1. Khi nấc thang xã hội càng cao mặt nạ càng dày hơn. Khi lên đến cực cao thì ngay mặt nạ của mình cũng có thằng khác mang hộ, còn mình thì ẩn sau lưng nó.

2. Hạ mình đến cùng cực chính là muốn ngồi ở chỗ cao nhất. Nếu không cứ tự nhiên việc gì phải khiêm tốn.

3. Con đầu đàn dành tất cả con cái và thức ăn cũng như chỗ ở tốt. Khi tính “con” nhiều hơn tính “người” thì con người ấy cũng thể hiện như vậy ở xã hội.

4. Khi mọi người chung quanh đang đói. Bạn có cái bánh. Nếu bạn để ăn riêng bạn sẽ bị giết chết. Nếu bạn dấu kín không ăn thì có cũng như không. Nếu bạn cho hết bạn sẽ chết đói. Bạn nên ném cái bánh cho đám đông để họ giành nhau, lúc ấy bạn sẽ có cơ hội ăn phần nhỏ xíu dành cho mình. . . . 
Hề hề. . .nếu chẳng may bạn có khả năng về tâm linh thì bạn cũng nên làm như vậy.

5. Suốt ngày bạn sửa hình mình cho đẹp để đưa lên phay mà không hề rèn luyện cơ thể. Nó cũng giống như bạn bận đi tìm hạnh phúc ở cảnh giới khác mà quên tạo dựng nó ở gia đình mình.

6. Người mê tín là người cường điệu việc phấn đấu để luôn chánh tín. Nếu không mê thì cứ tự nhiên, việc gì phải cố thể hiện mình đang “chánh”.

7. Cuộc sống có động lực khi bạn có mục tiêu. Nhưng cuộc sống có hạnh phúc khi mục tiêu chỉ là trò chơi.

8. Bạn từ đâu tới quan trọng gì chứ? Bạn đi đâu mới là quan trọng. Đi đâu thì dính dáng gì đến hạnh phúc chứ? Thái độ và cảm nhận khi bạn đi mới tạo ra hạnh phúc.

9. Từ Bi Hỷ Xả thì khi áp dụng phải ngược lại nghĩa là Xả Hỷ Bi Từ. 
Đầu tiên bạn phải buông bỏ cho sạch tâm trí (Xả)
Sau đó bạn mới vui vẻ và hết bực tức (Hỷ) 
Nhiên hậu bạn mới có thể thương người kia do không hiểu đạo mà làm sai, nên mình không thị phi với họ mà sẳn lòng giúp họ (Bi).
Cuối cùng thì mình mới cư xử bình đẳng với người đã nói xấu hay thị phi với mình được (Từ).
Nếu bạn làm ngược lại thì hơi khó thành công.

10. Nếu tụng kinh mà bạn cố ý tụng cho hay thì bạn sẽ mất tự nhiên và do vậy nó là hát chứ hổng phải tụng. Tụng kinh thì tiếng pháp âm, tiếng chuông tiếng mõ, tư thế động tác. . .v.v. . .phải có tính thiền là yên lặng, nhàn, thoải mái, tự nhiên. . .Tuy có âm thanh mà âm thanh không gây ồn không gây cường điệu về tâm linh. . .Nó là phương tiện để hành giả tương giao hội nhập với thiêng liêng. Đừng nhằm qua tụng để độ người khác. Việc ấy dành cho chư tăng, còn bạn thì nên tự giác còn chưa xong đừng vội giác tha.
Tụng kinh mà người khác nghe bị buồn là sến là gây cảm thọ cho người khác. Tụng kinh mà bạn cường điệu nhạc cụ phối hợp thì sẽ giống như tuồng hát gây mất tịnh cho người nghe, xáo động và rối loạn trường năng lượng thiêng liêng.
Tụng kinh hiệu quả thì càng tụng, mình và người hữu duyên nghe được, càng nghe càng tịnh, càng nghe càng đi dần về yên lặng. 
Không phải mình chưa hiểu hết kinh thì tụng không linh. Nó là pháp âm, là diệu âm. . .v.v. . . Không cần bạn hiểu, khi tụng đúng cách, bạn vẫn có thể tương giao với thế giới thiêng liêng qua năng lượng siêu nhiên. Còn nếu bạn hiểu kinh thì bạn được thêm cái lợi là biết cách áp dụng kinh vào cuộc sống của bạn.
>>>

Vào núi chơi
***
Cọp đi chơi ta cũng đi chơi
Chim bay trên trời, ta cũng bay trên đời
Ta đi về phía rừng, rừng chạy về phía ta
Trong rừng có lá có hoa 
Ta là bụi đất
Phật và Ma đều cần ta
Hề hề. . .