Hôm nay là ngày nghỉ cuối tuần. Mẹ cho Cu Tý cùng đi chợ. Nó được giao nhiệm vụ xách giỏ. Vừa bước tới hàng gà vịt đã có tiếng mời:

-          Mua vô mua vô! Gà ta đại hạ giá! . . . Cô xem đi gà ngon lắm! . . .Ối giời ơi, lại bỏ đi! . . . Này cô!. . . đây cũng gà ta, đấy cũng gà ta sao cô lại thích sang đấy là sao?
-          Dạ, tại đấy là chỗ quen, tuy có hơi đắt hơn ở đây nhưng không sợ nhầm gà giả! . . .
-          Giả là giả thế nào chứ! . . . Cô xem đây, cái lông, cái móng, cái dáng gà thấy là biết ngay gà ta , đố có trật! . . . Bộ cô không thấy hay sao? Cứ đi hỏi khắp cái chợ Cồn này xem đây có phải là gà ta không thì biết.
-          Dạ xin lỗi bác, Tôi nói chung chung vậy thôi! . . chứ đâu dám nói gà bác! . . Nói xong mẹ kéo Cu Tý sang chỗ quen.
-          Thưa mẹ làm sao mẹ biết là gà ta giả. Con thấy nó rất giống gà ta đâu có gì khác.
-          Thì gà ta đứt đuôi chứ gì còn gì nữa mà giống với không giống.
-          Thế sao mẹ bảo là giả.
-          Đấy là vì tuy nó là gà ta, nhưng bị nhốt vào chuồng và nuôi hàng loạt với thực phẩm chế biến. Do vậy thịt nó bở và không thơm nên gọi là giả. Giá nó rẻ bằng nửa gà thật nhưng người ta vẫn không muốn mua. Sở dĩ mẹ biết nó là gà ta giả vì thịt nó trông không rắn chắc, mào nó không đỏ tươi, nhốt chung với nhau cùng chuồng đông như vậy mà nó rất ngoan ngoãn chẳng hục hặc đấu đá nhau. Mấy chú gà trống thì chẳng gáy, thấy gà mái vẫn đứng im thin thít. Do chúng sống trong chuồng quen rồi nên chẳng hoạt động tìm lối thoát như gà ta thả rông khi bị nhốt. v.v. . Nói chung con gà ta nhốt chuồng ăn cám thì kém sinh động hơn con gà ta thả rông.
-          Thưa mẹ nó là gà công nghiệp phải không?
-          Được vậy còn quí. Tây chẳng ra Tây, Ta chẳng ra Ta mới đáng buồn. Nếu là gà giống nước ngoài, nuôi bằng thức ăn chế biến sẵn thì rất to con , nhiều thịt, nhiều trứng. Bởi vậy gà công nghiệp tuy thịt cũng bở, ăn cũng không thơm, trứng nó chất lượng kém hơn gà ta, nhưng được cái lấy số lượng bù chất lượng thì cũng được. Đằng này gà giống dân tộc lại bị nhốt trong chuồng, ăn cám bả của Tàu của Tây thì chất lượng đã kém mà cũng chẳng nặng cân hơn là mấy. Chất lượng đã không, cũng không nặng cân hơn, giá lại rẻ mới đáng buồn! . . .
-          Thế sao họ lại còn nuôi theo kiểu ấy làm gì?
-          Vì ham lợi, dễ quản lý, có thể nuôi hàng loạt lấy số đông,  có thể dùng thành phần hoá học của thức ăn để làm con gà thay đổi theo ý muốn, có thể đánh lận con đen với gà ta thật. Bởi gà ta thật giá rất cao. Nhưng có một lý do thầm kín khác quan trọng hơn là được cái tiếng có tinh thần dân tộc phù hợp với cái mốt thời thượng bây giờ.
-          Thưa mẹ tại sao gà ta tuy nhỏ nhưng lại đắt hơn gà công nghiệp và gà ta giả?
-          Tại thịt và trứng nó thơm ngon, đậm đà hơn. Nghĩa là hợp với khẩu vị của dân ta. Con phải biết quít ở vùng nầy ngọt, trồng qua vùng khác thì chua hương vị kém hẳn. Cộng rau, tất đất, cành cây ngọn cỏ cho tới núi sông trời biển đều có mối quan hệ hữu cơ với con người hay sinh vật sống nơi ấy. Chúng liên hệ mật thiết với nhau bằng cái hồn dân tộc như tình mẫu tử giữa mẹ và con. Cũng vậy người Việt ta thì hợp với những gì có cái hương thầm của dân tộc Việt.
-          Thưa mẹ tại sao thịt gà ta thả rông thì thơm ngon hơn gà ta nhốt chuồng ăn cám bả?
-          Tại vì nó được tự do chạy nhảy trên quê hương của nó nên thịt nó rắn chắc. Tại vì nó ăn con giun, con dế, cọng rau, hạt thóc từ đất mẹ sản sinh nên nó có cái mùi thơm dân tộc. Tại nó có cái quyền được đón gió mát muôn phương, tắm nắng mặt trời và vỗ cánh gáy bình minh nên hào khí trong người nó không mất! . . Tại nó tự do ăn nghỉ, có bạn tình và lưu truyền nòi giống nên cái chất gà ta trong nó không mất. Như con đi vào vườn hoa khắc hương thơm của hoa còn vương nơi quần áo. Tại con gà ta được tự do trên đất mẹ nên nó có cái mùi thơm đặc trưng của sông núi nước Nam ta! . . .
-          Thưa mẹ như vậy thì chẳng cần nuôi gà công nghiệp?
-          Không phải vậy, đất nước chúng ta chưa phải là giàu có, tầm vóc dân ta còn nhỏ bé, cần một lượng thịt nhất định để cải thiện chế độ bữa ăn và xuất khẩu, thì vẫn phải nuôi gà công nghiệp. Nhưng đừng vì thế mà làm mất giống gà ta rất thơm ngon của cha ông để lại. Và hơn hết đừng để người buôn bán lấy gà ta giả làm gà ta thật thì thiệt hại cho người tiêu dùng và nguy hơn cả là làm mất thương hiệu của con gà Việt Nam trên trường quốc tế.
 . . .
Thím Ba mua một con gà ta chỗ quen, ít đồ gia vị, thức ăn và rau. Xong Cu Tý xách gà, thím Ba xách giỏ thức ăn đi xích lô về nhà. Hôm nay Chú Ba Gàn mời cụ Tưởng Vậy và Hai Lúa tới nhà lai rai. Cu Tý vào bếp, đặt giỏ thức ăn vào chạn, xong nó chạy vù lên nhà trên. Sau khi chào các vị khách quí nó kể lại câu chuyện mua gà ở chợ và khoe rối rít với ba nó về việc nó có khả năng phân biệt gà ta thật và giả. Chú Ba Gàn nghe xong không nói gì chỉ im lặng thở dài.
-          Kìa Chú Ba! . . . có việc gì vậy?
-          Thưa cụ Tưởng Vậy, thằng bé nhà tôi và mẹ nó có thể phân biệt được gà ta thật và giả. Chứ còn tôi thì chịu không thể phân biệt được đâu là con gà Duỡng Sinh dân tộc thật, đâu là gà nhốt chuồng ăn cám bả của Tàu của Tây! . . .
-          Hề hề! . . . Quả đúng vậy! . . ..
-          Xin mời cụ và chú Hai dùng trà ! . . . .

MÂY/23/11/2004