Đem dây cột hòn than đang cháy đỏ ?!
Ở cái "xó xỉnh" này, nếu nói về văn thơ thì chẳng có ai ăn đứt được lão. Lão tuy không phải là người được ăn học đến nơi đến chốn nhưng nếu xét về mặt Hán học thì lão cũng được xếp vào loại thâm nho có tiếng. Còn nếu xét về mặt thi ca thơ phú thì quả là ở cái làng quê "chó ăn đá, gà ăn sỏi'' thì không ai nhiều chữ và "chơi ngông" hơn lão.

Biệt tài của lão là "rượu vào thì thơ ra". Cho nên, cũng thật là có lý khi bạn rượu đã phong tặng cho lão cái danh hiệu..."tiên tửu"! Tài hùng biện của lão "tiên tửu" cũng hẳn là không ai bằng. Hễ có hơi men ngà ngà và thần thái đã chếnh choáng thì đố ai mà cắt đứt được câu chuyện văn thơ và những ''chiến tích" trong đời lão. Ở cái nơi heo hút này thì lão quả là "nhà hùng biện đại tài''..!

Lão ''thi sĩ nửa mùa'' hay ''lão tiên tửu'' đã ngoài sáu mươi nhưng tính tình thì rất phóng khoáng và hồn nhiên như trẻ nhỏ. Lão rất hay cười. Chẳng biết trời phú cho lão cái tính hài hước ấy hay do cái mồm lão bỏm bẻm vì đã rụng hết một nửa hàm răng cũng không biết nữa..! Bạn lão rất đông vì lão quan hệ rất rộng. Đi đâu lão cũng có bạn và đa phần là những người cũng ''hâm hấp'' như lão. Lão làm bạn với cả thanh niên nếu người đó cũng yêu văn nghệ và thích thơ ca. Lão không muốn họ gọi lão là trưởng bối hay cha chú vì nghe già và kiểu cách quá. Vì thế, hàng thanh niên thì đều gọi lão là "anh bạn già''.

Cuộc đời lão ngang dọc nay đây mai đó. Lão sống theo kiểu ''bất cần đời'' và lão nhận thấy cuộc sống đó có cái thú của riêng lão. Với bộ quần áo lính đã bạc màu và chiếc xe đạp cà tàng, lão thường lóc cóc đạp đi khắp làng trên xóm dưới, nay chỗ này, mai chỗ khác. Nghề chính của lão là ''lang băm'', còn nghề phụ của lão là ''nô lệ cho nàng thơ''! Lão hay đi rong chơi, một mặt là sưu tầm các bài thuốc hay và các cây thuốc quý trong dân gian để mang về tích trữ cho đầy thêm cái tủ gia truyền của nhà lão, hai là tranh thủ lúc rỗi rãi lão cùng bạn bè đàm đạo văn thơ...
Lão ''thi sĩ nửa mùa'' rất quan tâm đến thế hệ ''măng non''. Hễ nghe ở đâu có nhân tài hay nhà nào có con cái giỏi văn thơ và ham sáng tác là lão tìm đến xem mặt và hỏi han ngay.

 

Tính khí của lão rất thất thường, có khi chỉ có ông trời mới hiểu nổi..! Lão có bà vợ già và lão hay gọi bà là ''mụ béo''. ''Mụ béo'' sống một đời tần tảo chăm lo cho bố con lão và chưa từng có một lần nào không làm tròn bổn phận. Lão là một ông lang nghèo, một thi sĩ nghèo nhưng con người thật của lão thì chỉ có bà mới hiểu. Và cả cái tính ''hâm hấp'' của lão thì cũng chỉ có bà mới chịu được...
Vợ con nhà người thì ăn sung mặc sướng và sống trong cảnh nhà lầu xe hơi, còn bà thì lấy phải một ông chồng quả là vô tích sự...suốt ngày chỉ thích rượu và thơ. Cái biệt danh ''mụ béo'' chẳng phải là bà ''sướng mồm'' tự đặt cho mình mà do ''lão tiên tửu'' chồng bà trong một lần quá chén đã cao hứng phóng tác ra một bài thơ như sau trước mặt bao nhiêu là người...

Thấy tôi bụng dạ bồn chồn
Vợ tôi đến bảo: ''Dí hồn vào thơ''!
Thấy tôi ra ngẩn vào ngơ
Vợ tôi lại bảo: "Dí thơ vào hồn"..!

Mọi người cười rầm rĩ và vỗ tay bôm bốp...Từ đó bà được bạn thơ của ''lão tiên tửu'' đặt cho cái biệt danh là ''mụ béo''! Có lẽ, vợ cụ Tú Xương thuở xưa cũng không đến nỗi khổ như bà!!!

