Giếng Tắm. Nơi Bồ Tát Văn Thù hiển tướng trên Ngũ Đài Sơn.
- Chào cụ Tưởng Vậy - Chào chú Ba Gàn - Thưa cụ, người tu Khí Công và Thiền Mật sau khi thọ phép Quán đảnh, hoặc đã đắc khí hay đã nhận ân điển thiêng liêng, thì điều gì là quan trọng nhất để khỏi bị lạc?

- Tỉnh giác để luôn thuận tự nhiên.
- Tại sao thế ?
- Tại vì năng lượng Khí làm cho người tu tập luôn nhạy cảm và tràn đầy rung động. Do vậy, chỉ trạng thái yên lặng thanh tịnh và thuận tự nhiên mới khiến người ấy lọt vào Trung đạo.
- Còn nếu thái quá hoặc bất cập?
- Sẽ khiến người ấy hôn trầm hoặc trạo cử khi hành công và giải đãi hoặc manh động trong cuộc sống.
- Xin cụ làm ơn cho những thí dụ cụ thể?
- Dù đã nhận ân điển thiêng liêng:
1. Nhưng nếu quá chú tâm, quá cường điệu vào các  việc đúng sai. Sẽ khiến người ấy thường chê bai công kích kẻ khác để tự đề cao mình.
2. Nếu quá chú tâm, quá cường điệu vào vấn đề giác ngộ. Sẽ khiến người ấy tìm mọi cách, mọi lúc để thể hiện sự hiểu biết và khả năng của mình. Và như vậy là làm cho “Cái Tôi” của mình ngày càng lớn hơn. . . .
3. Nếu quá chú tâm vào dư luận, quá cường điệu vào vấn đề khen chê của đám đông hoặc báo chí và các phương tiện thông tin. Người ấy sẽ tự lừa bịp mình bằng cách giữ quá nhiều giới không cần thiết và dành hết thì giờ cho việc làm từ thiện hữu lậu để lấy tiếng khen. Do vậy, sẽ không đủ thời gian để tu học.
4. Nếu quá chú tâm vào pháp thuật, quá cường điệu vào thần thông hay các khả năng ngoại cảm. . . Người ấy sẽ chạy theo các hiện tượng nổi tiếng để học. Sau đó sẽ tự xưng làm thầy và dùng các khả năng ngoại cảm ấy để lòe chúng nhằm kiếm tiền hoặc cầu tiếng tăm. . . .
5. Nếu quá phóng khoáng trong giao tiếp, không tuân theo những qui định của Như Lai khi giao tiếp với người khác phái, hoặc quá chú tâm, quá cường điệu và hiểu sai lệch vấn đề “phối ngẫu tâm linh” của mật tông, người ấy sẽ phạm giới Dâm và mất phạm hạnh. . . .
6. Nếu quá chú tâm vào kiến thức trong sách hay của các cơ sở đào tạo. Người ấy sẽ thành người nghiên cứu Phật pháp mà không thực chứng. Phải biết trong tu học kiến thức khẩu truyền từ minh sư mình là cực kỳ quan trọng.
. . . . .v. .v. . . .
- Thưa cụ, khi đứng trước người khác, thì chư huynh nên như thế nào?
- Đừng bao giờ cố gắng chứng tỏ mình giỏi hơn, tài hơn. đúng hơn . . . . . mà nên hoà hợp và làm cho người ấy thăng hoa phát triển hơn nếu có thể được. Sau đó vui với sự thăng tiến của họ.
- Thưa cụ, khi đứng trước ban thờ Tam Bảo thì chư huynh phải như thế nào?
- Đừng cầu thành Phật, bằng Phật, mà nguyện trọn đời tu học, cống hiến, xiển dương Phật pháp để sáng danh Như Lai! . .
- Trước một chướng ngại, thì chư huynh nên nghĩ và làm như thế nào?
- Không trách Trời, không trách người, trách mình vụng đường tu nên chướng ngại mới đến!. . . . Do thường xuyên quán “Xác chết”. Không sợ chết, thì còn sợ gì thành bại, vinh nhục. . . . Bình tâm tỉnh giác giải quyết mọi sự theo đúng giới luật của Như Lai. Sau đó vui với bất kỳ việc gì xảy đến. . .
- Xin cảm ơn cụ về những điều cụ đã trao đổi hôm nay.
- Mô Phật, ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Ông nên tác bạch vệc này với chư tăng và chư thiện tri thức để các ngài chỉ dạy cho. Rồi hôm nào đến chơi nói lại cho ta học với. . . . .

Tưởng Vậy/15/5/2007