1. Đắc khí là một chuyện, nhưng sử dụng khí thế nào cho đúng lại là việc khác. Trong tất cả kỹ thuật dùng năng lượng từ xưa đến nay, các bài tập đều chỉ có một mục đích là làm năng lượng và cơ thể người tập hợp nhất một cách toàn diện. Để sau này khi ứng dụng trong cuộc sống có hiệu quả và không xảy ra tai nạn.

2. Có hiệu quả hơn vì năng lượng kích thích tiềm năng cơ thể, và không tai nạn vì thể xác và tâm lý đã qua quá trình làm quen dần với năng lượng và đã hợp nhất hoàn toàn.

3. Cái sai nguy hiểm của người tu mật và các pháp dùng năng lượng là ỷ lại vào người thầy thế gian hoặc thượng đế. Sau khi có năng lượng liền tập ngay khế ấn, thần chú và linh phù để có khả năng hơn người thường. Trong khi thật ra người thầy thế gian chỉ có vai trò giám sát nhắc nhở (A Xà Lê) chứ hoàn toàn không có tác dụng dạy thần thông. Thần thông và các bí pháp đều do thiêng liêng và vô vi dạy đạo qua tam mật tương ưng( thân mật, khẩu mật, ý mật). Và Thượng Đế qua các hình tướng đều là phi nhân cách.

4. Người tập nên tỉnh táo không nên vì cái ngã của người thầy thế gian vội tâm linh hóa mọi vấn đề khách quan. Người tập phải biết, chính mình mới là người quyết định vấn đề. Nếu thượng đế tự làm được chắc ngài đã cứu độ hết tất cả chúng ta rồi cần chi phải tu học. Thượng đế còn làm không được, sao ông thầy thế gian làm được chứ?

5. Để tạo uy tín cá nhân, các ông thầy tâm linh thường cường điệu vấn đề và thường tự nghĩ ra các bài tập năng lượng rất kỳ quái để tự quảng cáo và thu hút người tập. Trong khi vấn đề cốt lõi là sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần, một cách sống có văn hóa, có tình người và hữu dụng thì lại làm không được.

6. Người đến tập thường rất tham pháp. Tập bài nầy chưa xong liền đòi hỏi học bài mới. Học ông thầy nầy chưa xong vội chạy tới ông thầy mới vì nghe báo chí hoặc truyền thông quảng cáo. Ham pháp như vậy, nhưng ông thầy thế gian vì muốn giữ học trò phải chạy theo đám đông. Tạo ra nhiều bài tập không thực dụng. Khiến người tập liên tục sống trong ảo giác, tưởng mình đã đắc các pháp vi diệu, rồi huyênh hoang hoặc xa rời cuộc sống đời thường.

7. Chư huynh của bản môn, nên tỉnh giác, sống có văn hóa, có tình người và khoa học. Không nên sa vào dòng chảy thác loạn của tâm linh hiện nay. Sau khi học viên đã tập thành thục bài tập cơ bản của liệu trình A. Sức khỏe họ đã được cải thiện, tâm lý họ đã được quân bình và an vui. Nhiên hậu mới từ từ dạy nâng cao đừng vội vàng .

8. Bài tập nâng cao không cần dùng các Mandala của tâm linh. Mà nên đào sâu áp dụng trong phòng tập và trong cuộc sống về các yếu chỉ như: Thư giãn, hơi thở, nhận biết tỉnh giác, an lạc với nụ cười trên môi, bình thường tâm khiến đông tác và lời nói là tự nhiên dù đang hiệp khí. . .v.v. . .

9. Bệnh của người tập thuộc rối loạn chức năng, cơ năng mãn tính hay thực thể cần phẩu thuật hoặc can thiệp mạnh của y học. . .Tùy trường hợp hướng dẫn học viên dùng bài tập như là biện pháp hổ trợ để học viên chóng lành chóng phục hồi chứ không nên thần thánh hóa phương pháp.

10. Vấn đề của bạn là gì? Giúp học viên thiền định quán tâm, quán hơi thở, quán động tác. . .v.v. . .để từng bước giải quyết vấn đề của họ, để học viên đủ sức mạnh tinh thần vượt qua vấn đề của mình mà vui sống. Này Cỏ May, làm như vậy chính là đào sâu nâng cao để tăng hiệu quả chứ không cần tâm linh hóa hay cường điệu hóa vấn đề.