GHI LẠI CHUYẾN HÀNH HƯƠNG INDONEXIA

Diễn đàn

Diễn đàn
Thông tin chung, nội quy, hỏi đáp chung ...

GHI LẠI CHUYẾN HÀNH HƯƠNG INDONEXIA

  • Chúng tôi khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất thành phố Hồ Chí Minh đi Indonexia, vì để giảm chi phí tối đa chúng tôi mua vé máy bay giá rẻ của hãng Air Asia nên phải quá cảnh ở Malaixia gần 1 ngày. Đến sân bay Kuala Lumpur gần 01 giờ đêm, chúng tôi nhận phòng ở khách sạn Tune nghỉ lại một đêm. Ấn tượng đầu tiên là sân bay quốc tế Kuala Lumpur rất lớn, số lượng máy bay rất nhiều và bãi đậu xe hơi rộng với những chiếc xe xếp hàng thẳng tắp. 

     Hình: Toàn cảnh sân bay nhìn từ khách sạn Tune

    Ấn tượng thứ hai ở Malaixia là khách sạn sân bay Tune, khách sạn này chuyên dành cho khách hàng quá cảnh đăng ký phòng nghỉ ngơi nên dù không thiếu đất nhưng xây dựng phòng ốc bên trong san sát như chung cư và mỗi phòng nhỏ xíu như hộp diêm. Trong phòng có đầy đủ tiện nghi: giường, niệm, tủ lạnh, quạt, điều hòa, phòng tắm, nước nóng lạnh nhưng diện tích chỉ vừa đủ cho 2 người vào nằm ngủ, thêm người thứ 3 thì không biết nhét vào đâu.

    Buổi sáng ở Malaixia chúng tôi có khoảng 5 tiếng dành cho ăn sáng, uống café tán chuyện và tranh thủ hỏi Thầy về cách tập, cách tu học. Để tiết kiệm chi phí, phần lớn chúng tôi mang theo đồ ăn từ Việt nam sang để ăn trong mấy ngày đầu như: bánh chưng, bánh tét, dưa món, trái cây, mì gói.

    Hình: Tham vấn buổi sáng cùng Thầy

    Hình: Ăn sáng, cafe cùng Thầy

    Sau ba giờ bay, chúng tôi đã đến Yoryakarta trên đảo Java lớn, và đón xe buýt về Borobudur. Sau gần 2 giờ đồng hồ ngồi trên xe buýt chúng tôi về đến Borobudur, một nhóm khoảng 10 người ở  khách sạn Lotus 2 và phần lớn thì ở Resort Manohara ngày bên cạnh đạo tràng Borobudur.

                Borobudur giống như một thị trấn nhỏ ở Việt Nam, với khí hậu nhiệt đới ẩm, cây cối xanh tươi, người dân rất hiền lành và hiếu khách. Một đặc điểm thú vị là phần lớn người dân ở đây theo đạo Hồi và xe cộ giao thông trên đường đi làn bên trái.

    Hình: Giao thông theo lề trái đường

                Khách sạn Lotus 2 giá rất rẻ, phòng nhỏ 200.000 Rupee, tương đương 400.000 VNĐ/ ngày/ 2 người, phòng lớn gia đình khoảng 800.000 VNĐ/ngày/4 người. Chúng tôi ở 3 ngày 3 đêm mỗi người chỉ trả khoảng 600.000 tiền Việt. Nhân viên khách sạn nói tiếng Anh khá tốt, thân thiện, hiếu khách. Nhận phòng chúng tôi liền được phục vụ mỗi người 1 ly trà đường nóng với chổ ngồi có góc nhìn ra ruộng lúa rất thú vị. Buổi sáng được phục vụ điểm tâm nhẹ: 1 trái chuối xắt miếng, 1 miếng đu đủ và bánh mì mứt thơm, dâu. Vì món ăn Indo hay bỏ nước xốt dầu cải có mùi hăng hăng giống món ăn Ấn độ rất khó ăn nên buổi trưa và tối chúng tôi đặt khách sạn đi chợ nấu món ăn hợp khẩu vị Việt Nam.

    Hình: Phòng uống trà

    Hình: Phòng ăn tối

    Hình: Một góc bếp


  • BÀI 2: INDONESIA – ĐẤT NƯỚC, VĂN HÓA, CON NGƯỜI

    Indonesia là quốc gia có nhiều cư dân sống trên đảo nhất thế giới, quốc đảo bao gồm 17.500 đảo lớn nhỏ khác nhau, có khoảng 6.000 đảo không có người sinh sống. Trong đó năm hòn đảo lớn nhất là JavaSumatraKalimantan , New Guinea và Sulawesi. Nước có bờ biển dài thứ 3 thế giới (54.715km), vị trí bờ biển chiến lược trên đường thông thương giữa Đông và Tây giúp thương mại nội địa và nước ngoài phát triển.

