- Này Cỏ May! . . .Trang nghiêm cơ thể, nhận biết “thân” thì đắc khí tại thân.

-          Sau đó nhận biết “ổ bệnh” thì năng lượng giác ngộ khắc tập trung về chỗ ấy. Tại vị trí ấy sẽ có các biểu hiện tê nóng , nặng, ngứa, ấm . . .v.v. . da thịt vùng ổ bệnh co giật nhẹ . . . Năng lượng giác ngộ đang giải toả ách tắc, điều hoà khí huyết, quân bình âm dương, nghĩa là đang gây các sự chuyển hoá để giúp “cái thân bệnh” ấy thăng hoa thành hết bệnh và tiến lên có cái sức mạnh về thể chất. Gọi là tập luyện chứ thật ra chẳng có cái gì như là tập luyện. Mà chỉ là “yên lặng nhận biết” các “sự biến dịch” . Nghĩa là sức điều khiển của năng lượng, để cơ thể thuận theo mà cùng trôi! . . . Do vậy mà tự hình thành các động tác và biểu hiện “đối trị”, dẫn đến việc lành bệnh và tăng cường sức khoẻ. . . . Đó chính là “thiền động” vậy! . . .
-          Này Cỏ May! . . Nhận biết đối tượng nghĩa là ta và đối tượng hợp nhất không phân hai!. . . Chẳng thể hợp nhất thể xác này và thể xác nọ! Chẳng thể hợp nhất “Tâm trí” này và “Tâm trí nọ”!. . .Mà sự hợp nhất sẽ xảy ra ở dạng năng lượng , ở phần hồn!. . . Này Cỏ May! . . . Cái gọi là “Thiên địa nhân đồng nhất”, cái gọi là “Cái Một”, cái gọi là “Như” hay “Thường” là chỉ sự xoá nhoà biên giới các “Cái Tôi”, xoá nhoà ranh giới các phạm trù, tiến đến sự bình đẳng vì đồng đẳng, vì cùng bản chất! . . .Tại sao có việc ấy? . . .Đó là vì vật chất khác nhau ở tướng mà đồng nhất ở mặt năng lượng! . . . Đó là vì vật chất khác nhau ở tướng mà đồng nhất ở mặt “siêu vật chất”!. . . Do vậy sự nhận biết và chứng kiến của thiền chỉ thật sự xảy ra khi người chứng kiến và đối tượng chứng kiến trùng với nhau làm “Một”. Hay nói cách khác sự nhận biết và chứng kiến chỉ thật sự xảy ra khi năng lượng nhận biết hội nhập với năng lượng đối tượng nhận biết!. . .Chẳng còn “Ta” và “Người”, mà chỉ còn năng lượng rung động! . . .Mô Phật!. . . Cái ấy người Khí Công gọi là điều khí đến “ổ bệnh”, điều khí đến “đối tượng” hay “đắc khí tại ổ bệnh”! . . .Này Cỏ May! . . .Năng lượng thì biến dịch chuyển động miên viễn chẳng lúc nào ngừng do vậy mà “vạn pháp” có tính “vô thường”, “ Vô pháp” có tính “thường”, còn Như Lai thì bao gồm cả “Vạn pháp “ và “Vô pháp”! . . . Như vậy “nhận biết” là lưỡi kiếm sắc bén chặt đứt mọi rào cản của “cái Tôi” khiến Ta và Người hợp nhất, khiến cái Một và Toàn Diện không chia lìa, khiến Phật và chúng sanh đồng tan trong bể giác! . . .
-          Do đắc khí tại thân, do có sự đồng nhất về năng lượng giữa “Người nhận biết” và đối tượng “Thân” nên có cái biết đúng đắn là “Thân này chẳng phải là Ta”. Này Cỏ May! . . .Rồi sau này khi đắc khí tại tâm, ông cũng sẽ có cái biết đúng đắn là “ Tâm trí này cũng chẳng phải là Ta” như vậy!. . .
-          Chẳng phải các bài tập của liệu trình A đã giúp ông chứng kiến các hoạt động thích ứng tình huống phi tâm trí đó sao?. . . Ông đã chứng kiến các minh hoạ sinh động về “Có việc làm mà không có người làm”!. . . . Nhờ đó ông giải thoát khỏi sự đau khổ về bệnh tật và sự dính mắc vào “Thân”. Thế nhưng vẫn chưa đủ. Ông còn phải đắc khí tại “tâm”, điều khí đến các “ổ bệnh” ở tâm, yên lặng nhận biết các sự chuyển hoá nơi tâm bệnh để nương theo biến dịch mà có lời nói, hành động, và các biểu hiện đối trị với tâm bệnh. Thế thì ông sẽ có dịp chứng kiến các lời nói và hành động tức khắc, tức thì, phát xuất từ cái nhận biết trinh nguyên chứ không phải từ cái lệ thuộc nhận biết!. . . Thế thì ông sẽ có dịp được sống trong cái "tâm yếu" sờ sờ, khi niệm trước đã bặt mà niệm sau chưa khởi!. . . Thế thì chẳng những lành tâm bệnh, đạt trạng thái giải thoát mà còn thể  nhập trạng thái “Vô ngã”! . . . mà còn “ thể nhập tánh ”, hợp nhất với trời đất và pháp giới ở trạng thái năng lượng nên có cái tự nhiên biết toàn diện gọi là “giác”.
