Kinh là lời Phật dạy, hay nói cho đúng hơn là mọi biểu thị của Phật. Thế nhưng Phật là bản thể, là Tánh, là chân lý, là cái tối thượng, vô tướng, vô lượng nghĩa. Ứng hiện ở Phật sanh thân, ứng hiện ở vô lượng vô biên hóa thân Bồ Tát, hàm tàng trong mọi hiện tượng. Là bất định pháp, như một dòng chảy miên viễn, biểu thị thành “cái đang là” mà chẳng bao giờ thành một tự tánh cố định.

Thế cho nên KINH là tổng hợp mọi biểu thị của bản thể chứ không chỉ là một PHÁP nào đấy! Hay một TẬP HỢP PHÁP nào đấy!
Này Cỏ May.
Cho dù gộp toàn bộ Tam Tạng Kinh Điển cũng chưa phải là TOÀN KINH, mà chỉ là một biểu thị nào đấy của KINH. Cho dù gộp toàn bộ lời Như Lai nói ra và chư Tổ chấp bút lại, cũng chưa phải là THỂ KINH. Mà chỉ là hương, chỉ là hoa, chỉ là cái thoang thoảng, chỉ là phương tiện thiện xảo của Như Lai để người tu nương qua đấy mà trực ngộ TÁNH KINH!
Theo Nhật Liên Thánh Nhân ở Nhật và các cao tăng người Việt thì khi thực hành Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, ngoài việc áp dụng nghĩa lý của kinh vào cuộc sống, cái quan trọng là phải thông công nhận được điển quang gia trì với vị Phật hằng hữu bất sanh bất diệt gọi là Bổn Tôn Giới Đàn. Bằng cách thể nhập Mandala mà vị Bổn Tôn ấy ngự gọi là Bổn Môn Giới đàn. Phương tiện để thông công nhận được sự hộ niệm của vị Phật bất sanh bất diệt là Năng Lượng Giác ngộ và trì niệm đề kinh Pháp Hoa.
Do vậy, khi thực hành đề kinh Pháp Hoa với các chữ: NAM-MÔ DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH.
Thì Nam Mô là qui y, là hướng về, là nương theo, là Tu theo cái phương tiện này.
Còn các chữ: DIỆU, PHÁP, LIÊN, HOA, như là các Dalani và Linh Phù trấn ở đông, tây, nam, bắc, của Mandala giới đàn tâm linh Pháp Hoa.
Trong đó chữ KINH trấn ở giữa, ở Trung Ương Giới Đàn, tượng trưng cho bản thể.
Còn các chữ: DIỆU, PHÁP, LIÊN, HOA chính là DỤNG của thể thì ở bên ngoài chung quanh tạo thành thế Ngũ Hành.
Với cung Thổ tương ứng với chữ KINH nằm ở giữa giới đàn Pháp Hoa. Nó cũng chính là Thể hay Tỳ Lô Giá Na Tánh.
Mandala của giới đàn Pháp Hoa Bản Thể tương ứng với Đại Đàn Tràng của Ngũ Trí Như Lai. Cho nên:

1.    Nếu là THAI TẠNG MANDALA thì:

-      Chữ KINH tương ứng với PHÁP THÂN TỲ LÔ GIÁ NA PHẬT hay TÁNH của Thiền.

-      Chữ DIỆU: tương ứng với đức A Di Đà Như Lai, hay Diệu Quán Sát Trí của Thiền.

-      Chữ PHÁP: tương ứng với đức Bảo Sanh Như lai, hay Bình Đẳng Tánh Trí của Thiền.

-      Chữ LIÊN: tương ứng với đức Bất Không Thành Tựu Như Lai, hay Thành Sở Tác Trí của Thiền.

-      Chữ HOA: tương ứng với đức A Súc Phật, hay Đại Viên Cảnh Trí của Thiền.

Do vậy khi niệm đề kinh Pháp Hoa nhất tâm bất loạn, thân tịnh và tâm rỗng không, thì giống như thể nhập Phật trường của giới đàn Ngũ Trí Như Lai để thông công với đức Bổn Tôn của Bổn Môn Giới Đàn, tức vị Phật bất sanh bất diệt vĩnh hằng tối thượng, được gọi là Tự Tánh Tỳ Lô Giá Na Phật. Người tu Pháp Hoa cái quan trọng là thông công hợp nhất với đức Phật bất sanh bất diệt này gọi là nhập THỂ hay Khế Tánh.
Cái đấy gọi là được Phật Sở Hộ Niệm.
Biểu hiện của sự Hộ Niệm này, người tu chứng thì ai cũng biết cũng đã từng trải qua. Nó đa dạng và huyền nhiệm vô cùng mà người chưa chứng đắc việc này không thể tin được, vì không có gì làm căn cứ để chứng minh!
Trong các phương diện của sự Hộ Niệm từ đức Phật vĩnh hằng bất sanh bất diệt này. Cái rõ nhất là ĐIỂN QUANG hay HÀO QUANG hoặc NĂNG LƯỢNG.
 
