(Lâu đài cổ trên núi ở Japur/Ấn Độ)

Này Cỏ May, cái lưỡi chuyển động trong miệng như một cái công tắc điện. Khi ngậm miệng nó luôn chạm vòm họng trên do đó “Khí” di chuyển trong vòng châu thiên qua Nhâm Đốc mạch không bị đứt tại miệng.

Bởi vậy nếu ông nói quá nhiều thì năng lượng sinh học trong người bị đứt tại miệng và bị hao hụt đi.
 
Còn nếu ông nhận ân điển thiêng liêng (Bakti) thì dòng năng lượng giác ngộ bị đứt tại miệng nên các luân xa phía dưới từ ngực trở xuống (LX4, LX3, LX2, LX1) đều không được kích hoạt đả thông, do vậy người ấy có lời nói và hành động nặng về tâm linh, chưa tự nhiên, chưa thích ứng và phù hợp với đời.
 
Còn nếu ông chuyển hóa năng lượng dục thành siêu thức, thì luồng hỏa xà Kundalini cũng bị đứt tại miệng nên các luân xa 6 ở trán và 7 ở đỉnh đầu không khai mở được. Khiến năng lượng chỉ tác động đến thân mà không thể tác động đến phần tâm thức. Nên trí tuệ và bát nhã không thể phát sinh và biểu thị được.
 
Bởi vậy khi ngồi thiền thì nên ngậm miệng lại cong lưỡi đụng vòm họng trên, hay ít nhất cũng không mở miệng nói chuyện.
Còn trong cuộc sống để sức khỏe nâng cao, tuổi thọ kéo dài, trí tuệ phát triển thì nên ít nói. Người tu như ông thì chớ nên nói, khi cần phải nói thì hãy nói ít nhất và hãy niệm Phật hiệu trước khi nói để giữ tịnh.
 
Khi tiếp xúc người khác thì hãy yên lặng lắng nghe nhường phần nói cho người kia. Nếu người ta có hỏi mình thì hãy nói thế nào để sau đó người ta nói, còn mình thì yên lặng nghe.
Nếu ông trả lời câu hỏi người ta mà sau đó phải nói thêm rất nhiều lời, nói qua nói lại rất lâu, thì ông tự mình làm hao năng lượng, tổn Thần, mất hòa khí và sa vào hý luận.
 
Hãy yên lặng nghe mà đừng nói gì hoặc chỉ mỉm cười hay nói ít nhất để khêu gợi người kia nói thì mình khỏi phải nói. Người kia được nói nhiều, được dịp thể hiện, nên cái Tôi họ thỏa mãn, do vậy họ sẽ cho rằng mình rất dễ thương rất lịch thiệp dù mình chẳng nói gì!
 
Này Cỏ May, ông là người tu thì chỉ nên nói về chuyện đạo, chuyện tu tập, không nên bàn về quốc sự, không nên phê phán chê bai người khác, không nên tranh luận giành thắng thua, mà chỉ nên nói ít nhất khi buộc phải nói.
 
Nếu thấy người kia bắt đầu hơi khác ý, hai bên không đồng cảm với nhau thì nhất định phải lập tức đảnh lễ người ấy rồi kiếm cớ bỏ đi ngay. Không nên tiếp tục cuộc nói chuyện mà sinh ra mất hòa khí và sa vào hý luận.
 
Nên phân loại:
-        Người nào khi mình tiếp xúc thường khiến mình nói nhiều, người nào khi mình tiếp xúc thường xảy ra tranh luận cãi cọ đôi co, người nào khi mình gặp thường thấy không thoải mái gây ra bực dọc, thì tốt hơn đừng nên gặp. Khi đi thấy họ từ xa đi lại thì đã tránh đi chỗ khác rồi.
-        Nơi nào mình đến thường khiến phải nói nhiều, nơi nào mình đến thường gặp sự bực mình không thoải mái, thì tốt hơn kiếm cớ đừng đến chỗ ấy.
-        Người nào ở bên cạnh mình khá lâu mà không cần thiết thì chẳng bao giờ nói, không ba hoa chích chòe, không phê phán chê bai người khác, không tự khen mình, mà trái lại nụ cười yên lặng luôn nở trên môi. Thì đấy mới là người nên gặp.
-        Người nào ở bên cạnh thì mình thấy nhẹ nhàng yên lặng, thoải mái, gây được sự đồng cảm và rung động. Thì đấy mới là người nên gặp.
-        Nơi nào mình đến mà thấy mọi bực dọc đều tiêu tan hết. Cái yên lặng thấm đậm thân tâm khiến mình được nghỉ ngơi cả thể xác lẫn tâm hồn thì nên thường đến.
 