-          Ông đã hỏi làm thế nào để “Đắc khí tại tâm”? . . Làm thế nào để điều khí đến “Ổ bệnh” tại tâm để lành tâm bệnh và tạo ra sự thăng hoa chuyển hoá tâm thức về hướng giác ngộ?
-          Mô Phật!. . . Ông đã có kinh nghiệm và sự thành công khi điều khí trị lành thân bệnh. Nay ông hãy áp dụng kinh nghiệm ấy vào phạm trù “tâm” như đã làm ở phạm trù “thân”. Đó là:
“Dụng tâm quán tâm” hay nhận biết bản tâm thì sẽ đắc khí tại tâm. Sau đó điều khí đến ổ bệnh tại tâm là các “vọng niệm” bằng phương pháp “Tri vọng”. Khi năng lượng của “nhận biết” đã đủ mạnh sẽ gây các sự thăng hoa chuyển hoá nơi “vọng”, gọi là các biểu hiện “đối trị”. Quan trọng là hành giả phải yên lặng nhận biết, cảm nhận cho được sự tác động của năng lượng nhận biết để nương theo thực hành các biểu hiện đối trị tâm bệnh bằng lời nói và hành động. Cứ như vậy cho đến khi không còn “Vọng” nữa thì tâm thức cũng biến mất vì tâm thức chẳng qua là phạm trù duy danh giả lập của “Vọng”.
-          Xin cho một thí dụ minh hoạ?
-          Như ông có tính sân hận và muốn diệt trừ nó. Đầu tiên ông “Dụng tâm quán tâm” để đắc khí tại tâm. Nghĩa là tâm sẽ định và đầy nhận biết. Giai đoạn này nếu ông quên nhận biết sẽ bị hôn trầm. Còn nếu ông khởi niệm, năng lượng sẽ làm ông bị chuyển động tự phát. Này Cỏ May!. . Hôn trầm hay chuyển động tự phát trong giai đoạn này là phạm điều cấm kỵ!. . .Sau đó ông “Nhận biết mình đang có sự sân hận”. Khi sức mạnh của sự nhận biết đã đủ thì “sân hận” sẽ bắt đầu thăng hoa chuyển hoá theo hướng giác ngộ để trở thành từ bi! . . . Ông hãy yên lặng cảm nhận sức mạnh của năng lượng nhận biết điều khiển, để lời nói trở thành ái ngữ và chánh ngữ, hành động trở nên đầy yêu thương!. . . Đó chẳng phải đối trị với “sân hận” là gì? Đó chẳng phải thăng hoa chuyển hoá tâm thức về hướng giác ngộ là gì?!. . . Này Cỏ May!. . .Đối với các vọng khác của tâm trí cũng làm như vậy!. . . Nếu các biểu hiện khi tập khí công là do năng lượng tác động, ông chỉ nương theo để thuận tự nhiên hiển thị. Thì nay khi “Dụng tâm quán tâm” tri vọng, các biểu hiện đối trị qua lời nói và hành động cũng tự xuất hiện, ông cũng yên lặng nhận biết để thuận tự nhiên hiển thị như vậy!. . .Cái đấy gọi là "Biết như thật nên sẽ làm như thật" vậy!. . . .
-          Thế cho nên gọi là có hành động làm mà không có người làm!. . .Thế cho nên gọi là sức mạnh của nhận biết!. . .Khi ấy mọi thứ biến mất vì đều thăng hoa chuyển hoá để thành rỗng không!. . . Thế mà cái tự nhiên biết lại vẫn còn, ngày càng sáng rỡ và toàn diện! . . .
-          Kỳ diệu thay!. . . Không có người biết mà lại có cái “Tự nhiên biết”!. . Thế cho nên không thể gọi là “Biết” cũng không thể gọi là “Không biết”!. .
-          Hề hề!. . . Vì tình quen biết bấy lâu, ta cho ông dây thừng và cây roi này để chăn con trâu đực. Khi nó quen rồi thì bỏ roi và dây đi!. . .

 YÊN TỬ/11/3/2005