- Thưa cụ, tôi nhớ có lần cụ bảo là phương vị đức Bảo Sanh Như Lai thì tương ứng với Diệu Quán Sát Trí. Còn phương vị của đức A Di Đà thì tương ứng với Bình Đẳng Tánh Trí, sao nay cụ lại nói khác đi?
- Này Cỏ May, trong Ngũ Trí Như Lai thì hành giả tu chứng trước tiên là Diệu Quán Sát Trí. Khi ấy thì tùy pháp của Bổn Sư mình, nếu ngài học đạo với vị Phật nào trước tiên thì gọi phương vị ấy là Diệu Quán Sát Trí. Ta vì thông công học pháp với đức Bảo Sanh Như Lai trước, nên ta thâm nhập đạo tràng Pháp Hoa từ phương vị của ngài, nên gọi phương vị ấy là tương ứng với chữ DIỆU và là Diệu Quán Sát Trí. Sau đấy ta tiếp tục thông công học đạo với đức Đạo Sư A Di Đà nên gọi phương vị của ngài là Bình Đẳng Tánh Trí. Tiếp theo đấy ta lại thông công học đạo với đức Bất Không Thành Tựu Như Lai và đức A Súc Phật, nên các phương vị ấy cũng tuần tự tương ứng với Thành Sở tác Trí và Đại Viên cảnh Trí.
Này Cỏ May, 4 vị Phật ở chung quanh: đông, tây, nam, bắc, đều là do đức Tỳ lô Giá Na hóa hiện mà thành. Bởi vậy tuy nói Ngũ Trí Như Lai, chứ thực ra chỉ có một trí mà thôi đó là Nhập Phật Tri Kiến. Còn các dạng Trí khác cũng chỉ là phương tiện thiện xảo của Như Lai và sẽ tùy thời thùy lúc, tùy theo từng người mà thay đổi đi chứ không cố định
Bởi vậy, đối với bổn môn thì cửa vào Mandala trước tiên là Bảo Sanh Như lai. Nên phương ấy tương ứng với Chữ Diệu của Diệu Quán Sát Trí.
Nay theo kinh pháp Hoa, dùng phẩm Hóa Thành Dụ, thì trước khi nhập Phật Tri Kiến, hành giả thường dùng pháp phương tiện là cõi Tịnh Độ của đức A Di Đà. Nên lúc ấy đối với riêng hành giả Pháp Hoa và những người tu Tịnh Độ thì cửa vào Mandala Pháp Hoa đầu tiên là cửa Đức A Di Đà trước, nên phương vị ấy tương ứng với Diệu Quán Sát Trí và theo đấy các phương vị kia cũng phải chuyển đổi tương ứng theo.
Này Cỏ May ta viết như vậy là để thuận theo cách tu của đại đa số người Việt là Tịnh Độ và Pháp Hoa.

Đề kinh Pháp Hoa với các chữ: Diệu, Pháp, Liên, Hoa, Kinh là sự bố trí phương vị theo ngũ-hành-khí-lực nếu nói theo Năng Lượng hoặc tương ứng với Mandala của Ngũ Trí Như Lai nếu nói theo Tịnh Độ.
Gọi là: Giáo Bồ Tát Pháp Chư Phật Sở Hộ Niệm, nghĩa là từ Tự Tánh khởi Dụng. Cái Lực làm Tánh hay bản thể biến thành Dụng chính là năng lượng hay là KHÍ. Cái ấy vô hình vô tướng ẩn tàng trong mọi sự và làm mọi sự biến hóa liên tục miên viễn không phút giây nào ngừng, nên Thiền gọi là: ĐANG LÀ. . .
Cho nên:

2.    Nếu là KIM CANG MANDALA thì:

Năng lượng Nhất Nguyên hợp nhất Âm Dương làm Cái Một hay Thái Cực hóa thành Ngũ Hành hay từ đức Tỳ Lô Giá Na Phật hóa thành 4 vị Kim Cang trấn chung quanh, an vị ở bốn phương đông - tây - nam - bắc của Bổn Môn Giới Đàn Pháp Hoa:

-      Năng lượng giác ngộ làm Tánh hay bản thể hóa thành Cái Một, hóa thành Nhất Nguyên, hóa thành Thái Cực, tương ứng với đức Tịnh Thân Kim Cang trấn ở Trung Ương Mandala Pháp Hoa.

