Tánh thiền

KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH

KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH
Diễn đàn thảo luận, nghiên cứu về Khí công và Dưỡng sinh

Tánh thiền

  • Comments 2

- Thiền là gì ?

-Già không biết

-Thế ông đang hành công là cái gì?

-Thiên hạ gọi là thiền

-Thế ông gọi cái đó là gì?

-Ta không quan tâm

-Thì cũng phải có một cái tên cho nó, để dùng cho buổi uống trà hôm nay chứ.

-Thiền

-Mục đích của việc hành thiền của ông là gì?

-Không có mục đích. Đó là bản năng sống của già. Như ăn, uống, ngủ, nghỉ, vậy.

-Ông có thực hành các phương pháp thiền của những vị khác không?

-Có, nhưng mỗi người có cái thích riêng như khẩu vị vậy.

- Giống và khác ở những điểm nào?

- Chẳng thể diễn đạt cái mình thực chứng, nhưng đều có thể hướng dẫn cách làm để được vậy. Còn khác là ở hương vị riêng tùy theo khẩu vị.

- Phương pháp thiền của ông là từ kinh sách của Phật hay chư Tổ nào?

- Không thể nói được

- Tại sao thế?

- Bởi vì nếu là thể thì vô hình vô tướng bất tư nghì không thể nói được. Còn ở phạm trù dụng hay là hiện tượng thì giống như khi nhỏ còn đi học. Cô giáo cho ta học rất nhiều bài văn mẫu và đọc rất nhiều sách của những nhà văn nổi tiếng. Như khi lớn, ta viết văn là tự ta viết, chẳng bắt chước hay rập khuôn ai. Cái đó không phải là  ngã mạn hay văn của ta hay hơn các bậc tiền bối. Nhưng ta là ta, họ là họ, ta chỉ nương theo đấy để nở hoa, cho dù đấy là loài hoa bé nhỏ, không nổi tiếng, không được nhiều người ca tụng. Nhưng ta không thể thành loài hoa như họ và chắc rằng các loài hoa cao quí kia cũng không thể thành ta được. . . .hề. . hề. . . .Mỗi cá nhân tự nó có giá trị riêng thuộc bản chất.

- Nếu không ăn thì đói, không uống thì khát, không ngủ nghỉ thì mệt mỏi sinh bệnh. . .v.v. . . vậy cụ đã bảo thiền của cụ như là bản năng. Thì nếu cụ không hành thiền thì thế nào?

- Ta không biết

- Tại sao thế?

- Vì ta đang sống. Mà đối với ta, thiền với thật sống là bất khả phân.

- Vậy khi hành thiền thì cụ thu được lợi ích gì?

- Ta không biết

- Tại sao thế?

- Thế ông ăn và uống thì thu được lợi ích gì?

- Tôi ăn phải kiêng ngọt vì tôi bị đái đường

- Nhưng ta không bị đái đường vậy ông nghĩ già có cần phải kiêng ngọt không?

- Không

- Ta không bị bệnh gì cả. Vậy ông nghỉ ta có cần phải kiêng cái gì không?

- Không

- Thiền đối với ta cũng như ăn, uống, ngủ, nghỉ, vì sống thì phải thế. Cũng vậy, này ông, một chút cũng không mà dẫy đầy trời đất. Một tiếng cũng không mà âm ba đồng vọng khắp trần gian. Như như thường hằng, không thêm chút gì vào được. Không bớt chút gì ra được. Muôn đời bao giờ cũng vậy. Cho nên con người thật thì không có bệnh. Sống là như cuộc cuộc sống thật phải như vậy, chứ chẳng nhằm sống để làm gì.

-        Nhưng có thân thì phải có bệnh. Có bệnh thì phải có phương pháp trị bệnh để hết đau đớn vì bệnh. Phải có phương pháp tu học để qua đó dứt trừ đau khổ thực chứng giải thoát. Chứ nếu cứ để tự nhiên không làm gì cả thì chư Phật chư Tổ sinh ra đời để làm gì?

-        Ta không được vậy. Này ông, ta và mọi người đang cùng ngồi trong Tánh. Ta chưa rời nước nên không biết phương pháp hướng dẫn người khác làm khô quần áo được. Ông có thể tìm học các vị thiện tri thức hay các vị đạo sư nổi tiếng rồi về dạy lại cho ta với.

-        Thế cụ không giúp gì cho mọi người sao?

-        Có chứ, ta nhắc mọi người biết là chúng ta vẫn đang còn ngồi trong tánh.

Ba Gàn / 28/3/2012

>>>>>>

SẮP ĐẶT / Chủ đề: Tánh khởi Dụng

Người thực hiện để minh họa: Hai Lúa

Ngôn ngữ hình tượng dùng trong phần sắp đặt này:

- Trà: tượng trưng cho sự tỉnh giác. Nên uống Trà tượng trưng cho thiền.

