Muốn tu, hãy cắt cái đầu ngươi bỏ đi
Này Cỏ May, có 2 loại Thầy: -Thầy chúng sanh và Thầy tâm linh Thầy chúng sanh truyền thụ kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cho phần xác Còn Thầy Tâm Linh làm con người thật của mình được sinh ra. Nên thực sự không phải là Thầy mà như là Cha hoặc Mẹ của đứa con linh hồn.

Cha và Mẹ có mối quan hệ huyết thống với Con và là bậc sinh thành, nên tự nhiên giữa đôi bên có mối quan hệ đặc biệt sâu đậm và không có mối quan hệ nào của Con có thể so sánh với mối quan hệ này.

Cũng vậy người Thầy tâm linh đích thực không phải là Thầy theo nghĩa truyền dạy kiến thức và kỹ năng mà là bậc sinh thành của “con người thật”. Nên khiến người tu học và Guru của mình có mối quan hệ đặc biệt khác hẳn và sâu đậm hơn bất kỳ mối quan hệ nào của người trò đối với trần thế hoặc vô vi.

Bởi vậy nếu một người dạy đạo mà không làm con người thật của học trò mình hiển thị, thì đó chỉ là Thầy chúng sanh không phải Guru đích thực của mình. Vì qua người thầy ấy mình chỉ thọ nhận được một số lý thuyết suông và các nghi thức lễ lạy hành trì mà thôi. Nếu có được cái an lạc thì cũng chỉ là niềm vui giả tạo, chẳng phải là niềm vui không nguyên nhân khi con người thật được sinh ra!

Cũng vậy nếu người tu học chỉ dùng phần xác để bắt chước làm theo những gì Thầy mình nói và hướng dẫn, chứ không phải là là các biểu thị của linh hồn qua thể xác. Thì người đó chẳng phải là học trò của của Guru mình. Chẳng phải là Con của vị Thầy huyền diệu bất tư nghì!

Này Cỏ May, ngày lễ 20 tháng 11 là ngày của các vị Thầy chúng sanh và các học trò thể xác của mình. Còn đối với vị Thầy tâm linh và các linh hồn thì luôn tức khắc, tức thì và phi thời gian. Nên ngày lễ của “thời gian” chỉ là duyên để “Con người thật” ngộ tính phi thời gian, tính bản thể, tính tự nhiên, tính bất khả phân và tính như như của mối quan hệ Thầy-Trò trong tâm linh.

Này Cỏ May, Guru như Cha và Mẹ trong tâm linh và không có gì gọi là dạy hay truyền cả, nên gọi là “bất truyền truyền” và người Thầy vĩ đại, người Thầy thật sự, là người không dạy.

Người Trò đúng mực, con người thật hay linh hồn cũng là người không có việc học hay thọ nhận.

Ông hỏi tại sao à? – Tại vì Guru chỉ như Cha và Mẹ là bậc sinh thành.

Còn người Thầy thực sự về tâm linh lại là người “Vô vi”. Đối với những vị giáo thọ vô tướng này, thì quan hệ giữa người dạy đạo và học đạo chẳng giống như quan hệ giữa Thầy và Trò ở thế gian mà nó giống như một cuộc “hôn phối về tâm linh”.

Này Cỏ May, hôn phối chứ chẳng phải hôn phối, ta chỉ tạm mượn từ này mà thôi! Bởi nó giống vậy nhưng không phải vậy. Khi nào ông thực chứng vấn đề này khắc qua kinh nghiệm sẽ tự nhiên biết. Bây giờ chỉ nghe vậy thôi chứ đừng chấp vào các khái niệm ông đã vay mượn của trần thế!

Này Cỏ May, cũng như người Cha hoặc Mẹ đúng đắn thì không bao giờ ép duyên con. Guru của ông cũng vậy ngài chẳng bao giờ ép ông có cuộc hôn phối tâm linh với một vị Phật, Bồ Tát hay vị Tổ nào đấy cụ thể. Mà luôn ủng hộ mọi cuộc “tình yêu tối thượng” của học trò mình, của con mình với người hôn phối tâm linh khi linh hồn nó đã gặp đã “Ngộ” cùng người yêu tối thượng ở cõi vô vi.

Này Cỏ May, “Ngộ” hay “satori” chỉ xảy ra ở phần hồn, khi linh hồn người học đạo gặp gỡ người Thầy còn gọi là người hôn phối tâm linh của nó.