-      Bảo Sanh Như Lai hóa thành Bình Đẳng tánh Trí và Quân Trà Lợi Kim Cang. Trấn ở phương Nam Mandala Pháp Hoa.

-      A Di Đà Như Lai hóa thành Diệu Quán Sát Trí và Lục Túc Kim cang. Trấn ở phương Tây Mandala Pháp Hoa.

-      Bất Không Thành Tựu Như Lai hóa thành Thành Sở Tác Trí và Bất Động Tôn Kim Cang. Trấn ở Phương Bắc Mandala Pháp Hoa.

-      A Súc Phật hóa thành Đại Viên Cảnh Trí và Hàng Tam Thế Kim cang. Trấn ở phương Đông Mandala Pháp Hoa.

Sau khi đắc khí hay đã thọ phép Quán Đảnh có kết quả với Guru của mình. Hành giả phải nhận được ân điển thiêng liêng từ chư Phật hộ niệm. Nếu thọ phép Quán Đảnh hay học Thiền Năng Lượng mà không đắc khí, không nhận được năng lượng giác ngộ do chư Phật hộ trì, thì chỉ là lý thuyết suông không có hiệu quả thực tiễn.
Hành giả nhất thiết phải nghiêm trì giới luật, giữ chánh niệm và tỉnh giác để tạo nền tảng vững chắc về Thân Tâm. Sau đấy mới nương theo thần lực của kinh Pháp Hoa với sự trợ lực và giám sát của Guru mình để thể nhập Bổn Môn Giới Đàn, thông công nhận ân điển hiêng liêng từ vị Phật hằng hữu bất sinh bất diệt là Bổn Tôn của giới đàn Pháp Hoa.
Sau khi đắc khí hay Thể Nhập Phật trường, hành giả Pháp Hoa dùng hóa thân đảnh lễ bốn vị Phật và 4 vị Đại Kim Cang trấn ở bốn phương đông - tây - nam - bắc của Mandala. Khi thông công với các vị Phật và Kim Cang này. Đối với mỗi phương hành giả sẽ thọ nhận ấn lệnh của vị Phật và vị Kim Cang tương ứng như là khởi thức để Mudra ban đầu ấy biến hóa thành vô lượng vô biên Mudra nên gọi là Mahamudra (Đại Thủ Ấn).
Khi nhập Thiền hành công, hành giả Pháp Hoa tam mật phải tương ưng: Thân mật, Khẩu mật, Ý mật phải đồng bộ và hợp nhất không được rối loạn:

-      Thân Mật biểu thị ở Mudra biến hóa liên tục.

-      Khẩu mật biểu thị ở đề kinh Pháp Hoa: Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Khi thể nhập giới đàn bổn môn mà trì niệm đề kinh Pháp Hoa sẽ tự thực chứng pháp Trăm Âm.

-      Ý mật biểu thị ở Mantra hay linh phù tự xuất hiện vẽ vào người, xuống đất, chung quanh và lên trời.

Tại mỗi phương vị của Mandala, hành giả Pháp Hoa phải luôn trụ vào trạng thái nhận biết tỉnh giác, còn hóa thân của mình (Bodhisattva) sẽ tự biểu thị qua khế ấn, động tác và linh phù . Mọi biểu thị thiêng liêng này đều do điển quang của chư Phật hộ niệm điều hành, nên gọi là: Giáo Bồ Tát Pháp Chư Phật Sở Hộ Niệm.
sau đây là tóm tắt những điều cần ghi nhớ khi nhận ân điển thiêng liêng thâm nhập Bổn Môn Giới Đàn còn gọi là Mandala Pháp Hoa:
 
Danh Hiệu: Đại Nhật Phật
Vị Trí: Trung Ương
Chủng Tự: OM
Chân Ngôn: Om Vairochana Om
Ấn: Chuyển Pháp Luân
Bộ: Như Lai Bộ
Trí: Pháp Giới Thể Tánh Trí
Chuyển Hóa Thức: Chuyển Hóa Thức Thứ Tám
Chuyển Hóa Ấm: Thức Ấm

Danh Hiệu: Bất Động A Súc Phật
Vị Trí: Đông
Chủng Tự: HUNG
Chân Ngôn: Om Akshobhya Hum
Ấn: Xúc Địa Ấn
Bộ: Kim Cang Bộ
Trí: Đại Viên Cảnh Trí
Chuyển Hóa Thức: Chuyển Hóa Thức Thứ Tám
Chuyển Hóa Ấm: Sắc Ấm

Danh Hiệu: Bảo Sanh Phật
Vị Trí: Nam
Chủng Tự TRAM
Chân Ngôn: Om Ratnasambhava Tram
Ấn: Thí Nguyện Ấn
Bộ: Bảo Bộ
Trí: Bình Đẳng Tánh Trí
Chuyển Hóa Thức: Chuyển Hóa Thức Thứ Bảy
Chuyển Hóa Ấm: Thọ Ấm

