Con đường trên núi Linh Thứu. Nơi xưa kia đức Phật thường đi dạo.
- Thưa cụ thế nào là “Phát công”? Tôi thấy cụ cũng chỉ nói về giáo lý nhà Phật? Ngoài cái ấy ra, còn có cái gì nữa trong các bài nói chuyện của cụ, đã khiến mọi người gọi nó là “phát công” ?

- Này Cỏ May, có chứ.

Cái đó là sự biết ơn, là con tim ta, là sự đồng cảm và rung động mênh mông tràn ngập tâm hồn ta trước giáo pháp của Như Lai.

Này Cỏ May, chẳng phải ta giảng đạo.

Mô Phật, ta tự biết mình chưa đủ sức làm cái việc đó, cái việc thiêng liêng chỉ có chư Tăng mới đủ phẩm hạnh, tài năng để làm. Phần ta, như người đi trong sa mạc luân hồi chịu khát đã lâu. Nay có phước duyên gặp được giáo pháp của Như Lai, ta được cứu sống, hết khát, thoát được cái khổ ghê gớm của kiếp lưu đày, nên ta vui mừng.

Các bài nói chuyện của ta chỉ là lời tâm sự bày tỏ cái vui mừng, cái sung sướng ấy mà thôi. Ta nào biết  nước này do đâu mà có, độ sâu, dung lượng, thành phần hóa học, có hòa tan chất gì trong ấy không. . .v.v. . .và . . .v.v. . Những cái biết bác học ấy ta nào có biết! Ta chỉ nói lại cái ngọt, cái mát của hồ nước này, ta chỉ diễn tả lại cái kinh nghiệm mừng vui của người may mắn thoát khỏi chết khát. . . Thế thôi!

Này Cỏ May, không phải có người nói và có nhiều người ngồi yên lặng nghe, để hiểu, để biết, để thu lượm cái gì đó. Mà là một con tim tràn đầy rung động đang thì thầm tâm sự, đang hát, đang múa. . . và nhiều con tim khác đang đồng cảm, đang tràn ngập cảm xúc, đang hát, đang múa theo. . . . Cái chất dẫn truyền sự rung cảm này là giáo pháp của Như Lai. . . là biểu thị của cái Ngộ, cái gặp, cái chạm, cái tiếp xúc, của con tim trần gian với cơn say thần thánh. . .

Này Cỏ May, như sự rung động của ông trước người yêu của mình, chẳng có nguyên nhân gì, chẳng có sự hiểu biết do tìm hiểu, do nghiên cứu, do học tập, do rèn luyện. . . Than ôi! Nó tức thời tức khắc, rơi xuống, tràn ngập và choáng ngợp cả tâm hồn ta.

Cái rung động, cái mừng vui, cái giải thoát của ta trước Như Lai và giáo pháp của người thì cũng vậy!

Haha. . ha! Nụ cười, giọt nước mắt, tiếng la hét, những chuyển động của cơ thể, tiếng hát, điệu múa. . . của đám đông khi nghe ta nói thì cũng vậy!

Ôi! Nó chỉ là sự đồng cảm, sự hợp nhất, sự ngẫu hứng phi lôgic của tình yêu tối thượng đang xảy ra giữa các con tim yêu thương không phải qua ngõ của những cái đầu phán xét.

Chúng ta như những người điên thiêng liêng. Sự rung động của ta trước giáo pháp Như Lai, như là bình rượu thiêng của Thượng Đế ta đã mang đến mở nó ra, ta và mọi người cùng uống chung. . .  Thế là cơn say Thần Thánh đã xảy ra và người ta gọi nó là “Phát công”.

Chẳng có dạy và học. Chẳng có “Phát công” và “Thụ công”. Chỉ có cơn say Thần Thánh và những điệu múa Thiêng. Chỉ có sự đồng cảm cùng cực của những con tim chân thật và những biểu thị của niềm vui tự do giải thoát!

