1. Ngồi ngẫm lại chuyện đời chuyện đạo. Ta thấy hối tiếc về những gì mình đã làm thì ít. Mà hối tiếc về những điều ta đã không dám làm thì nhiều. Nếu quá chú trọng an toàn, cuộc đời chúng ta sẽ thành vật trang trí trong tủ kính. Cần phải có chút điên rồ mới sáng tạo được. Chỉ thông qua sáng tạo, bản năng mới thăng hoa và chúng ta sẽ biến giấc mơ của mình thành hiện thực.

2. Khi gặp rắc rối, người thị phi bỏ ra 95% cho rắc rối và chỉ 5% cho giải pháp. Người từng trải là người làm ngược lại.

3. Có người thân thể thì ốm yếu đầy bệnh. Nhưng lại ưa đi thuyết giáo về đạo với người khác. Một hôm người ấy gặp Hai Lúa và nói với hắn rằng: ‘ Nếu ông không chữa lành tâm bệnh của mình, sau khi chết ông sẽ xuống địa ngục”. Hai Lúa cười và nói với ông ta. “Còn ông vì không lo chữa lành thân bệnh của mình, hẳn ông đang ở trong địa ngục”.

4. Tính cách tạo ra sắc thái riêng thú vị. Nhưng tính cách không thể tự tạo ra. Nó hình thành dần qua trải nghiệm thực tiển với những nếp hằn sâu trong tâm hồn. Còn “tính cách của tính cách” thì rỗng và nhạy bén nên không chấp vào một sắc thái cố định nào, mà luôn biến đổi để thích ứng tình huống.

5. Bản thân sự hiện hữu của thầy mình khi giảng pháp, chính là bài pháp nguyên thủy. Nội dung của bài pháp do thầy mình truyền thụ là bài pháp F1. Và cái mà bạn hiểu được là bài pháp F2. Bài pháp nguyên thủy không thể học được bằng bắt chước, bằng hiểu nó, bằng nghe, bằng thấy hay bằng thực hành. . .Nó chỉ được “cảm” rồi sau đó thăng hoa lớn dần tạo ra rung động riêng trong tâm hồn bạn.

6. Nước chảy về chỗ trũng. Khi bạn khiêm tốn trước mọi người, năng lượng sẽ chảy về phía bạn. Người nói nhiều, biểu thị nhiều, xét đoán phê phán nhiều và cống cao ngã mạn. . .Người ấy sẽ bị tiêu hao năng lượng, khiến càng lúc càng mệt mỏi và cuối cùng sẽ dẫn tới sai lầm.

7. Kinh sách bạn đọc và hiểu nó không phải là tri thức và cũng không phải là cái biết thật sự. Cái biết thật sự luôn là kết tinh của sự trải nghiệm. Khác với khoa học. Trong tâm linh và tôn giáo, nếu bạn chưa thí nghiệm lại những điều mà những người chứng ngộ đã làm, cái biết của bạn chỉ là học vẹt.

8. Những người có mặt không đáng quan tâm, hãy quan tâm đến những người tham gia. 
Những người tin tưởng việc bạn làm không đáng quan tâm mấy, hãy quan tâm đến những người cùng làm việc ấy với mình. 
Người biết điều là người bạn có thể chơi cùng. Nhưng người sống tử tế mới là người bạn có thể sống cùng.
Tôn trọng người tha thứ mình. Nhưng chỉ nên gần người đã quên hẳn việc mình có lỗi với họ.

9. Ta hợp nhất năng lượng với thiêng liêng. Thông qua thực nghiệm, ta rút ra kinh nghiệm cho từng sự việc và ta chưa từng nghe vị thầy vô hình nào giảng hay nói để mình nghe cả. Hiệu quả của việc ta làm với đồng bào mình là ấn chứng và ta không cần vị thầy nào khác ấn chứng cho mình.

10. Đừng vội tin lời các bậc chứng ngộ nói. Hãy trải nghiệm lại và tự mình rút ra kinh nghiệm. Bằng cách đó, bạn hãy đi tới tận cùng ý tưởng của mình. Khi đến đấy bạn sẽ có cái thấy và tầm nhìn khác mới mẻ hơn nữa. Và đó là con đường sẽ dẫn bạn tới gặp thượng đế đích thực của mình, nếu bạn rảnh và muốn gặp ngài.