1. Mọi tôn giáo và mọi nền văn hóa đều dạy bạn đừng nói dối với người khác. Nhưng thật ra nói dối mà tưởng là nói thật đó mới là điều tệ hại nhất. Nhiều khi mình nói, mình làm những việc mà mình biết là dối trá. Nhưng nói mãi, làm mãi, rồi có nhiều người tin theo. Bấy giờ mình lại tự mê hoặc chính mình rằng, nếu đó không phải là chân lý thì sao nhiều người lại nghe theo như thế. Dối trá bây giờ đã trở thành chân lý. Lúc bấy giờ, mình nói và hành động như là sống theo một lý tưởng cao đẹp. Than ôi, mình đã giả dối với chính mình mà mình không hay. Và đó là phép phù thủy “chân lý hóa” những điều dối trá.

2. Lời kinh không phải là sản phẩm của “ngã thánh nhân”. Cho nên nó có quyền cứ lập đi lập lại. Nó có nội dung và nó không có nội dung. Nó có nội dung ở mức độ thô trọc và không nội dung ở mức tế vi huyền nhiệm. Bởi vậy nó có thể được diễn giảng để làm theo như là các chuẩn mực về đạo đức và nghệ thuật sống. Về huyền vi, lời kinh chỉ là “âm thanh không nội dung” mà những tần số rung động của âm thanh ấy sẽ tạo ra sự kết nối với trạng thái nhập thần, khiến người nghe có thể tạm xa rời sự nô lệ của tâm trí, thể nhập vào biển năng lượng của vô vi.
Bởi vậy nếu chỉ hiểu kinh về nội dung và cho rằng nó chỉ là một sản phẩm của trí tuệ con người, thì người ấy chưa biết gì về tâm linh.

3. Khi một người thầy tâm linh giảng pháp thì cũng thế. Lời ngài có nội dung và không có nội dung. Có nội dung là để môn sinh có thể hiểu được và làm theo các chuẩn mực về đạo đức và nghệ thuật sống. Và không có nội dung là phần tế vi huyền nhiệm. Khi ấy âm thanh lời nói của vị thầy tâm linh không có nội dung gì, nếu có cũng là phi khái niệm và phi logic nên không thể hiểu bằng tâm trí. Tuy thế, tần số rung động của âm thanh sẽ tác động. Làm người nghe kết nối với thế giới vô vi, nhận được năng lượng gia trì vô hình vô tướng, tạo ra các hiệu quả về sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần. Và nếu đủ cơ duyên sẽ tạo “ngộ” hay satori nơi người trò, nếu người trò đã đủ điều kiện. 
Bởi vậy đến gặp một vị thầy tâm linh, mà chỉ nghe bằng cái tai máu thịt, rồi dùng tâm trí phán xét đúng sai thì thật là uổng phí.

4. Nếu lúc nào bạn cũng nhận biết bằng tâm trí, bạn sẽ căng thẳng. Nên cơ chế bảo vệ, sẽ làm bạn rơi vào “vô nhận biết”. Cho nên “vô nhận biết” là nghỉ ngơi cần thiết khi bạn tu thiền chưa đúng. Và bởi vậy, bạn sẽ không bao giờ khắc phục được tình trạng thất niệm, không ai làm được việc nầy cả, nếu vẫn tu bằng tâm trí và cố gắng. Bạn phải biết “nhận biết” và “chứng kiến”chỉ là trạng thái phản ảnh tự nhiên của tâm trước sự vật, khi nó đã được tịnh hóa, chứ không thể thực hành nhận biết một cách rốt ráo được. Đó là cái sai hài hước và nguy hiểm. . .hề hề. . .

5. Bóng tối rât sâu và yên lặng. Trên bề mặt cuộc sống, ánh mặt trời ban ngày tráng một lớp cực mỏng, chói chang và xôn xao. Vô nhận biết và bản năng rất sâu, sâu vô hạn và cực yên bình. Trên bề mặt của tâm trí, ánh sáng của nhận biết tráng một lớp mỏng manh nhưng chói chang và xôn xao. Đó là sự tự nhiên của môi trường sống và sự tự nhiên của tâm trí con người. Khi bạn không chọn lựa, khi bạn biết tùy thời tùy lúc thưởng thức cả hai trạng thái, bạn liền hạnh phúc.