Này Cỏ May, chắc ông cũng đã có dịp từng thấy một ca sĩ hát trên sân khấu đầy rung động. Người nghệ sĩ ấy nhập thần quên hết mọi sự, chỉ còn lại giai điệu và niềm cảm xúc tràn ngập tuôn ra, trào ra. . . Ôi! Người nghệ sĩ của trần gian đã đẩy cái tình cảm vào các cung bậc cùng cực. . . vút lên cao trào dâng chất ngất . . . hay lặn xuống vực sâu hun hút của đáy tâm hồn. . . và mọi người ở dưới đang nghe, như đang say lên, điên lên, cùng hát, cùng khóc, cùng cười, cùng nhảy múa hò reo. . . !

Ta, lão già ở xó núi này chẳng phải là tu sĩ, chỉ là nghệ sĩ tâm linh lang thang vô định hướng. . . Sân khấu ta là trần gian này. Bài hát ta là tam tạng của Như Lai. Điệu múa của ta là điệu múa thiêng của cơn say thần thánh. Ta cũng nhập thần bằng sự đồng cảm với thiêng liêng. Ta cũng ngẫu hứng bằng trạng thái phi khái niệm. Ta cũng bốc lửa bằng năng lượng giác ngộ trào dâng chất ngất khôn cùng. Ta cũng lẳng lặng lặn xuống vực sâu của sự đau khổ. Ta cũng buông mình rơi tự do vào chốn hư không mênh mông đầy ánh sáng. Ta cũng quay cuồng trong cơn lốc của cuộc đời này.

Haha. . .ha! Ta đang tự do tan về mọi hướng. Đi. . . ta đi mãi về chốn vô cùng vô tận. . . Ta tan ra. . . nát ra. . . thành những giọt ánh sáng long lanh cực kỳ nhỏ bé chui vào mọi con tim đang đồng cảm. . . Ta biến thành máu của họ. . . Ta biến thành xương thịt. . . thành tình cảm. . . thành cái cơn say thiêng liêng do ngập tràn hạnh phúc!

Ôi! Cuộc sống của chúng ta. . . của lũ người cùng khổ, giây phút này đây biến thành lễ hội thiêng liêng. . . Haha. . .ha! Người ta gọi là ta đang “Phát công” và mọi người quanh ta đang “Đắc khí” Còn ta. . . ta gọi là sự điên khùng của giải thoát và tự do!

Này Cỏ May, khi bình minh thức dậy, những tia nắng ấm áp đầu tiên lảng vảng trên đầu các ngọn tre gai đang lả lơi theo gió sớm. Com chim chìa vôi bỗng nhiên cất tiếng hót líu lo. Chung quanh nó, hoa lá như chợt tỉnh dậy. . . vươn ra. . . nở ra. . . ngan ngát hương thơm và bừng bừng sức sống.

Mô Phật, ta cũng vậy, ta cũng là con chim chìa vôi tâm linh. Khi mặt trời “Huệ Nhựt” chiếu sáng ta bỗng dưng cất tiếng ca vang. . . bài ca “Phát Công”, bài ca tự nhiên, bản năng, tràn sức sống. Bài ca của cõi lặng yên. . . bài ca của tình yêu thiêng liêng tối thượng. . . Chung quanh con chim chìa vôi tâm linh này, mọi người như hoa lá, rung rinh, nhảy múa, khoe hương sắc dưới ánh bình minh của mặt trời trí tuệ.

Này Cỏ May, chẳng phải con chim chìa vôi kia hót làm muôn hoa nở ra khoe hương sắc, mà bằng bản năng sinh tồn, chúng nở ra dưới ánh nắng mặt trời.

Haha. . .ha! Ta và đám đông chung quanh ta cũng vậy đều nở hoa dưới hào quang của Như Lai, đều bừng bừng sức sống dưới mặt trời tâm linh của Thượng Đế nhân từ.