- Bình trà: tượng trưng cho ngài giáo thọ (hạ sự truyền)

- Ly uống trà: tượng trưng cho người tu thiền

Hòn Đá tròn: tượng trưng cho sự viên dung, chánh định và yên lặng. Đó là đặc tính của người tu tập

Hòn đá tròn đang quay và nở hoa: Tượng trưng cho sự chánh định đã thăng hoa chuyển hoa nên đã nở hoa. Nhưng vẫn luôn cùng trôi với vạn pháp. Đó chính là Hóa Thân của Thượng Sư hợp nhất với Báo thân của Hạ sư trong bí pháp thương sư dạy hạ sư truyền.

- Mọi sự đang xảy ra trên mặt nước tượng trưng cho Tánh khởi Dụng.

 

Tâm trí với trò chơi của nó. Ban đầu là cảm nhận về sự phóng thể hay rời xa gốc.

 

 

Thế là trò chơi bắt đầu với nghịch lý buồn cười: Nằm trong nước nhưng chúng sanh lại gào khát cổ xin ly nước

 

 

Tuyệt vọng, con tim bắt đầu cầu nguyện và Thượng Đế phi nhân cách đã lắng nghe.

 

 

Cảm ứng đạo giao nan tư nghì

 

 

Trong tình yêu tối thượng với cơn say thần thánh, Thượng Đế phi nhân cách đã mời con tim yêu thương uống chén trà tỉnh giác:

- Uống Trà đi

 

 

Trà tỉnh giác không cho không bán

Ly của mình uống chán thì thôi

 

 

Trà và người hợp nhất. Không có người uống và trà được uống. Chỉ có sự tự nhiên tỉnh giác phi nổ lực. Sự hoạt dụng luôn tự biểu thị để thích ứng với mọi tình huống. Nên tuy tuỳ duyên mà vẫn luôn chánh định.

 

 


Nó là một luồng chảy miên viễn đầy ngẫu hứng, không trụ vào một ngã cố định hay một pháp cố định nào.

 

 

Cái Một luôn theo dòng của biến dịch

 

 

Và cùng trôi với vạn pháp. Nên Cái Một và Cái Toàn Diện tự giao hoà, hợp nhất, không kẽ hở và bất phân.

 

 

Thế rồi một ngày kia, con tim yêu thương tự nhiên gặp vị thầy vô vi của nó (Satori hay ngộ đạo)

 

 

Đó là vị Thượng Sư

 

 

Dụng Pháp Hoa Vô Tướng

 

 

Mọi sự như một màn kịch trên sân khấu vô vi, khi Tánh khởi dụng để thành hiện tượng:

"Thượng sư dạy mà hạ sư truyền".

 

 

Cũng gọi là: Bất truyền truyền hay là truyền tâm ấn

 

 

Không có người dạy, không có người học, không có pháp nào để tu, chỉ là hư không hợp nhất với hư không hay là thần hợp nhất với thần để hoàn hư.

 

 

Thế rồi, không có thời gian cho cái nháy mắt của Thượng Đế. Hoát nhiên bản thể biểu thị thành: Thường, lạc, ngã, tịnh

 

 

Chẳng còn lại ai. Chỉ có ánh sáng, sự rỗng không tràn đầy sinh lực. Hương thơm và phúc lạc tràn ngập khắp nơi nơi.

 

 

Con tim với tình yêu tối thượng chợt nhân ra. Chúng sanh luôn sống trong Tánh như cá luôn phải sống trong nước không thể chia lìa. Việc phóng thể hay Dukha chỉ là trò chơi của tâm trí và chỉ là phương tiện thiện xảo để độ sanh của cổ đức. Này ông, đó là bí mật lớn của các ngài. . .hề. . hề. . . 

Cho nên khi ông hỏi con cá chuyện trên mặt đất, nó liền bảo:

- Không biết . . .Hề hề. . . .

  • Nam mô A Di Đà Phật,

    Đã tánh mà lại còn thiền

    làm sao nói được chuyện riêng thế này!!!

  • Các từ dùng trong bài viết này có nghĩa là:

    - Ngộ là hiện tượng Cái Một giao hòa với Cái Toàn Diện

    - Trực Ngộ hay Đốn Ngộ là phương pháp đi thẳng tới vấn đề ấy

    - Tánh là Bản Thể

    - Thiền là phương pháp để thực chứng

    - Nên Thiền Tánh  có nghĩa là xuyên qua Tướng biểu thị, đi thẳng vào Thể

    - Còn Tánh Thiền là từ Thể khởi Dụng nhưng vô ngã.

    Bởi vậy cho nên Tánh Thiền có thể trình bày mọi sự như là phương tiện thiện xão mà không cần chấp phải dùng lại các phương tiện của người xưa.