Này Cỏ May, bởi vậy gặp gỡ với một vị thầy chúng sanh dù có vĩ đại cách mấy đi nữa cũng không phải là “Ngộ”. Cũng vậy tâm trí mình dù có hiểu biết cách mấy đi nữa cũng không phải là “Ngộ”. mà “Ngộ” là linh hồn đã gặp người Thầy tâm linh của nó, đã gặp cái nửa còn lại của nó, để hợp nhất thành “Niết bàn”!

Chẳng có niềm vui, niềm hạnh phúc nào sánh bằng hạnh phúc của hai người yêu nhau sao bao ngày xa cách nay được gặp lại. Cũng vậy chẳng có hạnh phúc nào của thế gian sánh bằng hạnh phúc khi linh hồn gặp gỡ người Thầy tâm linh, người yêu tối thượng của nó!

Này Cỏ May, niềm vui không nguyên nhân của “Ngộ” và cái hạnh phúc to lớn trường cửu của cuộc hôn phối tâm linh sau đó chính là trạng thái niết bàn!

Giống như ở thế gian. Hôn nhân chỉ quan trọng nhất là tình yêu đích thực của đôi bên nam nữ. Nếu để tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp. . .v.v. . làm méo mó thì hôn nhân sẽ là địa ngục trần gian.

Người học đạo đích thực không vì danh tiếng của vị Phật này vị Tổ nọ hay Bồ Tát kia, . . .v.v. . .mà dùng tâm trí phán xét so sánh rồi chọn pháp học. Guru của người học đạo cũng không vì danh tiếng của vị Phật này vị Tổ nọ hay Bồ Tát kia. . .v.v. . với các công dụng về phật lực và sức gia trì cùng sự hiển linh mà định hướng thậm chí ép buộc học trò mình học các pháp ấy, qui y với các vị ấy. . .

Mô Phật, tình yêu là hoàn toàn tự nhiên. Nó như tiếng sét bất chợt chẳng nguyên nhân gì.

Cũng vậy, tự nhiên phát sinh một tình cảm mãnh liệt lạ lùng khác hẳn mọi tình cảm nhỏ bé khác ở thế gian đối với một vị Thầy tâm linh vô tướng, thì hãy để tình yêu tối thượng xảy ra với “Ngộ” hay “Satori”.

Bậc Cha và mẹ nào cũng tạo điều kiện để con minh gặp gỡ được nhiều người khác phái đủ điều kiện. Còn việc chọn lựa ý trung nhân là do con mình tự quyết qua tình yêu.

Cũng vậy Guru của ông cũng giới thiệu và tạo điều kiện để ông gặp gỡ nhiều vị thầy vô vi. Và ông sẽ tự quyết định người nào là Thầy tâm linh của mình qua tình yêu tối thượng.

Này Cỏ May, điều tệ hại nhất của thế gian là đa số cuộc hôn nhân chẳng phải do tình yêu mà do tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp. . .v.v. . nên chẳng có hạnh phúc.

Cũng vậy điều tệ hại nhất của tôn giáo là người học đạo thọ pháp chẳng phải vì tình yêu tối thượng mà vì thần thông, sự hiển linh, sự gia trì, vì kiến thức, sự hiểu biết. . .v.v. . .nên chẳng giải thoát thực sự.

 Này Cỏ May. Có điều này ta nói nhỏ cho ông nghe. Tình yêu khác với tình dục. . .Đương nhiên tình dục là hệ luận tự nhiên của tình yêu. Nhưng khi kết hôn mà nguyên nhân chính là tình dục thì đó chẳng phải là chân hạnh phúc.

 Cũng vậy khi tu học thực chứng thì sự an lạc giải thoát tự hiển thị. Nhưng nếu vì mục đích giải thoát mà tu học thì thật chẳng có cơ duyên hưởng cái hạnh phúc thiêng liêng của tâm linh.

Ông hỏi tại sao à? Tại vì khi tình yêu đến thì bất ngờ chẳng bao giờ có thể phán xét suy tính để chọn lựa. Cũng vậy người học đạo tu vì tự nhiên nó vậy, nó là hành động của tình yêu chứ chẳng phải vì muốn giải thoát mới đi tu!

 Mô Phật, ông đã hỏi thì ta tình thật mà nói. Nhưng ông nên  biết rằng: ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy.

Bởi vậy ông nên tác bạch việc này để chư tăng và chư thiện tri thức phát tâm chỉ dạy cho thì mới thật đúng được.

 

Tưởng Vậy/16/11/2007