''Lão tiên tửu'' sáng tác rất nhiều và tác phẩm của lão cũng được đăng ở khá nhiều báo có tên tuổi. Ở cái ''làng ít chữ'' này thì chẳng có mấy người thực hiểu tài của lão...nhưng cứ hướng mắt nhìn ra bên ngoài mà xem- lão cũng ''nổi đình nổi đám'' lắm đấy! Chỉ mới đây thôi...có một cô bé còn ít tuổi hơn cả con gái lão viết thư xin làm quen và xin số điện thoại của thi sĩ tài hoa. Cô bé còn nói bóng gió rằng mình từ lâu đã có ''cảm tình đặc biệt'' với tác giả của những bài thơ mới khiến lão phát hoảng lên chứ..!!! Nếu cô bé ấy biết người mà mình ''thầm thương trộm nhớ'' lại đáng tuổi ''ông nội'' hay ''ông ngoại'' và hàm răng đã rụng hết một nửa thì sẽ ra sao nhỉ?!!

Lại nói về chuyện con gái lão...Đã gần quá cái ''tuổi cập kê'' rồi mà vẫn chưa tìm được anh chàng nào vừa ý. Chẳng phải con gái lão ''sắc nước hương trời'' hay ''kén cá chọn canh'' gì mà là con gái chịu nhưng lão không chịu. Chàng trai nào đến tìm hiểu con lão cũng bị lão vặn vẹo và tung ra đủ ''quái chiêu'' để thử tài ''chàng rể tương lai''. Có chàng thì cầm cự được vài hơi rồi cũng phải ''bật bãi''. Có chàng thì hôm trước đến, hôm sau không còn thấy bén mảng...Con gái lão giận, úp mặt vào tay khóc hu hu, còn lão thì nạt nộ và chê ỉ chê ôi...
- Ối giời...Cần gì cái lũ ấy?!!
Thực tình lão đã ''nhắm'' được một chỗ cho con gái lão. ''Thằng bé'' này quả là nhân tài xuất thiếu niên, nhưng khổ nỗi khi gặp con gái lão nó lại không ưng...Lão tiếc nuối và ''cay cú'' lắm..! Nhưng lão vẫn cố tìm mọi cách để tác hợp nhân duyên cho con gái lão với người mà lão cho là ''chàng rể vừa ý''..! Chỉ có ''thằng bé này'' mới đủ tài khiến ''cái ngông'' của lão phải hạ thấp xuống phần nào! Không có được nó làm con rể- lão càng ''cay cú'' hơn..!

Lần ấy, lão ra sức động viên vợ con chích ra một khoản tiền đã tích cóp bao năm cho lão in một tập thơ để làm kỷ niệm. In thơ ra cho thỏa nỗi khát khao của lão xong rồi đem tặng cho mỗi người một quyển chứ vợ con lão thừa biết thơ của lão thì có đem bán rẻ người ta cũng chẳng thèm mua! Thương chồng, thương cha nên vợ con lão đã đồng ý và lão đã được toại nguyện. Không những thế ''mụ béo'' của lão còn hào phóng mua cho lão một giàn máy vi tính mới toanh để lão tha hồ ''ngâm cứu'' và ''sáng tác''. Nói đi cũng phải nói lại...Một phần nữa là vợ con lão sợ lão đã có tuổi rồi lại suốt ngày ''lướt khướt'' như ''Lưu Linh trên chiếc xe đạp cà tàng''...Biết đâu chừng có ngày vợ con lão lại phải đi ''nhặt'' lão về cũng nên..!!! Vì vậy, nghĩ cách để giam chân lão ngồi yên một chỗ là tốt nhất!

Nhưng rồi, chính hành động hào phóng của vợ lão đã khiến lão càng biết ơn tấm lòng hi sinh, tận tụy của ''mụ béo'' vợ lão hơn...Cả ngày lão ngồi bên chiếc máy vi tính tự mày mò khám phá. Rồi một hôm, chẳng biết ''Tiên, Phật'' xui khiến thế nào mà lão lại truy cập được vào cái trang web ấy...Đúng là ''nhân tài đã có đất dụng võ'', tuy rằng với lão là hơi muộn màng!
Lão say sưa ngồi đọc tất cả những bài viết của người có biệt danh là Ba Gàn và Tưởng Vậy mà thấy toàn thân cứ rung rinh như sắp ''lên đồng''..! Lâu lâu lão lại vỗ đùi cười khoái trá rồi thốt lên...
- Chà, chà...Cao nhân này tuyệt thật! Hay! Hay lắm!!!
Từ thuở ''khai thiên lập địa'' đến giờ lão chưa từng được đọc loại văn phong nào hay đến như vậy...Chỉ có thể nói là hay chứ cụ thể hay thế nào thì lão không thể diễn tả được. Chợt lão có cảm giác như mình là một con ếch đang ngồi dưới đáy giếng và ngước đôi mắt tròn xoe nhìn lên. Giọng văn của cao nhân khoáng đạt, thanh thoát và thấm đẫm thiền vị như thể sương mờ nơi đỉnh núi, như thể bụi nước nơi suối nguồn vậy..! Cái chất phiêu diêu thật chẳng khác nào Trang Tử!!!

 

Nhờ có đại nhân duyên mà lão ''thi sĩ nửa mùa'' đang độ tuổi xế chiều như được thoát xác...

Cảm ơn trời! Cảm ơn đất! Và cảm ơn cả ''mụ béo'' nữa chứ?!!

Nguyễn Thanh Hưng/