1. Kiểm soát giọng nói và trạng thái khi nói sẽ làm hình ảnh của bạn trong mắt mọi người ngày một tốt hơn. Điều ấy cũng có nghĩa thành công của bạn sẽ nhiều hơn và sự chống đối cũng giảm đi. Nói ít nhưng nội dung và thông tin chứa trong câu nói nhiều hơn. Thì sự kính trọng của mọi người dành cho bạn ngày một nhiều hơn. 
Hề hề. . .Nói với người đời còn vậy huống hồ là nói với thần linh khi tụng kinh và cầu nguyện.

2. Khi bạn hứa điều gì thì phải thực hiện nó hết lòng. Nếu bạn thường hứa mà không làm sẽ làm mất niềm tin nơi người khác. Khi đó đi chơi vui vẻ thì họ đi cùng nhưng bàn về làm ăn tiền bạc thì không ai dại gì mà bàn với người mà mình không chút tin tưởng. Còn tự hứa với chính mình mà mình lại thất hứa không làm, thì người ấy không thể tu được.

3. Quan tâm tới mọi người. Trước tiên là người thân trong gia đình sau đấy là đồng nghiệp trong công ty. Việc gì có thể giúp thì vui vẻ giúp không nề hà không kể công. Điều gì tha thứ bỏ qua được thì cứ bỏ qua. Mọi người quanh bạn tin tưởng thương yêu thì dù bạn có làm việc nghiêm túc cũng không ai nói bạn khắt khe. Khi bạn thất bại mọi người sẽ chung tay giúp đỡ. Hề hề. . .Không cứ gì người đời, Ma Quỉ và Thần Linh cũng cần đến sự giúp đỡ của bạn. Hãy qua tâm đến mọi người và xem pháp giới nầy như gia đình thân thiết của mình. Bạn cúng cho Thần Linh thế nào thì bạn hào phóng và quan tâm đến mọi người chung quanh cũng y như vậy, bởi vì ai cũng có Phật tánh bên trong.

4. Bếp lửa thì hơi ấm tự lan ra chung quanh. Hoa sen thì hương thơm tự tỏa ra chung quanh. Bạn là người vui vẻ lạc quan thì sự hưng phấn và thú vị ấy sẽ tự lan truyền ra chung quanh, dù rằng bạn chẳng cố truyền. Bởi vậy trước khi bạn nguyện độ sanh hay hoằng dương chánh giáo thì hãy là một con người thú vị, hãy là nguồn vui để sự lạc quan tự lan tỏa trong gia đình và cơ quan mình làm cho cuộc đời nầy bớt khổ đi.

5. Kẻ phàm phu sẽ biến mọi chuyện thành tranh cải. Người tu thì dừng ở mức độ thảo luận. Còn người có thiền vị thì dùng thiền ngữ và thiền cơ để tạo đồng cảm mà chẳng cần đến thảo luận. Căng thẳng và bất đồng quan điểm kéo dài sẽ biến thành kẻ thù của nhau. Đồng cảm trong thời gian dài sẽ biến thành bạn nhau. Người thường đã vậy, người tu còn cần phải dè chừng việc nầy hơn nữa.

6. Hạ thấp người khác để nâng mình lên là trò tiểu nhân. Cố ý khiêm nhường hơn mức bình thường là lừa gạt người đối diện. Ngày nay xã hội đã văn minh hơn xưa rất nhiều. Các kiểu hành xử như vây là tự làm mình tổn thương và thường không thu được kết quả gì. Hãy sống như chính mình, thành thật, trần trụi và đó chính là sự độc đáo duy nhất một của mình không ai có thể so sánh được, cần gì phải màu mè cường điệu chứ?

7. Từ ngữ trong câu chế nhạo là lời lẽ cay độc nhất và sẽ tạo ra kẻ thù. Cho nên đừng đùa cợt hay châm biếm kẻ khác. Nếu có thể thì chỉ nên đùa và cười cợt chính mình. Điều ấy sẽ làm mình dễ bỏ tật xấu và người khác độ lượng với mình hơn.

8. Không quan tâm tới những bình luận ác ý và những lời công kích của kẻ khác về mình. Đó là dịp may hiếm có để mình thể hiện sự độ lượng và nhân cách cao thượng. Người kia càng nói xấu thì càng bị cô lập với mọi người và uy tín mình nhờ vậy mà được nâng cao hơn.

9. Đừng để mình bị áp lực bởi chính thành tích của mình. Hãy nói với mọi người đó là công sức chung của cả tập thể và mình hành xử y như thế chứ không cậy công. Điều ấy làm mọi người tôn trọng mình hơn, tạo điều kiện để mình thành công tiếp theo, chứ không hề làm giảm sút hào quang của thắng lợi.

10. Cư xử khéo léo, thích ứng tình huống mà không cần cố gắng. Tỷ lệ chất xám trong sản phẩm càng cao giá trị sản phẩm càng lớn. Nhưng ngày nay tỷ lệ cảm xúc, tỷ lệ nhân văn, văn hóa nghệ thuật trong sản phẩm còn quan trọng hơn tỷ lệ chất xám. Cho nên hãy đưa cách tu về với thiên nhiên và hòa nhập với dòng chảy của tự nhiên. Cho nên hãy gặp thượng đế nơi con tim mình và hãy chứng ngộ thành người nghệ sĩ tâm linh làm bạn với mọi loại chúng sanh trong lục đạo luân hồi. Hãy rong chơi trong luân hồi. Không có luân hồi thì lấy gì vui chơi, thì biết chơi ở đâu chứ? Đừng cường điệu việc tu, nó cũng là đời kiểu khác thôi mà. . .hề hề.. . .