Danh Hiệu: Vô Lượng Quang Phật
Vị Trí: Tây
Chủng Tự: HRIH
Chân Ngôn: Om Amitabha Hrih
Ấn: Thiền Định Ấn
Bộ: Liên Hoa Bộ
Trí: Diệu Quán Sát Trí
Chuyển Hóa Thức: Chuyển Hóa Thức Thứ Sáu
Chuyển Hóa Ấm: Tưởng Ấm

Danh Hiệu: Bất Không Thành Tựu Phật
Vị Trí: Bắc
Chủng Tự: AH
Chân Ngôn: Om Amoghasiddhi Ah
Ấn: Vô Úy Ấn
Bộ: Nghiệp Bộ
Trí: Thành Sở Tác Trí
Chuyển Hóa Thức: Chuyển Hóa Thức Năm Thức (Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân)
Chuyển Hóa Ấm: Hành Ấm
Khi thực hành qua 4 cửa: Đông Tây Nam Bắc xong, Đại thủ ấn của 4 vị Phật trấn 4 phương hộ niệm, tự nhiên chuyển thành Tam Muội Ấn và hành giả Pháp Hoa từ Thiền Động tự nhiên tự chuyển qua Thiền Tịnh để thể nhập Tỳ Lô Giá Na Tánh.
Mô Phật, đến đây là giai đoạn bất tư nghì, vả lại cũng không được phép tự tiện nói ở đây!
Khi nào hành giả Pháp Hoa có cơ duyên được gặp Bổn Sư của mình, thì ngài sẽ khẩu truyền cách thực hành ở giai đoan cực Tịnh này tại Trung Ương đàn tràng.
Khi bắt đầu Thể Nhập Bổn Môn Giới Đàn, hành giả Pháp Hoa được ân điển thiêng liêng điều khiển tự xoay người di chuyển đến đúng phương vị trong Mandala. Năng lượng giác ngộ sẽ hút làm cơ thể tự ngồi xuống đất theo thế kiết già hoặc các tư thế đặc biệt khác. Sau đó cơ thể tự đắc khí đảnh lễ bằng hóa thân, thông công với chư Phật và chư vị Kim Cang trấn ở các phương vị, học đạo bằng Đại Thủ Ấn. Khi nào học xong với một vị, cơ thể tự nhiên đứng dậy xoay người theo lực xoắn lốc di chuyển đến phương vị tiếp theo. Khi thông công tu học xong ở 4 phương của Bổn Môn Giới Đàn, điển quang sẽ điều khiển hành giả xoay người với khế ấn Tỳ Lô thủ chắc ở hai tay, tiến vào Trung Ương Đàn Tràng. Tại nơi đây với sự giám sát của Vị A Xà Lê, hành giả Pháp Hoa với năng lượng dũng mãnh, nhận biết tỉnh giác an lạc, tự hành Thiền Định để thể nhập đại định (Samadhi) hợp nhất với Tự Tánh Tỳ Lô Giá Na Phật. Đó cũng là quá trình hợp nhất với chữ KINH hay bản thể sự vật.
 
Hành giả Pháp Hoa ngoài việc áp dụng nghĩa lý của kinh vào cuộc sống và việc tu học, nghĩa là thông về Lý, còn phải thông về SỰ nữa.
Đó là phải:

-       Đắc khí nhận được điển quang gia trì của vị Phật bất sanh bất diệt vô hình vô tướng là Tỳ Lô Giá Na Phật.

-      Tu học bằng Tam Mật tương ưng: Khế ấn của Pháp Hoa Hội Thượng Phật, của Như lai, của chư Bồ Tát Tùng Địa Dũng Xuất, của chư vị Kim Cang tùy lúc biến hóa trên tay. Trụ chắc tâm vào đề kinh: Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Đại Thủ Ấn sẽ nương Phật lực vẽ linh phù phối hợp.

-      Tu học và làm Phật sự với sự hộ niệm của chư Phật bằng Huệ lực và điển quang.

Này Cỏ May
Không dễ để chấp nhận những điều ta nói ở đây. Vì ngã mạn và vì cái đầu tâm trí. Than ôi! Từ ngàn xưa đã vậy, thì nay cũng đâu có khác!
Vẫn biết thế nhưng ông đã có lời hỏi chân tình. Ta cũng y theo cái tình thật này mà nói thế thôi!
Mô Phật, ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Nếu muốn biết chính xác ông hãy thưa hỏi điều này với chư Tăng Ni và chư vị Thiện Tri Thức, để các ngài ấy phát tâm chỉ dạy cho thì mới được.
 
Tưởng Vậy/16/1/2009