Này Cỏ May, ban đầu mà tập tịnh khẩu như vậy là rất khó. Nếu phải ở một môi trường hỗn độn phức tạp mà tịnh khẩu như vậy thường sẽ gây ra ép trí. Bởi vậy có thể xả bằng cách tụng kinh hay niệm hồng danh A Di Đà.
 
Nếu ông là người đã đắc khí thì thường ngậm miệng cong lưỡi lên vòm họng trên sẽ khiến ông thường trụ khí. Vì giữ được định và không đứt khí vận hành trong Nhâm Đốc mạch tại miệng.
Lúc ấy nếu ông yên lặng mỉm cười thì năng lượng sẽ biểu thị thành Thể Phúc Lạc.
Còn nếu ông luôn nhận biết tỉnh giác thì năng lượng giác ngộ sẽ khiến Thể Nhận Biết của thiền hiển thị trọn vẹn trong từng lời nói và hành động.
 
Này Cỏ May, khi người kia nói với ông, thì nó chỉ thấy cái thể vật lý của ông thôi, chứ làm sao nó thấy được “Con người thật” của ông được. Thế cho nên mọi phê phán, phẩm bình, công kích hay ca tụng đều đâu phải nhằm vào ông. . . Thế thì để ý làm gì! Nói lại làm gì! Phân trần làm gì! Hãy chỉ yên lặng mỉm cười như một người ngoài cuộc.
 
Này Cỏ May, cũng vậy khi người ấy nói. Nếu nó chưa tu chứng thì chỉ là cái miệng máu thịt của nó đang khua môi múa mép chứ đâu phải “Con người thật” của nó nói mà tranh luận, đôi co, cho mệt.
Cũng vậy khi ông muốn nói gì với ai. Hãy nhận biết tỉnh giác, trong sự đồng cảm sâu xa. Yên lặng nhìn thật sâu, cảm nhận thật sâu cái con người thật của người ấy, đấy là cái trạng thái đầy nhận biết và an lạc của người ấy rồi hãy nói. . .
 
Này Cỏ May, người có hiểu biết thì chỉ nghe và tiếp xúc với cái người đang nhận biết và phúc lạc của đối tượng. Nếu người đối diện chưa biểu thị là người đang tỉnh giác và phúc lạc với nụ cười yên lặng nở trên môi thì ông đừng nói làm gì. . . nói sẽ phí lời. . . sinh hiểu nhầm. . . dễ đưa đến đấu tranh mất hòa khí.
 
Cũng vậy để mọi người dễ đồng cảm với mình. Ông phải luôn nhận biết tỉnh giác và tràn đầy phúc lạc. Nếu không nhất định ông cũng đang hiểu nhầm mọi người, nên mở miệng ra thì sẽ nói bậy và phạm lỗi. Do vậy thà ngậm miệng mỉm cười thân thiện còn hơn là khua môi múa mép.
 
Này Cỏ May, thực hành tịnh khẩu ở Thể Vật Lý. Chỉ nói khi Thể Nhận Biết và Thể Phúc Lạc hiển thị đầy đủ.
 
Không phải cố bắt chước giọng Thầy nói khi phát công để có Phật lực. Mà nếu làm được như trên, tự nhiên một ngày kia, lời nói của ông sẽ có Phật lực.
Đó là lời nói chơn thật (chơn ngôn), tự nhiên phát ra, tức khắc, tức thì, truyền cảm, ngẫu hứng, sáng tạo, phi tâm trí. Mô Phật, những lời chơn thật như vậy sẽ chỉ hiển thị khi đại thủ ấn (mahamudra) thông qua năng lượng giác ngộ tự vẽ mantra vào miệng, lưỡi và cổ họng.
 
Mô Phật, đây chỉ là kinh nghiệm riêng của bản thân ta và cũng chỉ là pháp đối trị cho riêng ông, một người nói quá nhiều mà thôi. Chứ áp dụng cho người khác chưa chắc đã đúng.
Chúc ông luôn yên lặng mỉm cười và chỉ nói khi tràn đầy nhận biết và an lạc.
 
Tưởng vậy/13/5/2008