1. Buổi sáng, trước khi bước xuống giường, ta đều luôn đọc thầm một lần câu thần chú của mình: “Ba Gàn hôm nay mầy muốn sướng hay muốn khổ? Nếu mầy muốn sướng thì chỉ nghĩ đến những điều tốt đẹp vui vẻ và sống với nó. Còn muốn khổ thì cứ làm ngược lại”.

2. Tiết kiệm nhất là làm ngay. Nhưng khôn ngoan nhất, là khiến người khác khả năng hơn mình, làm ngay việc ấy vì quyền lợi của họ.

3. Suy nghĩ tất cả những điều bạn muốn nói. Nhưng đừng nói tất cả những điều bạn đã suy nghĩ. Tốt hơn hết là khôn khéo biến ý riêng của mình thành ý tập thể và để tập thể nói thay mình. Người khôn thì thấy như ngu. Có như thế mới phát huy được sức mạnh của mọi người, hiệu quả mới to lớn hơn và đa dạng phong phú hơn là chỉ một mình mình tự làm.

4. Đừng dùng sai lầm nầy che giấu sai lầm khác, sai lầm sẽ ngày trầm trọng hơn và bạn sẽ thất bại không thể hồi phục. Người dưới thì nhận lỗi và sửa lỗi. Nhưng người lảnh đạo thì không thể nhận lỗi mà chỉ nhanh chóng sửa lỗi. Nếu người lảnh đạo mà nhận lỗi công khai, thì thiên hạ sẽ nghi ngờ mọi hành động của mình kể từ bây giờ. Người đứng đầu biết lỗi, sửa lỗi, nhưng không bao giờ nhận lỗi.

5. Các sự va chạm đều xảy ra với người ngang bằng nhau. Cho nên muốn tránh va chạm với người nào đấy. Tránh mặt không phải là biện pháp hay vì ảnh hưởng đến công việc. Còn chỉ lễ phép và khiêm tốn thì chưa đủ. Bạn còn cần phải có tiền bạc, địa vị, uy tín, tài năng. . ..v.v. . hơn người ấy mới được. Cho nên tránh va chạm hay nhất là vượt lên trên đối thủ chứ không phải cải cọ hay thị phi.

6. Huyền bí có 2 loại:
-Loại thứ nhất: không biết vì sao nó lại hiệu quả.
-Loại thứ 2: làm ra vẽ “huyền” thì người ta sẽ “bí”.

7. Con tim là con mắt nhưng không bao giờ nhắm lại. Cho nên con tim luôn thấy mọi sự, luôn tương tác mọi sự và luôn tạo ra cảm xúc thật dù là lý trí có khi không đồng ý. Con tim thấy bằng cảm xúc chân thật. Còn con mắt có thể tạo ra cảm xúc không thật. Thế cho nên, khi hôn nhau người ta nhắm mắt lại và khi cầu nguyện cùng thượng đế người ta cũng nhắm mắt lại. Việc ấy là nhằm được rung động bằng cảm xúc thật.

8. Người học đạo được nhiều người theo thì sẽ. . làm cao. Khi được một người theo thì sẽ. . . làm dáng. Khi không còn ai theo thì sẽ. . .làm thơ. Khi người ấy chạy theo thiên hạ thì sẽ . . .làm du lịch tâm linh. . .hề hề. . .

9. Phép toán vui:
Heo = Ăn + Ngủ
Người = Ăn + Ngủ + Đi làm + Chơi
Vậy:
Người = Heo + Đi làm + Chơi
Từ đó ta suy ra:
Người – Chơi = Heo + Đi làm
Có nghĩa là người mà không biết đi chơi = Heo đi làm
Hề hề. . .Đây là phép toán vi diệu mà tớ học được từ một con ma. Nếu bạn có chửi thì chửi cái con ma đã dạy.

10. Trẻ con cải nhau, đánh nhau, hứa không chơi với nhau nữa. Nhưng chỉ lát sau chúng lại cùng nhau cười đùa và lại chia sẻ đồ chơi. Đấy là vì đối với trẻ con vui vẻ quan trọng hơn lòng tự trọng. Lão Tử đã dạy trong Đạo Đức Kinh: “Luyện khí chí nhu, năng anh nhi hồ?”. Nay chư huynh là người luyện khí mà lại để lòng tự trọng nặng hơn vui vẻ sao?!
>>>
Lá mùa thu