Người tu tập tối kỵ nhất là hí luận và hí sự!. . .

Thay vì chánh niệm và tỉnh giác trong từng lời nói và hành động. Những lời tranh luận vô bổ và những biểu hiện để chứng tỏ cái biết, cái hay của mình đều là "ngã chấp".

Cái nhìn "từ thị", lời nói ái ngữ và chánh ngữ, hành động đại bi đều phát xuất từ "chánh tư duy". Cái tư duy chân chánh trước tiên là không ngộ nhận có "cái Tôi" riêng tồn tại như một thực thể tách biệt với người khác với cộng đồng và với "toàn diện". Nhờ vậy mà không sa vào hí luận và hí sự.

Dù con tu tập pháp môn nào đi nữa, nếu sa vào một trong các điều sau là ma sự:

 

Thành bại, hơn thua, đúng sai, vinh nhục.

 

Điều nguy hiểm cho người tu tập là ngã mạn!. . . Cái ấy do khi người tu bắt đầu khai mở về trí tuệ và công năng. Nếu không duy trì giới luật và chánh định, cái nhìn sắc bén khiến hắn sẽ thường chê trách lỗi lầm của người khác, cái công năng diệu dụng của Phật lực khiến hắn sẽ thường chỉ trích những hành động của người khác mà hắn cho là tầm thường. Than ôi!. . . hắn chỉ mới tiến được chút ít trên con đường giác ngộ, không chịu đi tiếp lại cam tâm làm nô lệ cho "cái Tôi".

Than ôi!. . .Cái trí huệ bắt đầu được khai mở, cái Phật lực bắt đầu được hiển thị phải qua cái lọc "đại bi" mới khiến hắn không xa rời con đường chánh.

Không phải nhân cái lỗi của người khác để có dịp chứng tỏ cái đúng của mình, không phải nhân cái hành động bình thường của người khác để có dịp chứng tỏ cái Phật lực diệu dụng của mình!. . . Mà là mở rộng cửa con tim đại bi để bao dung, để đồng cảm, để xẻ chia, để cùng tiến bộ.

Này cháu yêu!. . . Người tu tập không sa vào các khái niệm! Bởi khái niệm là phạm trù của tâm trí!. . . Niệm trước chưa có, niệm sau chưa khởi, thì cái thấy cái nghe, cái cảm nhận ấy là tức thì là trinh nguyên không huyễn ảo.

Này cháu yêu!. . . Khi giao tiếp người khác và giải quyết công việc, cái quan trọng là giữ được tâm tịnh không bị lời nói và hành động của người ấy lôi, không bị các biểu hiện của cái công việc ấy làm mất tự chủ!. . . thế thì lời nói và hành động của ta mới thích ứng được tình huống. Như vậy là tự do một nửa. Còn một nửa kia là tự do với chính mình!. . .với những khái niệm trong tâm trí mình!. . .

Này cháu!. .Nhờ ánh sáng chánh niệm và tỉnh giác nên không dính mắc vào các khái niệm. Nhờ luôn mở rộng cửa con tim đại bi, có cái đồng cảm sâu sắc với mọi người và pháp giới nên mọi sự là tức thì trực tiếp và nguyên sơ!. . .

 

Mô Phật!. . . Ông có lời cảm ơn cháu đã viết thư hỏi thăm sức khoẻ! Cháu cũng đã có lời hỏi về kinh nghiệm tu tập. Ông hy vọng những kinh nghiệm nhỏ này sẽ có ích cho người tân học như cháu.

 

GIÀ NĂM /30/3/2005