1. Dù khéo nói, dù biết khen người và cố không va chạm, dù có công năng tốt, dù thường xuyên nói về Phật Trời Thần Thánh . . .v.v. . Nhưng nếu sống với tâm nhỏ bé mà mong người qui phục là điều không bao giờ xảy ra.

2. Đừng bao giờ đánh giá người khác về thái độ của họ đối với bạn. Vì điều ấy còn phụ thuộc vào bạn. Cũng vậy đừng bao giờ trách móc thượng đế, vì điều ấy còn phụ thuộc vào bạn. Bạn còn chưa biết bạn thật sự là ai? Thật sự cần gì? Điều gì là bạn chạy theo đám đông và điều gì là nhu cầu thật của mình? Bạn còn chưa biết về mình, thế thì thượng đế làm sao biết để chiều bạn chứ?

3. Khi say thì người ta thường bộc lộ những điều dấu kín trong lòng. Nhưng người từng trải thì sẽ có khả năng giả vờ say để làm người khác tin vào lời mình nói. Hề hề. . . Khi đi vào đời rong chơi, hãy giả vờ ngu trước những kẻ tưởng mình khôn và hãy giả vờ say trước những người đang tưởng rằng mình đã tỉnh giác. Điều ấy là một trò chơi rất thú vị mà lại được lòng kẻ khác. . . hề hề. . .

4. Hành động vì lý tưởng ít gây nguy hại hơn là lý tưởng hóa hành động của mình. Vội tin sẽ dẫn đến hoài nghi. Bởi vậy đừng nghĩ người nào đấy thật sự tin bạn, khi bạn chưa có vấn đề cụ thể để người ấy phải tin. Niềm tin của người ấy không có cơ sở và đó không phải là người bạn giao trọng trách.

5. Cũng giống như gần gũi một đóa hoa đẹp để có thể thưởng thức mà không ngắt nó đi. Thân mật mà không sỗ sàng, không mất đi sự tinh tế. Tình bạn đã cần, tình yêu còn cần điều nầy hơn nữa để khỏi sinh nhàm chán, dung tục và đổ vỡ.

6. Trí tuệ lớn nhất đưa bạn tới thành công là trí tuệ kiểm soát được tính tự ái của bạn. Người hay tự ái thường bị kẻ khác kích động để lợi dụng và do đó thất bại trong cuộc sống. Người có tính tự ái thường biến thành con rối để kẻ khác giật dây và là trò cười của người trầm tĩnh.

7. Luôn cố gắng làm vừa lòng mọi người bạn nhất định sẽ thất bại, trừ phi bạn muốn làm tay sai của người khác. Còn luôn sinh sự đấu đá thị phi với người khác bạn nhất thiết sẽ bị tổn thương và cũng sẽ thất bại. Nghệ thuật sống là chỉ nói và làm vì cái lợi của mọi người chung quanh. Nhiên hậu bạn sẽ hưởng hạnh phúc cùng họ.

8. Hãy nói, nếu bạn biết trước điều ấy sẽ làm đám đông ủng hộ bạn. Còn nếu không tốt hơn nên im lặng mỉm cười. Hãy gợi ý chứ đừng nói, nếu bạn biết trước điều ấy sẽ khiến nhiều người nói thay bạn. Nếu không hãy yên lăng lắng nghe và tán thưởng người khác. Nhưng người từng trải lại hành xử khác. Người ấy sẽ nói ngược lại ý của mình, nếu biết trước đám đông sẽ vì thế mà phẫn nộ nói ra ý định thật của mình. Hãy điều khiển và dẫn dắt đám đông chứ không để đám đông điều khiển và dẫn dắt mình. Đó là nghệ thuật của hùng biện.

9. Cường điệu là do mất tự tin. Khiêm nhường thái quá cũng là do mất tự tin. Tự nhiên là tự tin. Nói lời tự nhiên hòa nhã, thế mà làm đối phương mất tự chủ, tự bộc lộ khuyết điểm của mình. Không khóet sâu vào yếu điểm của đối phương mà cố ý lờ đi. Thành thật với lỗi của mình với các giải pháp rõ ràng. Đó là nghệ thuật cần có khi tranh luận.

10. “Kính nhi viễn chi”. Nghệ thuật sống là nghệ thuật giữ khoảng cách. Cho dù tình yêu đi nữa, bạn vẫn còn cái ”sân sau của tâm hồn”. Điều ấy làm bạn luôn hấp dẫn, huyền bí và khơi gợi sự khám phá nơi đối tượng. Nó tránh sự nhàm chán và đổ vỡ. Nhưng bạn coi chừng đừng để khoảng cách ấy là quá lớn. Nó càng nhỏ, càng tinh tế, hạnh phúc của bạn trong cuộc sống càng to lớn sâu đậm. Nhưng nếu bạn mất cái khoảng cách tế vi ấy đi. Bạn sẽ bị đám đông nuốt chửng và sẽ nô lệ cho tâm lý đám đông.
>>>
Luyện công ở núi Bạch Mộc Lương Tử