Cụ Mõ
Già Năm có việc đi ngang nhà khách. Mọi người đang uống trà nói chuyện vui vẻ, thấy cụ đều đứng lên chấp tay đảnh lễ: -Chào cụ ạ -A Di Đà Phật,

Cụ Già nhìn Ba Gàn hồi lâu rồi thủng thẳng nói:

-         Này Ba Gàn pháp đối trị của con trong giai đoạn này là:

 

“Hãy yên lặng mỉm cười. Đừng vội nói gì”

“Khi nói thì phải hội đủ 5 thể rồi hãy nói. Thấy người kia hội đủ 5 thể thì mình mới nói. Khi phải nói thì hãy nói ít nhất”

. . . . .

 

Cụ Già nhìn Cỏ Gừng hồi lâu rồi nói:

-         Này Nhóc, ngươi đang tu tập tốt đấy. Cứ thế tiến tu nhé

-         Thưa cụ, làm sao cụ biết con đang có kết quả?

-         Hềhề. . . Nhìn sắc diện ngươi ta biết.

Cụ Già định quay đi, thì có một vị huynh cao tuổi đầu tóc bạc phơ đảnh lễ Cụ rồi thưa:

-         Xin Cụ làm ơn nói rõ thêm về vấn đề này để chúng con biết đường tu tập

-        Này chư huynh theo kinh nghiệm của ta. Người tu tập bắt đầu được ơn trên gia hộ và có hiệu lực thì trước tiên diễn tiến như sau:

 

1.     Ăn chay trường, nhưng thấy rất ngon. Cơ thể hồng hào xinh đẹp. Môi đỏ mắt sáng lộ vẻ tinh anh.

2.     Sau đó chấp tác làm Phật sự thấy thích thú, làm hết giờ vẫn còn muốn làm thêm.

3.     Nếu có việc về gia đình hay đi xa, tự nhiên thấy nôn nao luôn mong ngóng để chóng quay về chùa.

4.     Luôn luôn yên lặng mỉm cười, không bao giờ phán xét, đấu tranh, hý luận, tranh hơn tranh thua với người khác.

5.   Thích làm việc gần sư trưởng hoặc chư huynh để yên lặng nghe pháp hoặc đơn giản không nói năng chi, chỉ để thông công giao hòa năng lượng với các vị ấy.

 

Hềhề. . . Ta thấy Cỏ Gừng ăn chay trường đã lâu mà hồng hào khỏe mạnh, dáng điệu đề đạm ai nhìn cũng thích, nên ta biết ông tu tập bước đầu có kết quả.

. . . . .

 

-         Thưa cụ, vậy nếu tu tập không kết quả nhìn bề ngoài có biết không?

-         Có chứ. Theo kinh nghiệm của ta thì như sau:

 

1.     Ăn chay trường không thấy ngon, chán ngán, ăn càng ngày càng ốm yếu đi, có người sinh bệnh. Đó là vì “người chay” thì mới ăn chay được. Còn những vị ấy tâm còn háo thắng ưa hơn thua đấu tranh hý luận, hý sự nên ăn chay mà không được ơn trên gia hộ độ trì nên không khỏe mạnh được. Cụ thể những vị còn trẻ nếu bị tình dục kích thích làm rối loạn tâm, thì dù ăn chay vẫn ốm yếu sinh bệnh. Còn những người già, những vị phụ trách công tác quản lý, nếu ham tiền bạc danh vọng chức vụ thì ăn chay cũng sẽ bị ốm yếu sinh bệnh.

2.    Chấp tác làm Phật sự thấy khổ cực. Thường va chạm do khác ý nhau khi làm Phật sự. Không rèn được tâm qua lao động.

3.     Ở chùa hay nhà Tổ mà luôn mong ngóng về gia đình. Điện thoại di động hay nhắn tin liên tục khiến trần duyên không cắt được. Chưa nhất tâm tu tập. Còn tính toán cân nhắc xem ở đây với ở nhà cái nào mình thành đạt hơn. Những vị ấy trước sau gì cũng về với đời.

4.     Luôn hục hặc va chạm với mọi người, thường tự khen mình chê người, thường đấu tranh va chạm, hý luận và hý sự.

5.     Luôn để tâm theo dõi phán xét chư huynh và sư trưởng của mình. So sánh Thầy mình với ông Thầy khác, ông nào hay ông nào dở. Để cuối cùng chạy hết Thầy này qua Thầy khác. Khiến không có thời gian định đủ dài để chứng thiền.

. . . . .

-      Cụ nói thế, sao con thấy trên trang Web của bản môn, chư huynh vẫn tranh luận với người đời nhiều thế. Sao không yên lặng mỉm cười như cụ dạy có hơn không?

-         Này Cỏ May, “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Chư huynh cố ý làm vậy để tìm “vàng” trong cát bụi trần gian.

-         Thưa cụ thế nào là “vàng”?

-         Đó là người tham gia Quán Trà mà nắm được yếu chỉ của Thiền:

 

“ Đúng-Sai, Phải-Trái, Hơn-Thua, Thành- Bại, Vinh- Nhục chỉ là hỏa mù mà chư huynh đã dựng ra để làm phương tiện khéo. Điều quan trọng là trạng thái tâm phải luôn an lạc tự tại khi đọc và viết. Trạng thái tâm ấy luôn hiển thị trung thực nhất qua bài viết của họ”

 

Hềhề. . . Đó chẳng phải là cách và duyên đã làm các ông có mặt ở đây sao?!

 

Mây/27/5/2008