1. Luyện công lúc chưa có năng lượng. Thì cơ thể là người tập, còn mình là “người nhận biết” luôn theo dõi giám sát mọi biểu thị của cơ thể để kịp thời điều chỉnh nếu hành công chưa chính xác. Như vậy lúc nầy như có 2 người.

2. Luyện công lúc đã đắc khí, nghĩa là lúc cơ thể đã hợp nhất với năng lượng. Thì một thể nầy mà như có 3 người cùng góp phần trong việc luyện công, nên gọi là “tam thân mà nhất thể” hay 3 ngôi hợp nhất:
-Năng lượng là người tác động và điều khiển động tác
-Cơ thể là người chấp hành bằng cách buông xuôi thuận theo
-Và mình là người nhận biết, không tập, nhưng theo dõi giám sát sự tập luyện của cơ thể để sẵn sàng điều chỉnh.

3. Khi bạn sáng tác thì cái tướng đầu tiên bạn tương tác chỉ là cái duyên khơi nguồn cảm xúc. Khi tình yêu tinh khiết lớn dần, bạn sẽ tương tác được với phần hồn của sự vật. Khi ấy con tim bạn sẽ tạo ra cảm hứng mới với hình ảnh, lời thơ và giai điệu. Thế rồi bạn buông xuôi và năng lượng thiêng liêng sẽ làm cơ thể bạn tự biểu thị. Đừng cố cột hình ảnh và lời thơ theo logic, mà hãy tự phát và hoang dại.

4. Khi tương tác với thiêng liêng. Đầu tiên người ta liên tục nói với thượng đế qua cầu nguyện hay qua trì tụng. Lâu dần việc ấy sẽ trở thành yên lặng lắng nghe thượng đế. Và cuối cùng khi đã quá quen thuộc, yên lặng lắng nghe cũng không còn cần thiết. Người ấy sẽ sống một cách bình thường hòa hợp với tự nhiên.

5. Khi bạn vận động quá mức một cái cơ nào đấy, bạn sẽ bị vọp bẻ. Cũng vậy, khi bạn quá cố gắng tin tưởng vào một điều nào đấy. Cơ trí huệ của bạn cũng sẽ bị vọp bẻ. Và tâm hồn bạn sẽ bị đau đớn vì sự cố ấy. Chân lý luôn là sự thực hiển nhiên, nên không cần bạn cố gắng để tin và cũng không cần bạn phải chứng minh niềm tin ấy là chánh giáo.

6. Nếu thượng đế là có thật. Thì thượng đế tốt là thượng đế có thể ban cho chúng sanh nhiều hơn những thứ mà chúng sanh cần. Người chứng ngộ phải chăng là người đã tìm ra vị thượng đế ấy? Và tôn giáo tốt, là tôn giáo chỉ cho người ta tìm ra thượng đế tốt của mình. Tìm mãi . . .tìm mãi mới tìm ra thượng đế hóa ra lại là chính người đi tìm hay ẩn tàng bên trong người đi tìm. Cho nên vấn đề trở lại thành, bạn cần cái gì thì hãy tự làm việc để có cái ấy. . . .Hề hề. . . .Nó chỉ là cái vòng tròn vui vẻ.

7. Hãy quan tâm đến mọi người và giúp đỡ họ khi có thể. Hành động giúp đỡ phải tự nhiên và xuất phát từ con tim mình. Hành động của lòng yêu thương dù chỉ là nhỏ nhoi, nhưng sẽ có tác động to lớn khiến cuộc đời bạn hạnh phúc hơn. Trái lại nếu cứ để ý điều khiếm khuyết của mọi người rồi công kích chê bai họ, hay cố gắng liên tục chứng minh mình hay mình giỏi. Điề ấy sẽ làm mọi người chung quanh xa lánh và không yêu thích bạn và lẽ dĩ nhiên hạnh phúc của bạn cũng sẽ vì thế mà sút giảm đi.

8. Đừng bao giờ đổ lỗi cho ai. Hãy mỉm cười bao dung, hành động với sự hiểu biết và lòng yêu thương, thì rồi cuối cùng sự việc sẽ được giải quyết một cách có hậu thật bất ngờ. Hề hề. . . .đó là thần lực của Đại Bi.

9. Sướng hay khổ là tâm lý, cho dù vật chất có khả năng tạo ra trạng thái tâm lý ấy. Nhưng vật chất không thể mặc định trạng thái tâm lý của bạn được. Nếu bạn hiểu rõ vấn đề nầy, bạn hoàn toàn có khả năng tự rèn luyện việc làm chủ tâm lý mình. Khả năng tự chủ của bạn càng cao thì hạnh phúc của bạn sẽ ngày càng to lớn hơn. Cho dù bạn giàu có hay có thần thông pháp lực cao. Nếu bạn không làm chủ tâm lý mình, bạn sẽ bị đau khổ. Không một thượng đế nào có thể giúp bạn làm chủ tâm lý mình cả, chỉ duy nhất chính bạn mới có khả năng nầy.

10. Này Cỏ May, mọi sáng tạo đích thực đều xuất phát từ yên lặng và cô đơn. Bởi vậy nếu ông sa vào vòng xoáy của cuộc đời náo động. Ông chỉ là thợ chứ không phải là người sáng tạo. Tu học cũng vậy, nếu ông nhập thế hành bồ tát đạo mà không biết cách giữ mình, để sa vào vòng xoáy của nhân thế hay vòng xoáy của tâm linh. Ông chỉ là “thợ tu” chứ không phải là người tự do thật sự.

>>>

Bàn thờ gia tiên trong đạo thờ tổ tiên của tâm linh Việt.