    Từ thế kỷ thứ 7, thương mại hàng hải đã phát triển kèm theo nó văn hóa và tôn giáo nước ngoài bắt đầu du nhập vào Indonesia. Thời kỳ đầu Hindu giáo và Phật giáo du nhập vào khoảng thế kỷ thứ 7, thứ 8 và phát triển hưng thịnh suốt trong 3 thế kỷ, sau đó suy tàn vào khoảng cuối thế kỷ thứ 10. Để lại các công trình văn hóa tôn giáo lớn như:  Borobudur của Vương quốc Phật giáo Sailendra và đền thờ Prambanan của Vương quốc Hindu giáo Medang. Đầu thế thứ 13, Hồi Giáo bắt đầu du nhập vào Indonesia và phát triển liên tục cho đến ngày nay. Ngày nay Indonesia là quốc gia có số lượng tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới.

    Dân số Indonesia có 251 triệu dân đứng hàng thứ tư trên thế giới  (nguồn Wikipedia). Đa dạng về sắc tộc với hơn 300 nhóm sắc tộc khác nhau, mỗi nhóm có văn hóa riêng và đã phát triển qua nhiều thế kỷ, điều này làm cho đất nước Indonesia là một trong những nước đa dạng văn hóa và ngôn ngữ bật nhất thế giới. Có hơn 742 ngôn ngữ cùng thổ ngữ khác nhau được sử dụng ở các sắc dân Indonesia, tiếng Indonesia được chọn làm ngôn ngữ chính thức và thống nhất sử dụng khắp cả nước từ khi dành độc lập vào năm 1945.

    Vị trí địa lý nằm dọc theo xích đạo nên Indonesia có khí hậu nhiệt đới ẩm với hai mùa mưa và khô rõ rệt. Địa hình đa dạng với nhiều đồi núi cao, sông ngòi, hồ rộng lớn.  Đỉnh núi Puncak Jaya tại Papua là đỉnh cao nhất Indonesia nằm ở độ cao 4.884 mét so với mặt nước biển, và hồ Toba tại Sumatra là hồ lớn nhất, với diện tích 1.145 kilômét vuông (442 dặm vuông). Indonesia nằm trên vùng của các mảng kiến tạo Thái Bình Dương, Châu Á – Úc làm cho nước này có nhiều núi lửa, có khoảng hơn 150 núi lửa đang hoạt động và thường xuyên xảy ra các trận động đất, sóng thần. Lượng mưa hàng năm lớn và rừng nhiệt đới ẩm chiếm hai phần ba diện tích tự nhiên làm cho nước này có sự đa dạng sinh học đứng thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Brazil.

    Indonesia có nền kinh tế năng động, tăng trưởng hàng năm trên 7% GDP, lấy ngành công nghiệp dịch vụ làm chủ lực nên chính phủ đã tập trung đầu tư nhiều vào du lịch văn hóa.

    Một số hình ảnh đặc trưng về văn hóa lễ hội của người Indonesia

    Hình: Một lễ hội của người địa phương - Borobudur

    Hình: Một buổi lễ tế thần của người Hindu giáo

    Sự giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau được thể hiện qua tín đồ của đạo này có thể thăm viếng, tham quan đền thờ của đạo khác

    Hình: Giao thoa văn hóa tôn giáo

    Hình: Đền thờ Ulun Danu - Hindu giáo


  • Bài 3: ĐẠO TRÀNG BOROBUDUR

    Hình: mô hình tổng thể Borobudur

    Borobudur là đền tháp Phật giáo lớn nhất ở thành phố Yogjakatar miền trung đảo Java, Indonesia. Ngôi đền tháp được xậy dựng dưới thời Vương triều Sailendra vào thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 9.  Borobudur được xây dựng trên đỉnh đồi, chung quanh là rừng rậm bao phủ. Borobudur có từ gốc trong tiếng Phạn là Vihara Buddha Ur có nghĩa là Chùa thờ Phật trên ngọn đồi.

    Kiến trúc Borobudur gồm có 9 tầng được chia làm 3 phần riêng biệt.

    Phần thứ nhất: gồm chân đế và tầng 1, có hình dạng vuông,  bốn cạnh cạnh đúng vào bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Có bốn cửa chính giữa bốn mặt để đi lên trên đỉnh tháp, hai bên cửa đặt hai con sư tử bằng đá chạm trổ tinh xảo đứng chầu hai bên. Phần này tượng trưng cho cõi Dục giới (Kāmadhātu)

    Phần thứ hai: gồm có 4 tầng từ tầng 2 đến tầng 6 hình dạng đa giác 20 cạnh nhưng vẫn giữ 4 mặt vuông lớn như tầng 1, 2. Phần này tượng trưng cho cõi  Sắc giới (Rūpadhātu). Các bức tường và lan can được trạm trổ trang trí bằng các phù điêu sống động. Các phù điêu này được bố trí từ trái qua phải, bắt buột người xem phải đi dọc theo chiều đồng hồ.  Các bức họa phù điêu ở phía ngoài diễn tả cảnh sinh hoạt đời thường sống động với các gương mặt thể hiện tâm trạng hỷ, nộ, ái, ố, luật nhân quả,Thiên đàng, địa ngục … Các bức họa phù điêu ở phía trong miêu tả cảnh quá trình tu tập đến khi thành đạo của thái tử Tatdâtda, miêu tả quá trình thuyết pháp của Ngài từ khi thành đạo đến khi nhập Niết Bàn tại vườn Lâm Tỳ Ni, miêu tả các cảnh giới tu tập của chư Thiên, chư Bồ Tát… Ngoài ra, phần thứ hai này còn có 432 tượng Phật mang ý nghĩa khác nhau được đặt ở bốn mặt đông tây nam bắc, tượng trưng Phật ở khắp nơi.

