1. Quá khứ bóp méo hiện tại và tương lai cũng chỉ là quá khứ mà bạn đã sửa đổi lại theo ham muốn của mình mà thôi. Quá khứ và tương lai làm cho thực tại khách quan mà bạn nhận thức bị sai đi. Cho nên muốn thích ứng tình huống thì bạn chỉ nên phản ảnh thực tại, chứ không đáp ứng nó qua tâm lý chủ quan đang bị quá khứ và tương lai thống trị. 

2. Bạn chỉ cần không giả tạo và hiện hữu trần trụi trong giây phát hiện tại thì bạn sẽ tự nhiên thích ứng mọi tình huống.

3. Hãy nhìn cuộc đời mà không kết án hay ca ngợi nó. Những sự ghi nhận được qua giác quan như là file gốc lưu trong não bạn. Sau đấy bạn có thể hồi tưởng lại và cảm xúc hóa hay nghệ thuật hóa nó mà không bao giờ ảnh hưởng đến sự định tâm của bạn. Bởi sau đó bạn sẽ chủ động bỏ nó đi và chỉ giữ file gốc. Làm như vậy gọi là “diệu quán sát trí” của thiền.

4. Nếu nhìn cuộc đời mà bạn bị nó lôi đi. Các cảm xúc mà bạn có được qua tiếp xúc với cuộc sống làm cho bạn nghĩ rằng đó là sự thăng hoa của tâm hồn thì bạn đã lầm. Nó chỉ làm tâm bạn bị phóng thể nghĩa là rời xa gốc. Và như vậy trong thiền bạn bị tha hóa chứ không phải thăng hoa tiến hóa về phía chân thiện mỹ. 

5. Nếu bạn chỉ chứng kiến thế thì phải không có vấn đề chọn lựa. Thế thì nhận biết vô chọn lựa nảy sinh trong bạn. Và đó là yếu chỉ của “diệu quán sát trí”. Cảm xúc và nghệ thuật chỉ là trò chơi của người tâm linh vì họ bao giờ cũng giữ file gốc chứ không phải là cái hình đã dùng phầm mềm sửa đi rồi. Cho dù phần mềm ấy là tối thượng pháp của các bậc thánh nhân.

6. Một đề toán sai thì không thể có đáp án đúng cho nó. Cho nên người thầy không nhằm giải quyết vấn đề của bạn, vì cái vấn đề ấy thực ra không phải là vấn đề của “con người thật” bạn. Rất nhiều khi nó chỉ là nhu cầu của đám đông phản ảnh qua bạn mà thôi. Cho nên người thầy thực sự chỉ có một việc là làm bạn quay về với con người thật của chính mình trước đã, trước khi giải quyết vấn đề của bạn bây giờ. Cho nên chữa bệnh cho bạn chỉ là phương tiện, hề hề. . .nó chưa bao giờ là thực pháp.

7. Khi học thầy thì bạn tuyệt đối phải im lặng, đồng cảm và tin cậy. Nó không bao giờ thông qua thảo luận, tranh luận, để tìm ra cái đúng, nó không phải là khoa học, nó là tâm linh, nó là tình yêu. Mà trong tình yêu, khi 2 người gặp nhau thì không còn 2 người, mà chỉ còn tình yêu. Nếu bạn tìm thầy học đạo mà bạn học đạo với tinh thần khoa học thì bạn lầm rồi đấy. Hề hề. . .Nó chẳng khác gì bạn yêu người yêu bạn với tinh thần khoa học chính xác vậy. Nó biến bạn thành trò cười lố bịch! 

8. Khi bạn xa rời tâm lý đám đông. Bạn là chính bạn. Bạn là một mình. Một mình trên đỉnh cô đơn. Đột nhiên bạn hợp nhất với cái toàn bộ. Và đó chính là lúc bạn “ngộ” hay gặp được thầy mình. Dù thầy mình ngày nào bạn cũng ở gần, ngồi gần, hay đi chơi cùng. . .v.v. . .Nhưng thật ra chỉ đến lúc ấy bạn mới gặp vị thầy tâm linh thực sự của mình. Điều ấy gọi là “ngộ” hay Satori.

9. Tâm linh không có nghĩa là ngược lại với duy vật. Nó chẳng liên quan gì tới việc phải từ bỏ cái gì. Nó đơn giản chỉ là bạn không bị đồng nhất với mọi thứ mà bạn thấy biết. Bạn luôn là chủ thể thuần khiết của mọi sự.

10. Tâm linh là cuộc sống theo chiều sâu của nội tâm tiến tới chiều sâu tối thượng. Chỉ cần bạn luôn biết mình là ai, thì bạn hoàn toàn có khả năng tận hưởng mọi thứ một cách mãnh liệt hơn, toàn bộ hơn, sống một cuộc đời đích thực và cống hiến toàn bộ sức mạnh thể xác và tâm hồn cho sự sáng tạo đích thực. Bởi vì nếu bạn không hạnh phúc ở ngay cuộc đời nầy, tại ngay giây phút hiện tại nầy, thì bạn tu học làm gì chứ? 
>>>

Chảy. . .chảy mãi không ngừng. Reo vui và về hợp nhất với đại dương mênh mông.