6. Mọi nghi thức trong tâm linh đều nhằm phá vỡ lớp ngăn cách mỏng manh giữa cái “ngã cá nhân” và “cái toàn thể vô ngã”. Bởi vậy thân và tâm phải hướng tới yên lặng cùng cực và biểu thị trong buông xuôi. Nếu không phải vậy nó sẽ tạo ra “ngã cá nhân” và “ngã thượng đế” và mê tín có đấy, cho dù là lễ lạy hay trà đạo.

7. Thấy có thượng đế trong sự sự vật vật, bạn là người mật tông. Thấy chính mình trong sự sư vật vật, bạn là người tu thiền. Còn không cố gắng thấy cái gì cả, vui sống hồn nhiên và sử dụng moi thứ tùy thời tùy lúc, bạn là người tự do (moska).

8. Cảm nhận mọi vật bình thường thành có hào quang và có cánh để thấy cuộc đời nầy đẹp hơn. Đó là một kiểu tự kỷ ám thị nhằm thiêng liêng hóa mọi sự, chứ không phải thiền. Nó là “tưởng uẩn”. Người sống thiền, thấy sự vật “như chính nó” và bạn vui vì tâm mình thường tịnh. Đó là cái vui bản chất, tự nhiên nó thế. Niềm vui ấy còn không có nguyên nhân, huống hồ thiêng liêng hóa cuộc sống để tìm vui sao?!

9. Bạn biết tới sự tồn tại, đầu tiên qua việc hợp nhất với biển năng lượng mênh mông của bản thể khởi dụng. Sau đấy là sự cảm nhận nhất thể, không còn sự phân lập giữa mình và cái toàn thể. Con đường trải nghiệm tâm linh nầy có thể đi theo 2 hướng: 
-Niềm tin, cầu nguyện và tình yêu (Mật)
-Nhận biết (Thiền)
Tuy là góc nhìn khác nhau, nhưng đều chung một đích nhắm tới. 
Ngày nay, có nhiều pháp môn kết hợp hai truyền thống ấy và KCDS là một trong các pháp môn ấy. Nó nhằm giúp bạn đơn độc trong tình yêu tối thượng với thượng đế lúc luyện công. Và nghệ thuật với sự nhận biết do thường tịnh, khi áp dụng ra xã hội để hành thiện giúp đời.
Việc kết hợp như vậy tạo ra cơ chế vận hành và sử dụng năng lượng thiêng liêng bằng sự nhận biết và tự chủ của bản thân hành giả.

10. Đối với truyền thống thiền năng lượng. Khi giải tỏa stress. Hãy để tâm trí tuôn ra ngoài bằng các chuyển động vô thức, bằng lời nói vô nghĩa hoặc bằng các cảm xúc như khóc, cười, ca hát. . .v.v. . . . Nó chẳng có ý nghĩa gì. Chẳng có nội dung gì. Cũng chẳng nhằm giải tỏa stress. . . Đơn giản nó để tâm trí chảy ra cho hết. Khi tâm trí chết đi, tự do sẽ nảy sinh. Và đó là giải tỏa stress một cách cơ bản để bạn không bao giờ tái bị stress. Lẽ dĩ nhiên cần có người giám thiền để nhắc nhở bạn đừng bị lôi khi sử dụng pháp môn nầy. Bởi bạn có khả năng vừa giải tỏa stress mà vẫn còn nhận biết. Đó là sự kỳ diệu. Nó như rừng trúc chuyển động theo chiều gió. Trên cao trăng đang soi sáng núi đồi. Trăng sáng cứ sáng mà rừng trúc chuyển động cứ chuyển động. Ánh trăng không hề cản trở sự chuyển động của rừng trúc. Trong KCDS, sự nhận biết cũng không hề cản trở các biểu thị giải tỏa stress. Và đó là cách giải tỏa stress mà không tạo ra stress mới.