiệu quả của phương pháp, và người tu học hiện đại nhất thiết phải đạt được điều này. Như vậy, là đã y theo kinh điển mà làm…

Con hãy giở quyển kinh ra rồi đồng cảm, y theo kinh điển mà hành…Để thực chứng cả về lý và sự.

 

Học thì phải có hành, con theo chư huynh đi làm Phật sự, trước tiên là đem cái biết đầu tiên của phương pháp đó là giúp cộng đồng tập khí công trị bệnh. Con cứ làm mà chẳng hiểu thế nào là hành Bồ tát đạo.

 

Con học thiền đại thủ ấn. Vậy mà khi “các cánh hoa sen” trên đôi tay chưa kịp nở, con đã say sưa như chưa hề biết mình còn non kém và vụng dại. Thầy của con lại động viên (bây giờ, con mới hiểu đấy là do Người khuyến tu mà thôi… ):

-                       Đôi bàn tay xoè ra, để tự nhiên không ra gân mà chuyển động, đấy mới là “mẹ” của các khế ấn.

-                       Khi đến lớp hướng dẫn bà con học khí công, cái gì bà con hỏi mà không biết thì bảo là không biết, đừng dấu dốt làm gì. Khi nhắm mắt tập quan sát lớp mà không nhìn thấy gì, thì cứ mở mắt ra mà nhìn... Hãy bằng kinh nghiệm của riêng mình mà trao đổi, thì việc cùng nhau rút kinh nghiêm sau buổi tập là chính bản thân mình đang được học.

 

Con thưa Cụ!

Cái tự nhiên biết cứ biết bởi con đã được Minh sư điều chỉnh theo cách như vậy.

Rồi có một ngày con đến lớp A. Trên đôi tay con, những cánh hoa sen nó tự nở mà con không cần biết đó là cái gì…Trong sự yên lặng tuyệt đối… Con như đang ngồi đối diện với  Minh sư của mình, như đang hoà nhập vào vườn hoa của  pháp giới...

Một điều kỳ lạ đã xảy ra. Từ cái miệng con đã phát ra những lời đồng cảm với học viên của mình. Nhưng ngay sau đó, con chợt hiểu: Con  là người đang mang đúng căn bệnh của bệnh nhân trước mặt mình vậy…

 

Ôi!

Thế mới biết, khi con xa Thầy, trong cơn đau của thể xác và tinh thần. Con chỉ ngồi thanh tịnh thân tâm và quán tưởng như có Thầy con đang ngồi trước mặt mình, cơn đau lập tức dịu dần đi. Ngưỡng chịu đựng trước mọi sức ép tăng dần, tăng dần theo năm tháng…

Giờ con  hiểu thêm một điều, Thầy coi tất cả chúng sinh như là tay, chân, như là máu, là thịt của chính mình, thì chúng con mới được thừa hưởng cái an lành như ngày hôm nay.

Thầy thường nói:

- “Hãy sống thật hết mình và vì tất cả…Con sẽ được hạnh phúc, bởi bệnh tật như một duyên để cho mình nhận biết…Bởi biết cống hiến hết mình và tràn đầy nhận biết…Con sẽ không bao giờ cô đơn!..”

Tướng của Như Lai đã đi từ lâu lắm rồi…phải đến hơn hai ngàn năm trăm năm có lẻ… Nhưng con vẫn thấy Người vẫn hiện hữu, Người vẫn ở nơi đây khi thế gian này vẫn còn một người chưa thành Phật!

 

Ôi!

Con xa tướng của Thầy con đã lâu lắm rồi…Nhưng thực lòng con vẫn nhớ những con ho dài của Thầy con, vì những đợt dài liên tục phát công giúp bệnh nhân trị bệnh. Những bệnh nan y như ung thư, tiểu đường… ngày nay quá nhiều, mà mình Thầy con làm không xuể. Con chẳng biết làm gì hơn bởi lẽ, con biết, Thầy của con cũng chẳng thể dừng…

 

Con chẳng biết làm gì hơn, đành ngồi đây kể lể với Cụ…

Cụ đừng trách con nghen! Con xin kính Cụ và Minh sư của mình một ly trà từ phương xa!

 

Giờ con đã hiểu tại sao tên của Cụ là Tư Rượu Đế rồi đấy: Cụ chính là Tịnh Thân Kim Cang, một hóa thân của Tỳ lô Giá Na Phật.

Tên của Người đặt ra như vậy để đánh lừa cái tướng tu. Nếu có giả tu, thể nào cụ và Thầy con cũng được mời một ly rượu đế cổ truyền đấy…

Nhưng con biết, thể nào Cụ và Thầy con cũng nương theo đó mà chế lại ly rượu đế thành ly rượu “ Kệ mẹ nó thằng giả tu!”, may ra khi cái giả tu đang lơ mơ say rượu mà uống nhầm thì cũng tốt…Thầy con cũng đỡ mang tiếng là người chỉ thích “rong chơi”  theo tướng nhìn, tướng nói…đỡ phải lưu lại ở cái cõi ta bà ô trọc này!

 

Con thành tâm được tạ lỗi với Cụ! Xin Cụ đỡ lời cho con nếu Thầy con giận, cụ nhé! Bởi con mới chỉ biết nói hay chứ chưa hiểu lắm về cung cách cúng dường cho các bậc chứng ngộ, thật khó cụ ạ…

Con đành biết kể lể với Cụ, may ra có điều gì hay hay, Cụ bổ khuyết cho con. Coi như là một câu chuyện hóm hỉnh về khuyến tu vậy, cụ nhé!

 

Chi Mai. etc