1. Lịch sử loài người đã chứng minh, con người bất tử là không thể được, mà nếu có nó cũng làm trở ngại cho sự phát triển của những người trẻ tuổi có năng lực. Cũng vậy chân lý tuyệt đối là điều không phù hợp. Nó không thể có, mà nếu có nó sẽ là trở ngại ghê gớm cho sự phát triển của nhân loại.

2. Tức giận là dấu hiệu của cảm giác thấp kém. Ưa thuyết giảng và giải thích là dấu hiệu của cảm giác thiếu tự tin. Liên tục khoe mình giỏi mình hay là dấu hiệu của cảm giác thua sút người đối diện. Chỉ có người là chính mình thì mới sống một cách tự nhiên không cường điệu.

3. Xã hội thường giả tạo, nên sự thật biến thành thứ vũ khí có sức mạnh to lớn đôi khi là hủy diệt. Cho nên người từ bi luôn biết dùng sự thật một cách có nhân văn.

4. Đừng sống trong địa ngục vì những biện pháp tu học để không xuống địa ngục. Mà hãy sống hạnh phúc qua việc cảm nhận mặt tích cực của cuộc sống. Đừng mang địa ngục về nhà bạn mà hãy quan tâm đến những người chung quanh. Thế là bạn đang từ từ mang niết bàn về nhà mình.

5. Nếu bạn chưa thật sự yên lặng thì không có cái gọi là “người khác”. Người khác chỉ là sự phóng chiếu của bản thân bạn lên đối tượng. Bởi vậy, qua việc bạn phán xét người khác, bạn để lộ chân tướng của mình mà thường ngày bạn vẫn che dấu dưới cái mặt nạ khác.

6. Người giàu có không phải là người có nhiều, càng không phải là người cho nhiều mà là người biết đủ. Người trí huệ thật sự không phải là người thu thập nhiều kiến thức, càng không phải là người ưa thuyết giảng, mà là người tịnh và rỗng.

7. Muốn sáng tạo, việc đầu tiên bạn phải sẵn sàng buông bỏ những điều mà mình tưởng là chân lý, buông bỏ nhừng điều mình tưởng là chắc chắn không cần bàn cãi. “Giải thoát tri kiến” như vậy sẽ làm tấm gương tâm thức của bạn sạch không, nên nó luôn sẵn sàng phản ảnh sự vật. 
Này bạn, tự phản ảnh sự vật chính là sáng tạo, vì sáng tạo đích thực thì không có “ngã sáng tạo”. Và vì bạn luôn sẳn sàng buông bỏ nên bạn lại sạch không và sẽ lại nhạy bén phản ảnh. Do vậy bạn sáng tạo không ngừng nghỉ vì vạn vật vẫn đang sinh tồn và biến hóa có bao giờ ngừng nghỉ đâu.

8. “Phẫn nộ vì đạo đức” là nguy hiểm vì nó sẽ gây ra Thánh chiến hay các cuộc chiến tranh tôn giáo. Còn đối với cá nhân nó làm cho cái xấu cái ác núp bóng từ bi mà lộng hành. Không nên nhân danh cái đúng mà nổi giận với người khác. Hãy thực hành cái đúng bằng nhân văn và nhân ái mà không cần phải nổi sân si.

9. Con người không phải khổ do tham sân si mà khổ do xã hội lợi dụng tham sân si để quảng cáo, để giáo dục, để định hướng quần chúng bằng truyền thông. . .v.v. . .Xã hội ngày một văn minh, các hệ thống quản lý ngày càng tinh vi và khoa học hơn. Dần đần nó sẽ biến con người thành robot sống một cách vô thức trong guồng quay của vô vàn định chế và hệ thống.
Một cách sống giữa thiên nhiên, sử dụng hạn chế điện thoại, sử dụng hạn chế mạng xã hội và truyền thông. . .v.v. . .sống đơn giản khỏe mạnh vui tươi mà không lệ thuộc vào quảng cáo và tâm lý đám đông, sẽ làm bạn ít lê thuộc và khó trở thành robot hơn.

10. Sự tự do thật sự chỉ có ý nghĩa khi mọi thứ bạn thấy trong cuộc sống bạn đều có thể sử dụng chúng mà không bị lệ thuộc. Chân lý và thượng đế cũng không phải là ngoại lệ.
>>>

Đêm trăng uống trà trên bờ biển/ vịnh Vĩnh Hy