Này, con chim chìa vôi kia đâu có phát công mà muôn loài đều ca vui nhảy múa. Ta cũng đâu có phát công, ta chỉ cùng chúng sanh trong tam giới uống rượu thiêng liêng nên lũ chúng ta đều ngất ngây trong cơn say Thần Thánh.

Ban đêm, khi ánh trăng tịch chiếu, mọi vật đều lặng yên nghỉ ngơi. Chỉ có con dế mèn vẫn ca bài ca của bóng tối.

Chẳng phải con dế mèn ca mà vạn vật lặng yên. Chẳng phải con đế mèn Động mà vạn vật Tịnh. Haha. . .ha! láo toét. . . đều láo hết. . . Vạn vật đều tự nhiên nhiên như thế! Đều như thị. . . như thị!

Haha. . .ha! Con dế mèn có cái biểu thị của con dế mèn. . . vạn vật có cái biểu thị của vạn vật. . . mặt trăng có cái biểu thị của mặt trăng. . . Chúng do nhân duyên mà đến với nhau!

Mô Phật, Ta cũng là con dế mèn tâm linh. Mặt trăng tịch chiếu của Thiền Tịnh cứ viên chiếu. . . cứ thường chiếu. Vạn vật cứ lặng yên. . . cứ ngủ yên. . . Còn ta thì cứ ca bài ca của bóng tối, bài ca cội nguồn của ánh sáng.

Này Cỏ May, mặt trời Hoạt Phật chiếu tia nắng nồng nàn thì tam giới bừng bừng sức sống trong cơn say thần thánh. Mặt trăng tịch chiếu của Tánh Phật buông ánh sáng huyền vi thì đại vũ trụ lặng yên nghỉ ngơi. Còn ta. . . haha. . .ha! Ta nguyện làm con chim chìa vôi để hót vang ca ngợi mặt trời Hoạt Phật đầy sức sống. . . Ta nguyện làm con dế mèn cô đơn, hằng đêm ca bài ca, ca ngợi sự im lặng sấm sét. . . ca ngợi cái bóng tối cùng cực cội nguồn của mọi ánh sáng thiêng liêng.

Than ôi! Con chim chìa vôi đâu có phát công. Con dế mèn đâu có phát công. Mọi thứ đều do Hoạt Phật mà biến dịch, đều do Tánh Phật mà vô vi! Ta đâu có dạy, mà chẳng có ai đang học cả. Mọi sự đều là màn kịch của Thượng Đế từ bi.

Này Cỏ May, buổi tối ông đi đốt đèn trên các ban thờ. Từ chánh điện, ra đến bên ngoài và quanh núi Vân. Ngọn lửa nhỏ trên cái đèn của ông là duyên để ngọn lửa ẩn tàng trong các ngọn đèn kia cháy sáng. Ông chẳng cho lửa và các ngọn đèn kia chẳng có thọ nhận. Thế mà ánh sáng chiếu rọi khắp nơi.

Mô Phật, ngọn lửa giải thoát, ngọn lửa tự do, ngọn lửa tam muội, ngọn lửa của tình yêu, của sự đồng cảm, đang cháy lên ở con tim ta. Thế rồi mọi người đến chung quanh. . . gần. . . rất gần. . . và cuối cùng ta và họ không còn khoảng cách nữa. . . thế là con tim họ cũng cháy lên ngọn lửa của riêng mình. . . .

Ôi, ngọn lửa vô vi đã biến thành hữu tướng. . . và chất dẫn truyền vô hình vô tướng chính là vi diệu pháp của Như Lai.

Bởi vậy chỉ có thể học giáo lý của đạo Phật, chứ không thể học phát công. Cái đấy là hành động ngẫu hứng của con tim đồng cảm và tràn đầy rung động.

Này Cỏ May, chẳng có “phát công”, chẳng không “Phát công”. Nó chính là “VÔ”!

Tưởng Vậy/15/5/2008