    Phần thứ ba: gồm 3 tầng trên cùng từ tầng thứ 7 đến tầng thứ 9, hình tròn. Phần này tượng trưng cho cõi Vô sắc giới (Arūpadhātu), gồm có 72 tượng Phật ngồi đặt trong 72 cái tháp chuông có lỗ hình thoi, nên gọi là sọt Phật. Đây là phần tinh túy thâm sâu nhất của Borobudur, thể hiện thuyết “Trùng trùng duyên khởi” trong kinh Hoa Nghiêm.

    Borobudur là một quần thể kiến trúc bao gồm 3 đền nằm trên một trục ảo là: Chùa tháp Borobudur và hai ngôi đền nhỏ là đền Mendut và đền Pawon. Quần thể đền Borobudur được tổ chức Unesco công nhận là di sản thế giới vào năm 1991.

    Sau khi vương triều phật giáo Sailendra sụp đổ, Borobudur bị bỏ quên trong suốt 10 thế kỷ. Năm 1814, một phái đoàn nhà khoa học Hà Lan được cử đến tiến hành nghiên cứu và tu bổ lại. Năm 1970, chính phủ Indonesia kêu gọi UNESCO giúp đỡ phục chế lại ngôi đền, và đã huy động đến 600 nhà phục chế tên tuổi trên thế giới phục chế lại trong suốt 12 năm, tiêu tốn hết 50 triệu USD. Ngày nay, Borobudur được phục hồi gần như nguyên vẹn, xứng đáng là một trong những kỳ quan nổi tiếng Châu Á. (nguồn: Wikipedia)

    Hình: tổng thể Borobudur (nhìn 1 mặt)

    Hình: Phù điêu, tượng tầng thứ 2

    Hình: Sọt Phật

    Sáng hôm sau chúng tôi vào lễ đền Borobudur dưới sự hướng dẫn của Thầy. Trong tôi còn vang vọng tiếng Thầy dạy:  đi lễ đạo tràng nên giữ tâm trống rỗng, không suy nghĩ gì hết, đắc khí nhè nhẹ, vừa đi vừa quan sát các tác phẩm phù điêu và các tượng phật trên tường. Khi đến vị trí nào đó có hiện tượng năng lượng tự nhiên chạy qua người mình rần rần từ đỉnh đầu xuống toàn thân thì đứng lại xin lễ vị Phật đó và nhận năng lượng gia trì tu học. Khi chuyển sang vị trí khác nên lễ bái vị đó đã dạy đạo. Đảnh lễ đạo tràng nên giữ tư thế cơ thể bình thường, tự nhiên, không có động tác lạ, để khỏi ảnh hưởng đến mọi người chung quanh. Chúng tôi làm theo lời Thầy đi dọc theo hành lang tầng một, cảm nhận và ngắm nhìn các tượng Phật, các tác phẩm sinh động hai bên.

    Lần đầu tiên thâm nhập đạo tràng Hoa Nghiêm Borobudur với sự choáng ngợp và thán phục vì sự hùng vĩ, số lượng tượng phật và tác phẩm đồ sộ nơi đây. Chúng tôi yên lặng cảm nhận năng lượng thấm đẫm vào từ sớ thịt, từng mạch máu cơ thể mình. Tôi có cảm giác mát lành thân thuộc, sự ấm áp như con trở về nhà, như con cá lại trở về với lòng đại dương.

     Ôi, Borobudur … Borobudur,  Nam mô Hoa Nghiêm Hội Thượng Phật Bồ Tát Ma Ha Tát. Con đã về, như trẻ thơ tìm về với mẹ, như đứa con lạc loài bao năm tìm về lại được nhà mình … borobudur … borobudur …

    Hình: Im lặng cảm nhận

    Trưa chúng tôi về khách sạn ăn cơm, nghỉ ngơi. Ba giờ chiều chúng tôi lại vào Đạo tràng đảnh lễ chư phật, chư bồ tát. Chúng tôi đi thật chậm thật nhẹ cảm nhận sự vi tế của năng lượng thấm đẫm vào cơ thể mình. Hòa mình vào biển quang minh trùng trùng duyên khởi của đạo tràng Hoa Nghiêm. Lần đầu tiên thâm nhập đạo tràng hay vô lượng kiếp rồi ta đã ở đây mà sao thân quen quá đỗi.

    Hình: hồn nhiên như bé thơ